16:57 26/12/2021

Hà Nội: Trẻ em mầm non bao giờ được trở lại trường?

Thanh Xuân

Có lẽ chưa bao giờ một điều rất đỗi bình thường, giản dị là trẻ em tới trường lại trở nên khó khăn, thách thức đến vậy. Mong muốn tới trường vừa là của học trò, của phụ huynh mà cũng là của thầy cô và của toàn xã hội...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Do dịch bệnh phức tạp, Hà Nội chưa thể xác định khung thời gian cho trẻ mầm non  đi học trực tiếp. Nhiều phụ huynh rất sốt ruột và rơi vào tình thế khó khăn khi vừa phải đi làm vừa phải xoay xở để gửi con.

TẠM NGHỈ VIỆC Ở NHÀ TRÔNG CON

Dù công ty yêu cầu làm việc trực tiếp nhưng chị Nguyễn Phương Nhi ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vẫn chưa thể gửi con nhỏ 3 tuổi để đi làm, vì vậy chị đã tạm nghỉ việc ở nhà trông con. Chị chia sẻ: “Cả gia đình cùng sinh hoạt trong căn nhà nhỏ, bước chân khỏi cửa là đường nên con cũng không có chỗ chơi. Do đó, buổi sáng con thường ngủ dậy muộn, uể oải ăn sáng rồi xem tivi hoặc Ipad nhưng theo vị phụ huynh này, “Có lẽ con xem mãi đã chán nên đi ra đi vào chẳng biết làm bạn với ai lại quay sang mè nheo mẹ”.

Thấy tình hình như vậy, chị từng định gửi con đến nhóm trông trẻ gần nhà, tuy nhiên khi đến nơi, nhà cửa bừa bộn lại có cầu thang không an toàn nên dù khá “đuối” sau một thời gian dài phải sắp xếp công việc để ưu tiên giữ con, chị Phương Nhi vẫn tiếp tục cho con ở nhà. Chị thở dài: “Không biết tình trạng này diễn ra đến lúc nào? Bao giờ thì con được tới trường?”.

Tương tự, nhiều phụ huynh khác cũng phải xoay xở đủ đường khi vẫn đi làm mà con lại chưa được đến trường. Anh Quốc Dũng có cậu con trai 2 tuổi ở quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội đang rất bối rối vì bà nội mới về quê, bà ngoại thì chăm ông tai biến nên không thể lên trông thay ca, trong khi đó trường mầm non lại chưa mở cửa.

“Trước mắt tôi định gửi con cho một cụ bà ở cùng khu nhưng vẫn không yên tâm vì gia đình đông người, hàng ngày phải ra ngoài làm việc. Dù biết con sẽ được bà cho ăn ngủ đúng giờ, song nỗi lo luôn thường trực khi không phải ai trong gia đình người trông trẻ cũng có ý thức phòng vệ trước dịch bệnh”, anh Dũng phân trần.

Được xem là có điều kiện hơn, một số phụ huynh khác đã quyết định đưa con về quê gửi ông bà để trẻ có không gian rộng rãi vui chơi và học tập. Tuy nhiên, đó chỉ là phương án tạm thời vì ông bà đều đã lớn tuổi nên sớm muộn cũng phải đưa con quay lại thành phố. Chuyện ăn, chuyện ngủ rồi chuyện chơi cho con dù còn bộn bề vẫn phải dần chấp nhận nhưng nỗi lo về chuyện học và phát triển các kỹ năng của lứa tuổi mầm non thì ngày càng lớn.

Theo các chuyên gia nhận định, Việt Nam đã trải qua 4 lần bùng phát dịch Covid-19. Đợt dịch lần thứ tư này là dài nhất, nguy hiểm nhất và cũng thiệt hại nhiều nhất cả về người và của. Hầu khắp các tỉnh, thành phố đều chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Không ít học sinh, sinh viên từ mầm non đến đại học không tới trường, phải học trực tuyến ở nhà. Nhiều địa phương ở một số tỉnh, thành phố lớn phải đóng cửa trường từ cuối năm học trước cho đến đầu năm học 2021-2022.

Hiện nay, nếu tính cả thời gian nghỉ hè chống dịch, học sinh ở nhà tới 6 tháng không được tới trường. Trong đó với nhóm trẻ nhỏ tuổi, mà đặc biệt là trẻ mầm non thì việc phải nghỉ học ở nhà đã kéo theo nhiều gia đình vất vả trong việc trông coi, quản lý. Dù thực sự khó khăn song các bậc phụ huynh cần cố gắng khắc phục.

PHẢI CHỜ QUYẾT ĐỊNH CỦA THÀNH PHỐ

Theo cô Nguyễn Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Hoa Hướng Dương quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội: “Hiện nay dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên yếu tố an toàn cho học sinh phải đặt lên hàng đầu. Đặc biệt là đối với nhóm trẻ mầm non, các con chưa được tiêm phòng Covid-19 và chưa thể tự bảo vệ bản thân, việc cho phép các em đến trường sẽ cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, chuẩn bị đầy đủ các phương án phòng chống dịch từ thành phố, nhà trường và cha mẹ học sinh.

Những người làm nghề giáo như chúng tôi luôn mong nhận được sự chia sẻ, đồng cảm và quan trọng nhất là sự kiên nhẫn của các bậc phụ huynh để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ngay khi trẻ quay lại trường học chắc chắn sẽ có các giải pháp bù đắp kiến thức, hoạt động cho các con”.

Ngoài ra cô Nguyễn Thị Hòa còn chia sẻ, “Việc các con được đi học trực tiếp không chỉ là mong mỏi của nhà trường mà còn là của phụ huynh và toàn xã hội. Chưa bao giờ được trở lại trường lại cấp thiết đến thế vì học tập và rèn luyện tại nhà không thể bằng học tập tại trường, đặc biệt đối với cấp mầm non. Nhà trường cũng rất sốt ruột và trông ngóng ngày được đón trẻ trở lại nhưng vẫn phải chờ quyết định của thành phố”.

Trong khi đó, cô Hoàng Thị Phương Thu, Hiệu trưởng Trường mầm non Trăng Sáng ở Linh Đàm, Hà Nội cho biết: “Phụ huynh rất lo lắng khi các con phải ở nhà quá lâu, bởi khi trẻ bị giới hạn trong không gian chật hẹp và ít được tiếp xúc với môi trường bên ngoài dễ trở nên bí bách và trầm cảm. Đặc biệt với nhóm trẻ đang tập nói thì việc hạn chế giao tiếp với những người xung quanh, hạn chế học hỏi qua những bạn cùng tuổi sẽ chậm nói hơn so với những bạn cùng lứa tuổi nhưng được thường xuyên giao tiếp”.

Theo cô Hoàng Thị Phương Thu, biết khó khăn là thế nhưng với tình hình dịch bệnh có chiều hướng phức tạp như hiện nay, Hà Nội liên tục với những ngày giao động từ 1.600-1.800 ca nhiễm bệnh thì việc trẻ mầm non được đến trường e là chưa thực hiện được trong thời điểm này. Tuy nhiên, cô khuyến khích phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ tham gia học bài cùng cô giáo qua nhiều kênh thông tin, hoặc hướng dẫn các trò chơi để có thể vận động nhẹ nhàng.

Liên quan đến vấn đề này, Phòng Giáo dục mầm non - Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội thông tin, hiện Hà Nội đang ưu tiên tiêm vaccine phòng Coivid-19 cho học sinh THPT, THCS để các em được tới trường. Riêng mầm non thì chưa có đề xuất về việc cho trẻ đi học trở lại.

Còn mới đây, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã đề nghị các sở Giáo dục & Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo nguyên tắc: khu vực nào kiểm soát được dịch Covid-19 thì chủ động báo cáo cấp quản lý giáo dục để trẻ em trở lại trường học. Phối hợp với y tế địa phương xây dựng phương án phòng, chống dịch Covid-19, xử lý khi có trẻ em, cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ của trẻ em là F0 bảo đảm theo quy định.

Các cơ sở giáo dục mầm non điều chỉnh kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục mầm non theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục & Đào tạo, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục mầm non trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19. Thực hiện điều chỉnh kế hoạch, phương án tổ chức các hoạt động ăn, ngủ, vệ sinh, chơi và học theo chế độ sinh hoạt cho trẻ em, phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19 tại địa phương, an toàn về phòng, chống dịch.