07:00 23/01/2023

Hoàn thiện các quy hoạch ngành quốc gia của Lâm, Ngư nghiệp

Chu Khôi

Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu đến năm 2030: tốc độ tăng trưởng GDP nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm; tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm; thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 - 3 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1 - 1,5%/năm…

Phát triển kinh tế lâm nghiệp phải đi vào chiều sâu
Phát triển kinh tế lâm nghiệp phải đi vào chiều sâu

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết để thực hiện thành công Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, đồng thời thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 995/QĐ-TTg về việc lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ đã và đang triển khai lập 4 Quy hoạch ngành quốc gia, gồm: Quy hoạch lâm nghiệp; Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi.

ĐIỂM TỰA ĐỂ NGÀNH LÂM NGHIỆP TĂNG TỐC

Dự thảo Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình lên Chính phủ và hiện đang trong quá trình thẩm định. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho biết tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn quốc là 16,34 triệu ha, chiếm 49% tổng diện tích tự nhiên (tính đến năm 2020). Trong đó, đất có rừng là 14,67 triệu ha, tương ứng tỷ lệ che phủ rừng 42%.

Những năm gần đây, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc liên tục tăng. Giai đoạn 2010-2020, trồng rừng sản xuất mỗi năm đạt trên 200.000 ha. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, diện tích rừng có tăng nhưng chất lượng rừng tự nhiên chưa cao. Năng suất rừng trồng còn thấp (tăng trưởng bình quân 15m3/ha/năm). Chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của hệ sinh thái rừng về đa dạng sinh học, dịch vụ hấp thụ CO2 và các dịch vụ môi trường rừng khác. Nhu cầu phát triển kinh tế xã hội ngày càng tăng đã tạo áp lực vào rừng và đất rừng.

 

"Dự thảo Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia đặt mục tiêu bảo đảm duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc từ 42-43%, chú trọng nâng cao chất lượng rừng. Phấn đấu giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025. Trồng rừng bình quân phấn đấu đạt 238.000 ha/năm".

Ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Dự thảo Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia đặt mục tiêu bảo đảm duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc từ 42-43%, chú trọng nâng cao chất lượng rừng. Phấn đấu giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025. Trồng rừng bình quân phấn đấu đạt 238.000 ha/năm.

Ngày 10/11/2022, tại trụ sở Chính phủ, Hội đồng thẩm định Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng. Các ý kiến của ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng thẩm định cơ bản đều đánh giá cao dự thảo quy hoạch.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục được làm rõ, trong đó cần đánh giá kỹ hơn sự liên kết giữa hệ thống kết cấu hạ tầng lâm nghiệp với hệ thống giao thông quốc gia nhằm phát huy tối đa sự đồng bộ về mặt kinh tế và kỹ thuật phục vụ phát triển ngành lâm nghiệp. Trọng tâm của quy hoạch lâm nghiệp là quy hoạch 3 loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất) nên cần bảo đảm cơ cấu 3 loại rừng này một cách hợp lý. Diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ phải được định vị rõ ràng trên bản đồ với ranh giới rừng được số hóa, quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, cần rà soát kỹ và khẳng định rõ quan điểm lâm nghiệp là ngành kinh tế quan trọng phục vụ đời sống nhân dân, không chỉ có việc trông nom, bảo vệ rừng mà phải phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng để phát triển bền vững.

“Quy hoạch cần cập nhật thêm các xu hướng của thế giới làm sao bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là cam kết COP26 về đạt phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050”, Phó Thủ tướng yêu cầu. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu tối đa ý kiến để chỉnh sửa, hoàn thiện, xin ý kiến các thành viên Hội đồng trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt, trong đó, cần xem xét kỹ càng, thận trọng con số diện tích đưa ra khỏi quy hoạch.

ĐÒN BẨY CHO NGÀNH THỦY SẢN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự thảo Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được trình lên Chính phủ. Theo Dự thảo, đến năm 2030, cả nước có 176 cảng cá gồm 37 cảng cá loại 1; 90 cảng cá loại 2 và 49 cảng cá loại 3, đáp ứng bốc dỡ tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 2 triệu 960 tấn/năm và 160 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá gồm: 30 khu cấp vùng, 130 khu cấp tỉnh, đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 90.600 tàu cá.

Dự kiến, tổng nhu cầu sử dụng đất và mặt nước theo quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến 2030 khoảng 6.117 ha, bao gồm tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.038 ha và tổng nhu cầu sử dụng mặt nước khoảng 5.079 ha.

 

Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng thiết yếu của cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2030 dự kiến là 60.370 tỷ đồng được huy động chủ yếu từ nguồn ngân sách để tạo sức lan tỏa và thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Sau khi nhận được Dự thảo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình lên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Quyết định số 1150/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch này.

Đối với hai quy hoạch còn lại, gồm Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản và Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kết thúc quá trình lấy ý kiến các chuyên gia và các bộ, ngành, đang gấp rút hoàn thiện để trình lên Chính phủ.

Hiện số lượng tàu cá của cả nước là khoảng trên 91.700 tàu. Với mục tiêu mới mà dự thảo Quy hoạch đề ra, Việt Nam sẽ giảm đi hơn 8.000 tàu vào năm 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trong giai đoạn cuối trước khi trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản 2021-2030, tầm nhìn 2050 sẽ giảm số lượng tàu cá.

Đồng thời, sẽ xây dựng và hình thành 59 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, 63 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, 27 khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản. Cùng với đó, ngành thủy sản thực hiện lưu giữ 113 nguồn gen loài nguy cấp, quý, hiếm, bản địa, đặc hữu, có giá trị kinh tế và khoa học; bảo vệ đường di cư sinh sản tự nhiên của 32 loài thủy sản, gồm 20 loài cá, 5 loài rùa biển, 2 loài tôm, 4 loài mực và 1 loài ghẹ.

Trên vùng nội địa, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản sẽ quy hoạch 63 khu bảo vệ, trong đó 14 khu trên hồ và 49 khu trên sông. Ngoài ra, xác định 53 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, với 19 khu trên hồ và 34 khu trên sông.

Để đạt những mục tiêu trên, ngành thủy sản dự kiến khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học trên diện tích 2,89 triệu ha (khoảng 2,89% tổng diện tích vùng biển). Trong đó, khu bảo tồn biển là 0,4 triệu ha; khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn khoảng 1,75 triệu ha; khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản khoảng 0,65 triệu ha; khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản khoảng 25.300 ha.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Hoàn thiện các quy hoạch ngành quốc gia của Lâm, Ngư nghiệp - Ảnh 1