Hỗ trợ chứng khoán: Đến lượt doanh nghiệp niêm yết vào cuộc
Nội dung cuộc trao đổi giữa VnEconomy với ông Nguyễn Băng Tâm, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Các doanh nghiệp niêm yết
Chiều 7/3, Câu lạc bộ Các doanh nghiệp niêm yết đã có cuộc họp khẩn tại Tp.HCM. Qua cuộc họp này, Câu lạc bộ đã đưa ra một số biện pháp và kiến nghị để cùng phối hợp hỗ trợ thị trường chứng khoán phục hồi.
Được biết tại cuộc họp trên, Câu lạc bộ đã đưa ra khuyến nghị các doanh nghiệp niêm yết, lãnh đạo các doanh nghiệp tạm ngừng bán ra. Ông có thể cho biết thêm thông tin cụ thể?
Tại cuộc họp trên, Ban chấp hành Câu lạc bộ đã thống nhất kế hoạch tiến tới thực hiện một cam kết chung là cổ đông Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát, Ban Điều hành doanh nghiệp niêm yết tạm ngừng việc xin phép giao dịch bán cổ phiếu nội bộ.
Do cuộc họp tiến hành gấp nên không thể tập hợp được đại diện của tất cả các doanh nghiệp niêm yết tại hai đầu Tp.HCM và Hà Nội. Theo đó, biên bản cuộc họp được Ban Chấp hành thông qua, gửi tới các doanh nghiệp để kêu gọi ủng hộ cam kết đó. Trường hợp cần thiết chúng tôi sẽ bay ra Hà Nội để tổ chức một cuộc họp tương tự.
Tất nhiên, đó là định hướng chung, mong muốn doanh nghiệp ủng hộ, vì theo nguyên tắc thì Câu lạc bộ không có quyền ép buộc. Với những trường hợp do khó khăn về tài chính, cần bán ra, chúng tôi luôn tôn trọng.
Với doanh nghiệp, chúng tôi khuyến nghị phát hành thêm thời điểm này cần cân nhắc kỹ, phải gắn liền với dự án kinh doanh có hiệu quả cao, kéo giãn giữa các đợt phát hành. Và cũng nên xem xét phương thức phát hành riêng lẻ cho các đối tác chiến lược nhằm thu hút nguồn vốn trực tiếp cho dự án.
Liên quan đến giảm áp lực cung, chúng tôi cũng kiến nghị Ủy ban Chứng khoán lùi thời hạn tăng vốn tối thiểu 80 tỷ đồng tại sàn Tp.HCM sang năm 2009, thậm chí năm 2010, để giãn các đợt phát hành thêm.
Ngoài việc tạm ngừng bán ra, việc mua vào cổ phiếu quỹ cũng là một hướng hỗ trợ hiện nay. Câu lạc bộ có ý kiến gì về hướng này?
Chúng tôi xem đây là một hướng góp phần tăng cầu trên thị trường. Dựa vào nguồn vốn thặng dư cho phép, thời điểm này là cơ hội để mua vào cổ phiếu quỹ. Các thành viên lãnh đạo doanh nghiệp cũng có thể xác định đây là thời điểm tốt để mua vào.
Trong vấn đề này, chúng tôi đã có kiến nghị với Ủy ban Chứng khoán tạo cơ chế thoáng cho doanh nghiệp mua lại cổ phiếu quỹ. Bởi hiện tại, phải mất 3 ngày xin phép và 10 ngày cấp phép thì rất hạn chế về thời gian.
Mặt khác, giới hạn lượng giao dịch thấp nhất 3%, cao nhất 5% số lượng đăng ký mua, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM còn quy định không vượt quá 10% tổng lượng giao dịch phiên liền trước, cũng là một hạn chế.
Những giới hạn trên cần thiết trong bối cảnh thị trường bình thường, hạn chế những khả năng làm giá… Nhưng ở thời điểm đặc biệt này cần tạo cơ chế thoáng hơn để doanh nghiệp mua vào.
Được biết Câu lạc bộ cũng đã kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Nội dung chính của những kiến nghị đó là gì, thưa ông?
Chúng tôi cho rằng Chính phủ cần mở “room” đối với một số trường hợp không quá nhạy cảm, Nhà nước không cần nắm giữ chi phối để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Có thể nâng lên 60 – 70%, hoặc giao cho Hội đồng Quản trị chủ động điều tiết cho phù hợp thực tế doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước cùng các ban ngành liên quan cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cho phép nhà đầu tư thanh toán trực tiếp ngoại tệ vào tài khoản đầu tư chứng khoán.
Ngân hàng Nhà nước cũng nên cho phép các ngân hàng thương mại giãn thời gian giải chấp cầm cố chứng khoán và tạm ngừng việc bán tháo cổ phiếu thế chấp, cầm cố nhằm giảm tổn thất cho nhà đầu tư.
Như vậy các doanh nghiệp niêm yết cũng đã bắt đầu phối hợp cùng các tổ chức, Chính phủ hỗ trợ thị trường. Ông nhận thấy triển vọng thị trường sắp tới sẽ thế nào?
Tôi cho rằng bấy nhiêu chưa đủ! Phải có được tiếng nói chung trong việc hỗ trợ thị trường thời điểm này, cùng nhau xây dựng thì nhà đầu tư mới bình tâm. Chứng khoán vừa qua giảm mạnh không phải vì doanh nghiệp làm ăn yếu kém, mà chủ yếu do tâm lý nhà đầu tư. Giải quyết được vấn đề tâm lý thì sẽ thuận lợi.
Vừa qua, báo chí có đề cập đến một số công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ vẫn bán ra chứng khoán tự doanh, có thể là do những nguyên nhân nào đó. Trong cuộc họp trên, có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp niêm yết cùng cam kết không bán ra, kèm theo đó là các chế tài xử lý trường hợp vi phạm cam kết. Nhưng chúng tôi cho rằng, khi đã là công ty đại chúng, thành viên của thị trường thì uy tín còn mạnh hơn các chế tài.