10:22 13/03/2013

Hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng là “hợp ý dân”

Nguyễn Lê

Kết quả bước đầu việc tiếp thu ý kiến của nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Trong hai ngày 13 và 14/3, các vị đại biểu chuyên trách sẽ tập trung góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Trong hai ngày 13 và 14/3, các vị đại biểu chuyên trách sẽ tập trung góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách bắt đầu từ sáng 13/3, Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã báo cáo nhiều vấn đề nổi lên qua hai tháng rưỡi lấy ý kiến nhân dân.

Liên quan đến quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng ban biên tập dự thảo Phan Trung Lý cho biết, về cơ bản các ý kiến gửi đến ủy ban đều tán thành với nội dung chương 1 (chương Chế độ chính trị - PV). Có ý kiến đề nghị điều 4 cần làm rõ quy định Đảng, các tổ chức của Đảng và đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật hoặc ban hành luật quy định về hoạt động của Đảng.

“Ý kiến khác đề nghị bỏ nội dung điều này để tạo lập sự bình đẳng và cạnh tranh giữa các chính đảng”, ông Lý cho biết.

Quan điểm của Ban biên tập cũng được vị Trưởng ban nêu rõ, điều 4 dự thảo sửa đổi Hiến pháp kế thừa và giữ những nội dung quy định tại điều 4 Hiến pháp hiện hành, việc Hiến pháp khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng tại điều 4 cũng như bổ sung một số nội dung mới về việc “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình” là phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với vai trò lãnh đạo của Đảng được khẳng định trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc ta. Đồng thời, phù hợp với yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trước tình hình mới.

Về góp ý đề nghị cân nhắc không quy định quá cụ thể về việc “lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam’, quan điểm của Ban biên tập là ở nước ta lực lượng vũ trang là công cụ của Đảng và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

“Lịch sử cũng đã chứng minh rằng lực lượng vũ trang luôn trung thành với Đảng và cũng chỉ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng thì lực lượng vũ trang mới thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ của mình. Vì vậy, quy định của Hiến pháp về vấn đề này là phù hợp và cần thiết”, Chủ nhiệm Lý nhấn mạnh.

Liên quan đến nhiều vấn đề quan trọng khác, theo tập hợp của Ban biên tập, có ý kiến đề nghị nên quy định chế độ sở hữu tư nhân hoặc đa sở hữu về đất đai. Song, Ban biên tập cho rằng “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” là quy định hoàn toàn phù hợp với thực tiễn quản lý đất đai của Việt Nam.

Đề nghị nghiên cứu thay thiết chế Chủ tịch nước bằng thiết chế Tổng thống do dân bầu trực tiếp theo nhiệm kỳ cũng là góp ý được nêu, song theo Ban biên tập, quy định như dự thảo Hiến pháp là phù hợp với bản chất và mô hình tổng thể của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị của nước ta do Đảng lãnh đạo.

Về góp ý để dân phúc quyết Hiến pháp, ông Lý cho biết quy định như dự thảo (việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định) là phù hợp, đã thể hiện đầy đủ chủ quyền nhân dân, kết hợp quyền của nhân dân và thẩm quyền của Quốc hội trong xây dựng và ban hành Hiến pháp.

Trong hai ngày 13 và 14/3, các vị đại biểu chuyên trách sẽ tập trung góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.