15:21 11/01/2010

Hãng hàng không lớn nhất châu Á chuẩn bị phá sản

Kiều Oanh

Hãng hàng không Japan Airlines (JAL) của Nhật Bản đang chuẩn bị cho các thủ tục phá sản sau khi bị Chính phủ từ chối giúp đỡ

Tính tới tháng 4/2009, JAL phục vụ tại 59 cảng hàng không nội địa và bay tới khoảng 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới - Ảnh: Bloomberg.
Tính tới tháng 4/2009, JAL phục vụ tại 59 cảng hàng không nội địa và bay tới khoảng 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới - Ảnh: Bloomberg.
Hãng hàng không Japan Airlines (JAL) của Nhật Bản đang chuẩn bị cho các thủ tục phá sản sau khi Thủ tướng Yukio Hatoyama của nước này từ chối tiếp tục hỗ trợ tài chính cho hãng. Một khi đơn xin bảo hộ phá sản của JAL được đệ lên, đây sẽ là vụ phá sản lớn thứ sáu trong lịch sử Nhật Bản.

Hãng tin tài chính Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết, quyết định cuối cùng về số phận của JAL - hãng hàng không lớn nhất châu Á - sẽ được đưa ra trong tuần này, còn đơn xin bảo hộ phá sản của hãng sẽ được nộp lên tòa án trong tuần sau. Chính phủ Nhật Bản và các chủ nợ lớn nhất của JAL đều ủng hộ phương án để hãng hàng không đang hết sức chật vật về tài chính này phá sản.

Bloomberg dẫn một bài báo trên tờ Yomiuri của Nhật Bản vào tuần trước cho biết, theo kế hoạch tái cơ cấu JAL đang được đề xuất, Cơ quan Sáng kiến tái cơ cấu doanh nghiệp, một quỹ thuộc Chính phủ Nhật Bản, sẽ cung cấp khoản vốn 300 tỷ Yên (tương đương 3,2 tỷ USD) và một hạn ngạch tín dụng 400 tỷ Yên (4,3 tỷ USD) cho JAL để hãng này trang trải chi phí trong thời gian tái cơ cấu. JAL sẽ xin các chủ nợ cho khất và chuyển đổi nợ thành cổ phiếu đối với số nợ 350 tỷ Yên (3,7 tỷ USD).

Ngoài ra, tờ Kyodo News ngày 11/1 cũng đưa tin, JAL sẽ cắt giảm 15.600 việc làm, tương đương với 30% lực lượng lao động của hãng. Giám đốc điều hành của JAL, ông Haruka Nishimatsu, người giữ chức vụ lãnh đạo JAL từ năm 2006 tới nay, sẽ từ chức.

Trong quá trình thực hiện các thủ tục phá sản, JAL vẫn hoạt động bình thường. Kết quả của hoạt động tái cơ cấu có thể sẽ là một hãng hàng không có quy mô nhỏ hơn ban đầu.

Được thành lập vào năm 1951, JAL đã vài lần được Chính phủ Nhật giải cứu để thoát khỏi bờ vực phá sản. Sau các vụ tấn công khủng bố 11/9 tại Mỹ năm 2001, dịch SARS nổ ra năm 2003, và trong thời gian suy thoái tồi tệ của kinh tế Nhật Bản năm 2009, Chính phủ Nhật  khi đó dưới sự lãnh đạo của đảng Dân chủ tự do (LDP) đã ba lần hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho JAL.

Tuy nhiên, với lời cam kết sẽ cắt giảm những khoản chi tiêu công bị xem là lãng phí nhằm khắc phục tình trạng thâm hụt ngân sách khổng lồ, Thủ tướng Hatoyama của đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) xem lựa chọn tốt nhất hiện nay là để JAL phá sản, thay vì tiếp tục ra tay giúp đỡ hãng này. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật, ông Naota Kan, ngày 11/1 tuyên bố trong cuộc họp nội các cùng ngày, Chính phủ Nhật sẽ không bàn chuyện JAL.

Do giá dầu leo thang kỷ lục trong năm 2008, cộng với tình trạng thua lỗ vì khủng hoảng và suy thoái, JAL đang mắc kẹt với số nợ ít nhất lên tới 1.500 tỷ Yên (tương đương 16 tỷ USD).

Bốn chủ nợ lớn nhất của JAL đều là các chủ nợ Nhật Bản, bao gồm Mitsubishi UFJ Financial Group Inc., Sumitomo Mitsui Financial Group Inc., Mizuho Financial Group Inc. và Ngân hàng Phát triển Nhật Bản (DBJ). JAL cho hay, hãng nợ bốn chủ nợ này tổng số tiền 429 tỷ Yên (4,6 tỷ USD) tính tới tháng 3/2009.

Giá cổ phiếu của JAL đã sụt giảm 26% trong 3 ngày giao dịch cuối của tuần trước, còn 67 Yên/cổ phiếu (0,7 USD/cổ phiếu). Năm ngoái, giá cổ phiếu của hãng giảm 68%, trở thành cổ phiếu tệ nhất trong chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo. Báo chí Nhật đưa tin, sau khi nộp đơn xin phá sản, JAL sẽ bị loại khỏi thị trường chứng khoán Nhật, và các cổ đông sẽ mất trắng.

Trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2009, JAL thua lỗ 63 tỷ Yên (672 triệu USD), đánh dấu năm thua lỗ thứ ba trong vòng bốn năm tính tới thời điểm đó. Trong 6 tháng tiếp đó, hãng này lỗ thêm 131,2 tỷ Yên (1,4 tỷ USD). Tháng 10 vừa qua, số lượng hành khách của JAL giảm tháng thứ 15 liên tiếp trong bối cảnh suy thoái toàn cầu.

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trên toàn cầu đa giảm khoảng 4,1% trong năm ngoái, gây ra khoản thua lỗ 11 tỷ USD cho ngành.

Thời kỳ suy thoái toàn cầu này đã đẩy nhiều doanh nghiệp lớn của thế giới tới kết cục phá sản. Năm 2009, hai hãng xe hàng đầu của Mỹ là General Motors (GM) và Chrysler đã lâm bước đường cùng này.

Để giải quyết khó khăn, JAL đã xoay sở nhiều biện pháp, gồm bán tài sản, cắt giảm quỹ lương hưu... Lãnh đạo của JAL đã cố tránh giải pháp phá sản vì lo ngại con đường này sẽ khiến hành khách ngại đi trên các chuyến bay của hãng, tuy nhiên, cuối cùng, nộp đơn xin bảo hộ phá sản vẫn là lựa chọn tốt nhất.

Để trấn an hành khách, Bộ trưởng Bộ Giao thông Nhật Bản Seiji Maehara nhắc đi nhắc lại rằng, các hoạt động của JAL sẽ diễn ra ình thường. Ngân hàng DBJ đã cấp cho JAL hạn ngạch tín dụng 200 tỷ Yên để hãng này duy trì hoạt động bay.

Việc JAL phá sản không ngăn cản ý định đầu tư vào hãng này của hai hãng hàng không lớn nhất thế giới là Delta Air Lines và American Airlines của Mỹ. Hai hãng này hiện đang cạnh tranh nhau để rót vốn vào JAL nhằm tiếp cận với mạng lưới của JAL tại Nhật Bản và Trung Quốc. Bản thân Delta Air Lines và American Airlines cũng phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ vào năm 2005 và mới hoàn tất quá trình tái cơ cấu vào năm 2007.

Tính tới tháng 3/2009, JAL có 279 máy bay, bao gồm 48 chiếc Boeing 747. Hãng hiện đang đặt hàng mua thêm 35 máy bay Boeing 787. Tính tới tháng 4/2009, JAL phục vụ tại 59 cảng hàng không nội địa và bay tới khoảng 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong tháng 11 vừa qua, hãng có trên 700 chuyến bay nội địa và quốc tế mỗi ngày.

(Theo Bloomberg)