14:59 23/03/2023

Hiện thực hoá Luật Dầu khí 2022: Nghị định cần minh bạch tránh tình trạng tuỳ tiện trong áp dụng

Vũ Khuê

Cách quy định trong Nghị định sẽ có tính tổng thể, lấp đầy những nội dung Luật Dầu khí chưa có quy định hoặc chưa chi tiết, đồng thời hạn chế những vướng mắc trong quá trình triển khai, thuận tiện cho người thực hiện, dễ tìm hiểu, dễ dẫn chiếu và áp dụng…

Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí 2022 cần tạo thuận tiện cho người thực hiện.
Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí 2022 cần tạo thuận tiện cho người thực hiện.

Ngày 14/11/2022, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Dầu khí mới. Luật sẽ chính thức được thực thi kể từ ngày 1/7/2023. Đây là lần đầu tiên Luật Dầu khí của nước ta được sửa đổi một cách toàn diện kể từ khi được ban hành lần đầu tiên vào năm 1993.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí 2022 cũng đang được lấy ý kiến rộng rãi từ doanh nghiệp, hiệp hội… Việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí có thể thay thế đồng thời cả Nghị định số 95/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015 về hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí và Nghị định 33/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 ban hành Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí mẫu.

QUY ĐỊNH CẦN RÕ RÀNG, RÚT GỌN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tuy nhiên, tại toạ đàm Giới thiệu Luật Dầu khí năm 2022 do Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng nội dung chi tiết của các điều khoản của Nghị định và Phụ lục cần được rà soát, xem xét bám sát quy định của Luật Dầu khí, đảm bảo tính thống nhất, khả thi và phù hợp với thực trạng của hoạt động dầu khí.

Cụ thể là các điều khoản quy định về phê duyệt hợp đồng dầu khí, các chính sách ưu đãi, gia hạn hợp đồng, quy trình lựa chọn nhà thầu dầu khí, điều tra cơ bản, phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ, tận thu, tận khai thác, các quy chế tài chính, thu dọn mỏ…

Ông Vũ Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP), cho rằng việc xây dựng các quy trình hướng dẫn triển khai Luật cần rõ ràng, đơn giản, rút gọn các bước trình lên các cấp phê duyệt.

Đơn cử như hiện nay, quy định lựa chọn nhà thầu dầu khí có 3 bước phải trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc này có thể mất 3 năm hoặc hơn. Do đó cần xem xét rút gọn, kết hợp lại còn 1 – 2 bước.

Đồng thời, quy định các khung thời gian cụ thể để có được hợp đồng dầu khí mới trong thời gian sớm nhất, thúc đẩy công tác đầu tư phát triển mỏ, cũng như tháo gỡ các vướng mắc hiện hữu để các dự án đi vào đúng tiến độ mang lại hiệu quả, lợi ích tốt nhất về kinh tế.

TS Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng công cụ để đưa Luật vào cuộc sống là Nghị định. Do đó Nghị định cần cụ thể, chi tiết hơn để đưa được các quy định của Luật vào thực tiễn.

Hai nhà thầu Perenco và SK Innovation quan tâm đến vấn đề giá trị pháp lý Hợp đồng dầu khí cũ chuyển sang Hợp đồng dầu khí mới. Họ cho rằng cần đơn giản hóa một số quy trình, thủ tục phê duyệt trong Hợp đồng dầu khí để sớm có được những thỏa thuận cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ của dự án sau khi hợp đồng dầu khí mới được ký kết.

Ngoài ra, làm rõ hơn các trình tự thủ tục phê duyệt việc phối hợp của các bên trong thực hiện điều tra cơ bản, một số quy định về cơ chế tài chính, cách tính phí, xác nhận của cơ quan thuế trong hồ sơ gửi cấp thẩm quyền…

CÒN TRÙNG LẶP KHI LÀM CÁC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Góp ý đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết còn nhiều thủ tục hành chính trong dự thảo hiện đang được thiết kế với hai bước thẩm định và đánh giá, trùng lặp về nội dung công việc giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Bộ Công Thương, gây tốn kém về thời gian và công sức.

Cụ thể, thủ tục nghiệm thu, phê duyệt kết quả đề án điều tra cơ bản về dầu khí (tại Điều 8) của Dự thảo hiện được chia thành nghiệm thu cấp cơ sở do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiến hành và nghiệm thu cấp bộ do Bộ Công Thương tiến hành. Trong khi đó, Luật Dầu khí chỉ quy định việc nghiệm thu của Bộ Công Thương (Điều 10.4.c của Luật Dầu khí).

Thủ tục gia hạn tìm kiếm thăm dò dầu khí, hợp đồng dầu khí trong trường hợp đặc biệt theo Điều 31.4 của Luật Dầu khí tại Điều 27 của Dự thảo: nhà thầu gửi hồ sơ để Tập đoàn Dầu khí xem xét, đánh giá; Tập đoàn Dầu khí gửi hồ sơ để Bộ Công Thương thẩm định; Bộ Công Thương trình Thủ tướng phê duyệt. Trong khi đó, Luật Dầu khí chỉ quy định việc thẩm định của Bộ Công Thương (Điều 31.4).

Bên cạnh đó, thủ tục giữ lại diện tích phát hiện khí tại Điều 28.4 của Dự thảo: nhà thầu đề nghị Tập đoàn xem xét, đánh giá; Tập đoàn báo cáo Bộ Công Thương thẩm định; Bộ Công Thương trình Thủ tướng phê duyệt.

Ngoài ra, thủ tục mở rộng diện tích hợp đồng dầu khí, hợp nhất phát hiện dầu khí, mỏ dầu khí tại Điều 32 của Dự thảo: nhà thầu đề nghị Tập đoàn xem xét, đánh giá; Tập đoàn báo cáo Bộ Công Thương thẩm định; Bộ Công Thương trình Thủ tướng phê duyệt.

Hay thủ tục chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh tại Điều 33 của Dự thảo.

Vì vậy, VCCI đề nghị điều chỉnh lại các quy định này theo hướng chỉ cần làm một lần thủ tục, cơ quan hoặc đơn vị còn lại sẽ được hỏi ý kiến trong quá trình đánh giá hoặc thẩm định.

Ngoài ra, trong lựa chọn tổ chức chủ trì thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí, theo VCCI, quy định chưa rõ ràng về hình thức lựa chọn. “Trong trường hợp có nhiều tổ chức cùng đủ điều kiện và đề xuất các đề án giống nhau hoặc có sự chồng lấn với nhau thì không rõ Tập đoàn Dầu khí sẽ tiến hành lựa chọn như thế nào”, VCCI đặt câu hỏi.

Việc thiếu vắng quy định này có thể dẫn đến sự tuỳ tiện trong quá trình thực hiện, thậm chí gây tranh chấp, xung đột giữa các bên liên quan. Do đó, dự thảo cần bổ sung quy định về phương thức lựa chọn khi các đề án được đề xuất có nội dung trùng lặp hoặc chồng lấn.