18:53 31/03/2016

Các nhà lãnh đạo tuyên thệ đều phải đặt tay lên Hiến pháp

Nguyễn Lê

“Đã hứa, nghĩa là phải thực hiện lời hứa đó. Tôi cho rằng, đây cũng là quy định rất tốt”

Lễ tuyên thệ đầu tiên của tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sáng 31/3.
Lễ tuyên thệ đầu tiên của tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sáng 31/3.
“Việc tuyên thệ có một điểm chung là tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp. Còn phần liên quan đến chức năng nhiệm vụ của mình, thì mỗi người ở vị trí khác nhau, nên lời tuyên thệ cũng khác nhau”.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trao đổi như trên với báo chí bên hành lang Quốc hội, sau lễ tuyên thệ đầu tiên của tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sáng 31/3.

Trước đó, trong lễ tuyên thệ, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.

“Sẽ xem xét, hoàn thiện thêm”

Giải thích kỹ hơn về nghi thức, ông Phúc cho biết, có 3 người rước cờ, 2 người đi sau mang quyển Hiến pháp đặt trên bục tuyên thệ, và người tuyên thệ sẽ đặt tay trên quyển Hiến pháp đó, khi thực hiện nghi thức.

Ngoài Chủ tịch Quốc hội, các chức danh còn lại, theo quy định của Hiến pháp là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao đều phải tuyên thệ trước Quốc hội như thế.

“Đây là lần đầu tiên thực hiện quy định của Hiến pháp, là người được bầu phải thực hiện tuyên thệ, giữ được lời hứa trước nhân dân, đồng bào cử tri cả nước và trước Quốc hội”, Tổng thư ký Quốc hội nói thêm.

“Đã hứa, nghĩa là phải thực hiện lời hứa đó. Tôi cho rằng, đây cũng là quy định rất tốt”, ông Phúc nhấn mạnh.

Trước bình luận rằng khi Chủ tịch tuyên thệ, cả Quốc hội vẫn ngồi và có một số vị còn giơ điện thoại chụp ảnh, nhìn không được trang trọng lắm, ông Phúc nói, hôm nay là lần đầu tiên làm việc này, nên vẫn cần hoàn thiện thêm.

“Chúng tôi cũng đã nghiên cứu ở rất nhiều nơi, nhiều nước, ở nhiều nghị viện, thì thấy cũng có nơi người ta đứng dậy, có nơi thì nghị viện cũng vẫn ngồi. Như vậy là mỗi nơi, mỗi nước, mỗi nghị viện có quy định khác nhau, chứ không có thông lệ, quy chuẩn chung nào về việc đứng hay ngồi. Với ta thì ta sẽ xem xét, hoàn thiện thêm”, ông Phúc trao đổi.

“Nhân sự mới của Chính phủ phải chờ tân Thủ tướng”


Chia sẻ kỳ vọng vào tân Chủ tịch Quốc hội, ông Phúc nói: “Không những tôi, mà toàn thể đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và nhân dân đều mong muốn tân Chủ tịch Quốc hội sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, trên cơ sở kế thừa những công việc của người tiền nhiệm là đồng chí Nguyễn Sinh Hùng”.

Về những vị trí tiếp theo sẽ được kiện toàn tại kỳ họp này, ngoài Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng, ông Phúc cho biết còn lại chưa có con số cụ thể.

“Nhưng sẽ có hai vị phó chủ tịch Quốc hội được bầu mới tại kỳ họp này. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, vị trí thứ hai là Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc sơn cũng phải kiện toàn. Trong Thường vụ Quốc hội thì cũng có một số vị trí cần phải thực hiện kiện toàn, một số sẽ chờ Quốc hội khoá 14”, ông Phúc nói.

Tuy nhiên, ông Phúc không thông tin về nhân sự cụ thể của bất cứ vị trí nào.

“Nhân sự mới của Chính phủ thì còn phải chờ tân Thủ tướng, sau khi được bầu sẽ trình danh sách thành viên Chính phủ, để Quốc hội phê chuẩn, từ phó thủ tướng tới các bộ trưởng”, ông giải thích thêm.