Hai doanh nghiệp bị phạt vì không minh bạch phí xuất khẩu lao động
Cả hai doanh nghiệp bị phạt đều có lý do chung là không ghi rõ các chi phí người lao động đóng trong hợp đồng ký với người lao động theo quy định
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động với tổng số tiền là 245 triệu đồng.
Cụ thể, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã xử phạt Công ty Cổ phần thương mại Phúc Chiến Thắng với mức phạt 120 triệu đồng. Doanh nghiệp này bị phạt do không báo cáo danh sách lao động xuất cảnh với Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani theo quy định. Cùng với đó là không ghi rõ các chi phí người lao động đóng trong hợp đồng ký với người lao động theo quy định.
Quyết định xử phạt thứ hai đối với Công ty Cổ phần TRAENCO Quốc tế với mức phạt là 125 triệu đồng. Công ty này bị phạt do không thông báo việc giao nhiệm vụ cho chi nhánh Hà Nội thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội nơi chi nhánh đặt trụ sở.
Ngoài ra, doanh nghiệp này đã không trực tiếp tuyển chọn lao động; không ghi rõ các chi phí người lao động đóng trong hợp đồng ký với người lao động theo quy định.
Liên quan đến các chi phí trong hoạt động xuất khẩu lao động, Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được sửa đổi mới đây cũng đã loại bỏ phí môi giới mà người lao động phải trả cho các doanh nghiệp dịch vụ.
Đồng thời, cấm việc thu phí dịch vụ đối với người lao động đi qua các đơn vị sự nghiệp.
Ông Nilim Baruah, Chuyên gia về Di cư lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, đối với các doanh nghiệp dịch vụ, luật sửa đổi giữ một số loại chi phí được phép thu từ người lao động, cụ thể là phí dịch vụ và tiền ký quỹ, nhưng đặt ra mức trần và chi tiết các khoản được phép thu sẽ được quy định trong các văn bản dưới luật.
Luật quy định phí dịch vụ trong các văn bản dưới luật không được phép vượt quá mức trần ba tháng lương, các doanh nghiệp dịch vụ có thể thu phí này từ người lao động và bên tiếp nhận lao động.
Việc đặt ra mức trần cho các chi phí này sẽ cho phép người lao động đưa ra quyết định trên cơ sở có được thông tin và giúp cung cấp thông tin về chi phí đi làm việc ở nước ngoài qua các kênh chính thống.
Ông Nilim Baruah cũng nhấn mạnh, luật này là bước đi quan trọng đầu tiên trong việc hướng tới giảm phí tuyển dụng và các chi phí liên quan mà người lao động phải trả.