Khắc phục bất cập về quy hoạch tổng thể quốc gia để khơi thông các động lực tăng trưởng
Tám hạn chế, yếu kém về quy hoạch quốc gia đã được các cơ quan quản lý chỉ ra tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5...
Sau hơn 35 năm đổi mới, công tác quy hoạch đã góp phần quan trọng giúp Việt Nam khai thác được tiềm năng, lợi thế của đất nước.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch, tạo lực cản cho nền kinh tế.
Thứ nhất, không gian phát triển bị chia cắt nhiều theo địa giới hành chính; liên kết vùng còn nhiều bất cập.
Thứ hai, đầu tư phát triển còn dàn trải theo các vùng, miền; chưa tập trung nguồn lực hình thành rõ các vùng động lực đóng vai trò đi đầu và dẫn dắt tăng trưởng kinh tế đất nước.
Thứ ba, chưa hình thành được bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia đồng bộ và hiện đại, kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng chưa thực sự đáp 3 ứng yêu cầu phát triển; một số công trình hạ tầng xã hội quan trọng chậm được đầu tư.
Thứ tư, hệ thống đô thị phân bố chưa hợp lý, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, tác động lan tỏa còn hạn chế.
Thứ năm, chưa hình thành được các trung tâm tài chính lớn; việc phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch còn dàn trải, hiệu quả chưa cao.
Thứ sáu, ô nhiễm môi trường ở các đô thị lớn, làng nghề và một số lưu vực sông chậm được khắc phục; ô nhiễm môi trường biển, hải đảo gia tăng.
Thứ bảy, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai còn hạn chế.
Thứ tám, chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ trong phát triển các ngành, lĩnh vực để hình thành các khu vực ưu tiên, khuyến khích đầu tư; còn xảy ra mâu thuẫn lợi ích, xung đột tại một số địa bàn.
Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các hạn chế, yếu kém trong tổ chức không gian phát triển đất nước giai đoạn vừa qua bao gồm: (1) Tư duy phát triển dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; (2) Thiếu quy hoạch mang tính tổng thể quốc gia để xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ trên phạm vi cả nước; (3) Công tác quy hoạch chưa được coi trọng đúng mức, chất lượng chưa cao; (4) Thiếu cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế liên ngành, liên vùng, khắc phục tình trạng cục bộ địa phương; (5) Chưa dành nguồn lực thích đáng để đầu tư hình thành bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, các vùng; các khu vực ưu tiên phát triển như vùng động lực, vùng kinh tế trọng điểm, hành lang kinh tế; (6) Phát triển bền vững chưa trở thành tư duy chủ đạo trong hoạch định và thực hiện chính sách phát triển.
Bốn nhóm giải pháp chính đã được đề xuất nhằm khắc phục những bất cập trong quy hoạch thời gian tới.
Đầu tiên, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ/ngành liên quan xây dựng cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hai là, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới.
Ba là, có chiến lược phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia. Lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Đồng thời có cơ chế, chính 5 sách phù hợp phát triển khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để góp phần ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh.
Bốn là, cần hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây, các vành đai kinh tế ven biển; kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Phát triển các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn.