Hiến định về quyền con người đang được hiểu khác nhau
Khó đạt được sự nhất trí cao trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về quyền con người, quyền công dân
Báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện nhiệm vụ triển khai thi hành Hiến pháp giai đoạn 2014 - 2016, Chính phủ nêu một số vướng mắc cần tháo gỡ.
Đó là, một số quyền trong Hiến pháp rất mới, chưa có thực tiễn cũng như pháp luật điều chỉnh hoặc có nhiều nội dung quyền còn có cách hiểu khác nhau, nên khi cụ thể hóa thành các quy định của luật còn lúng túng trong khâu thống nhất nội hàm của quyền đó là gì hoặc dẫn tới tình trạng còn “khoảng trống pháp luật”.
Chính phủ nêu thực tế, trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh nhằm triển khai các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, có nhiều ý kiến khác nhau về cách hiểu quy định của khoản 2 điều 14 Hiến pháp năm 2013.
Khoản này quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Cách hiểu khác nhau,vì vậy, khó đạt được sự nhất trí cao trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về quyền con người, quyền công dân, ảnh hưởng đến tiến độ soạn thảo văn bản, Chính phủ trình bày.
Cũng theo khoản 2 điều 14 của Hiến pháp thì một số quy định về hạn chế quyền con người, quyền công dân đang được quy định ở văn bản dưới luật nay đòi hỏi phải được quy định trong luật.
Nhưng, theo Chính phủ, thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp năm 2013 được xác định quá sớm (ban hành ngày 28/11/2013 và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014). Trong khi để triển khai thi hành Hiến pháp, phải ban hành rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đòi hỏi phải có đầu tư, nghiên cứu và có quỹ thời gian vật chất nhất định.
Điều này dẫn đến thực tế là trong khi chờ quy định trong luật, nếu dừng thực hiện các quy định này thì không đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước.
Ví dụ được nêu tại báo cáo là một số văn bản dưới luật có quy định về các trường hợp, điều kiện được nổ súng (như Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Pháp lệnh cảnh sát cơ động, nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/03/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng...).
Vì một số quy định trong Hiến pháp còn chung chung, gây cách hiểu khác nhau, Chính phủ kiến nghị, trong trường hợp cần thiết, đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội giải thích các quy định của Hiến pháp.
Bên cạnh hạn chế, báo cáo nêu một số kết quả trong rà soát văn bản quy phạm pháp luật về quyền con người.
Theo đó, tính đến tháng 9/2016, có 22 dự án luật quy định về quyền con người, quyền công dân đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.
Một số dự án luật đang được trình Quốc hội khóa 14 xem xét như Luật Về hội; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi, bổ sung), Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi, bổ sung).