Khi Quốc hội không chỉ “thông qua”
Năm 2010 nghị trường đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm, cũng là năm Quốc hội đã “lấy lòng” cử tri rất thành công
Kỳ họp cuối năm 2010 của Quốc hội vừa
kết thúc ít ngày, một vị đại biểu không giấu được tâm tư, sau khi ông
đi tiếp xúc cử tri ở hai nơi. Trong khi cử tri tại một nơi “phê” Quốc
hội “truy” Thủ tướng và các bộ trưởng “ác quá”, thấy khác quá, lạ quá.
Thì cử tri nơi khác lại “chê” Quốc hội “hiền quá”, nên nhiều vấn đề rất
bức xúc đã đặt ra nhiều lần mà vẫn chẳng đi được đến cùng.
“Nỗi buồn” của vị đại biểu kể trên có lẽ đưa đến một thông điệp trái ngược về cảm giác. Đó là cử tri - những người trực tiếp cầm lá phiếu bầu ra đại biểu Quốc hội - đã không thờ với hoạt động của những người đại diện cho mình. Và bởi, Quốc hội đã “gần dân” hơn, không chỉ bởi những quyết định hợp lòng dân mà còn bởi vì đã tạo được sự cộng hưởng và tác động lan tỏa, như nhận xét của nhiều vị đại biểu Quốc hội dày dạn kinh nghiệm nghị trường.
Hay, nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tại cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội sau kỳ họp thứ tám, “trước những vấn đề lớn của đất nước, hình như bây giờ bớt đi cái tiếng Quốc hội chỉ bấm nút hoặc giơ tay”.
Không thông qua…
Dù nửa năm đã qua, nhưng cái khoảnh khắc bảng điện tử tại hội trường Quốc hội hiện số đại biểu nhấn nút tán thành dự án đường sắt cao tốc dừng lại ở con số 185 (chiếm 37,53% số đại biểu có mặt) không chỉ khiến không khí nghị trường như nén lại, mà còn làm sững sờ hàng triệu cử tri.
Khi, chỉ vài phút sau đó thông điệp Quốc hội không tán thành chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc đã tràn ngập trên các trang báo mạng. Ban đầu chỉ là dòng tin nhanh, sau đó là diễn biến của từng lần biểu quyết, rồi dần dần tái hiện cả các quan điểm nhiều chiều từ quá trình thảo luận tại tổ, tại hội trường, gửi phiếu xin ý kiến, dự thảo nghị quyết, và cả những phỏng vấn bên lề, dư luận xã hội…
Sự quan tâm đặc biệt như vậy không hẳn chỉ vì số tiền của siêu dự án này lên tới hơn 56 nghìn tỷ đồng, tức là khoảng 50% GDP của quốc gia trong một năm. Mà, còn vì ngay từ khi khởi động, dự án này đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối khá dữ dội.
Thứ nữa là cái “sự lạ” khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án đã mang danh “quá lãng mạn” ngay từ khi được thảo luận tại tổ. Vẫn biết là trong số các vị đại biểu đang nắm trong tay quyền quyết định với siêu dự án này nhiều người đã từng đi và từng được mời đi tham quan để trải nghiệm cảm giác đi tàu cao tốc ở nước ngoài. Song, vẫn không thể không ngạc nhiên khi một “ông nghị” dõng dạc phát biểu “tôi thấy những nơi có chỉ số IQ cao thì họ có đường sắt cao tốc, Việt Nam ta cũng có chỉ số IQ cao” ngay đầu phiên thảo luận.
Và rồi ý kiến tiếp nối ý kiến, ủng hộ rất mạnh mẽ, không ủng hộ cũng rất quyết liệt, nhiều cung bậc của lý lẽ và của cả cảm xúc đã được bộc lộ. Dồn nén cả một ngày thảo luận tại hội trường, vị đại biểu nhấn nút phát biểu sau cùng tức cảnh sinh …thơ: “Rằng hay thì thật là hay, nhưng mà bấm nút kỳ này rất lo”.
Quả thật là không thể nào không lo cho được, bởi sau khi Phó thủ tướng thường trực Chính phủ trả lời chất vấn trực tiếp với sự quả quyết “không thể không làm đường sắt cao tốc” cùng những giải thích cặn kẽ cho thấy “tiền không đáng lo” vẫn chỉ có 148 đại biểu đồng ý hoàn toàn với phương án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – Tp.HCM tại phiếu xin ý kiến.
Nhưng, dường như việc đã trình mà không thông qua chưa có tiền lệ nên dù phiên bế mạc của kỳ họp thứ bảy chưa kết thúc, phần biểu quyết cũng chưa diễn ra thì đề cương báo cáo với cử tri sau kỳ họp đã có sẵn nội dung “Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – Tp.HCM”.
Để đến khi số đại biểu nhấn nút thuận trên bảng điện tử không vượt qua 50% thì một văn bản “đính chính” lại cấp tốc được gửi cho đại biểu Quốc hội. Sự “chu đáo” như vậy của chính những người trong cuộc càng chứng tỏ tâm lý “cứ trình là tất nhiên sẽ thông qua” đã ăn sâu vào nếp nghĩ, không chỉ của dư luận xã hội.
Bất ngờ lớn đến đâu cũng đến hồi lắng xuống. “Sự kiện” cơ quan quyền lực cao nhất “lắc đầu” với dự án lớn nhất từ trước đến nay về quy mô, giải phóng mặt bằng, huy động quỹ đất, vốn và thời gian, khi tiếp xúc cử tri đã được Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận như dấu ấn “sự trưởng thành của hai bên”, cả Quốc hội và Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố “lòng dân” khi quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, mà dự án đường sắt cao tốc chỉ là một ví dụ cụ thể.
Ông cho rằng, dư luận chung đồng tình với việc dừng dự án, còn nếu làm tiếp thì sắp tới Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu. Tầm nhìn chiến lược thì ủng hộ, nhưng phải tính đến điều kiện thực hiện chiến lược, đặc biệt là có được lòng dân ủng hộ hay không.
Dù vậy, một số cử tri vẫn không giấu nổi băn khoăn “không biết kỳ họp tới có bị sức ép không, có thông qua dự án này không?”. Băn khoăn này cũng bởi, xưa nay Quốc hội vẫn bị “mang tiếng” là việc gì cũng “thông qua”.
…và không xuê xoa
Những tưởng khó có thể có kỳ họp nào “vượt qua” được ấn tượng quá mạnh mẽ về việc Quốc hội không thông qua chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc tại kỳ họp thứ bảy. Vậy mà kết thúc kỳ họp thứ tám sau đó, không ít cử tri quả quyết rằng đây mới là kỳ họp “sôi nổi nhất, chất lượng nhất, nóng nhất”.
Đầu tháng 12/2010, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp rút kinh nghiệm, cũng có một số ý kiến đề nghị phải nhấn mạnh kỳ họp Quốc hội thứ tám là kỳ họp “chất lượng nhất”. Song, ý kiến khác cho rằng thật khó có cơ sở để cho là “nhất”, bởi mỗi kỳ mỗi vẻ, song đều để lại ấn tượng khó phai.
Dù chưa đạt được sự thống nhất cao trong nhận định, song như vậy cũng đã đủ để thấy hoạt động nghị trường năm qua đã để lại ấn tượng sâu đậm đến thế nào.
Nhất là, trước kỳ họp cuối năm, khá nhiều “dự đoán” nhỏ to rằng chẳng mấy thời gian nữa sẽ kết thúc nhiệm kỳ khóa 12 nên Quốc hội sẽ không tránh khỏi cảnh “chợ chiều”. Chương trình của kỳ họp cũng không có nội dung nào nóng như khai thác bauxite hay đường sắt cao tốc, gần như chỉ có những báo cáo “xuân thu nhị kỳ” về kinh tế, xã hội, ngân sách...
Thế nhưng, theo dõi liên tục nhiều kỳ thì rất dễ nhận thấy một trong những điều làm nên sự sôi nổi, chất lượng của kỳ họp này như nhiều nhận xét của cả cử tri và đại biểu chính là “mạch” nghị trường.
Bên cạnh vấn đề còn nguyên tính “thời sự nóng hổi” là hậu quả nghiêm trọng (từ dùng của Thủ tướng Chính phủ - PV) do những việc làm sai trái của lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vianashin) gây ra thì đường sắt cao tốc Hà Nội – Tp.HCM, nỗi lo bùn đỏ từ các dự án khai thác bauxite Tây Nguyên cùng nhiều vấn đề khác vẫn tiếp tục được đặt ra, sâu sắc hơn và quyết liệt hơn.
Bởi như lời một vị đại biểu Quốc hội đã trả lời phỏng vấn VnEconomy ngay từ phiên khai mạc, rằng ‘trách nhiệm của Quốc hội là không có nhiệm kỳ”. Vậy nên trong 31 ngày của kỳ họp cuối năm này, những đại biểu của dân không thể chỉ phát biểu để kết thúc nhiệm kỳ một cách “vui vẻ”.
“Nghị trường ấm lên cũng đã làm ấm lòng dân. Sức ấm được lan tỏa bởi các vấn đề đặt ra khá tập trung, khá mạnh mẽ và muốn đi đến cùng vụ việc”, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM Phạm Phương Thảo nhận xét.
Mạnh mẽ, đó có lẽ cũng là điểm nổi bật của “mạch” nghị trường năm qua. Nhiều vấn đề bức xúc của cuộc sống đã được đặt ra và “giữ mạch” xuyên suốt từ các phiên thảo luận tại tổ, tại hội trường, rồi giám sát, chất vấn…. Chất vấn bằng văn bản chưa đủ lại tiếp tục truy trực tiếp, chưa hài lòng với câu trả lời của bộ trưởng thì hỏi thẳng Thủ tướng…
“Mạch” nghị trường cũng chính là “mạch” trách nhiệm. Bởi thế nên mặc dù ngay từ phiên khai mạc của kỳ họp cuối năm, Thủ tướng đã nhận trách nhiệm về sai phạm của Vinashin. Song liên tiếp những phiên thảo luận sau đó, hàng trăm câu hỏi đã được đặt ra. Đúng là Chính phủ có trách nhiệm, nhưng cụ thể là ai, nặng nhẹ thế nào, xử lý ra sao, đến bao giờ thì xong…
Qua hai ngày chất vấn, câu hỏi nối tiếp câu hỏi, truy vấn liền theo truy vấn, và một vị Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không ngần ngại nhấn nút phát biểu để phản bác ý kiến của một vị bộ trưởng, trước ống kính truyền hình trực tiếp. Khi vị bộ trưởng này cho rằng cơ quan do ông đứng đầu hoàn toàn vô can trước sự “sụp đổ” của Vinashin.
Nhưng, chưa dừng ở đó. Hơn một lần người đứng đầu Chính phủ đã phải trả lời câu hỏi tại sao tất cả các thành viên Chính phủ trong giải trình và trong trả lời chất vấn, đều không thừa nhận trách nhiệm của mình trong vụ việc Vinashin.
Theo dõi cả hai ngày rưỡi chất vấn, nếu chỉ nghe qua thì dễ thấy “nhàm”, thấy “oải” với quá nhiều bình luận, phân tích và truy vấn chỉ về một địa chỉ. Song, lắng nghe thật kỹ, mới thấy không ít câu hỏi “khó” không chỉ ở cách tiếp cận mới, thông tin thuyết phục mà còn bởi cách đặt vấn đề mạnh mẽ, đến cùng, không né tránh. Bởi những vấn đề lớn hơn nhiều đã được nhìn nhận cùng nhiều đề xuất về giải pháp, qua một vụ việc cụ thể.
Không thông qua một việc chưa cần làm, và không xuê xoa một việc đã làm nhưng có sai nghiêm trọng. Đó hoàn toàn chưa phải là tất cả những gì mà cơ quan quyền lực cao nhất đã làm trong năm qua. Nhưng đó chính là ấn tượng sâu đậm nhất của nghị trường năm 2010, cũng là năm Quốc hội đã “lấy lòng” cử tri rất thành công.
Chỉ còn ít tháng nữa, người dân sẽ thực hiện quyền và cũng là trách nhiệm cao cả của mình: bầu chọn ra những người đại diện cho mình ở cả Trung ương và địa phương, các đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp.
Theo Hiến pháp, nhân dân là người làm chủ đất nước, và đây cũng là lúc mỗi cử tri thể hiện tinh thần làm chủ của mình qua lá phiếu. Làm sao để những quyền năng của đại biểu mà luật pháp trao cho được thực hiện triệt để hơn, Quốc hội sẽ vận hành minh bạch và hiệu quả hơn.
“Nỗi buồn” của vị đại biểu kể trên có lẽ đưa đến một thông điệp trái ngược về cảm giác. Đó là cử tri - những người trực tiếp cầm lá phiếu bầu ra đại biểu Quốc hội - đã không thờ với hoạt động của những người đại diện cho mình. Và bởi, Quốc hội đã “gần dân” hơn, không chỉ bởi những quyết định hợp lòng dân mà còn bởi vì đã tạo được sự cộng hưởng và tác động lan tỏa, như nhận xét của nhiều vị đại biểu Quốc hội dày dạn kinh nghiệm nghị trường.
Hay, nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tại cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội sau kỳ họp thứ tám, “trước những vấn đề lớn của đất nước, hình như bây giờ bớt đi cái tiếng Quốc hội chỉ bấm nút hoặc giơ tay”.
Không thông qua…
Dù nửa năm đã qua, nhưng cái khoảnh khắc bảng điện tử tại hội trường Quốc hội hiện số đại biểu nhấn nút tán thành dự án đường sắt cao tốc dừng lại ở con số 185 (chiếm 37,53% số đại biểu có mặt) không chỉ khiến không khí nghị trường như nén lại, mà còn làm sững sờ hàng triệu cử tri.
Khi, chỉ vài phút sau đó thông điệp Quốc hội không tán thành chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc đã tràn ngập trên các trang báo mạng. Ban đầu chỉ là dòng tin nhanh, sau đó là diễn biến của từng lần biểu quyết, rồi dần dần tái hiện cả các quan điểm nhiều chiều từ quá trình thảo luận tại tổ, tại hội trường, gửi phiếu xin ý kiến, dự thảo nghị quyết, và cả những phỏng vấn bên lề, dư luận xã hội…
Sự quan tâm đặc biệt như vậy không hẳn chỉ vì số tiền của siêu dự án này lên tới hơn 56 nghìn tỷ đồng, tức là khoảng 50% GDP của quốc gia trong một năm. Mà, còn vì ngay từ khi khởi động, dự án này đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối khá dữ dội.
Thứ nữa là cái “sự lạ” khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án đã mang danh “quá lãng mạn” ngay từ khi được thảo luận tại tổ. Vẫn biết là trong số các vị đại biểu đang nắm trong tay quyền quyết định với siêu dự án này nhiều người đã từng đi và từng được mời đi tham quan để trải nghiệm cảm giác đi tàu cao tốc ở nước ngoài. Song, vẫn không thể không ngạc nhiên khi một “ông nghị” dõng dạc phát biểu “tôi thấy những nơi có chỉ số IQ cao thì họ có đường sắt cao tốc, Việt Nam ta cũng có chỉ số IQ cao” ngay đầu phiên thảo luận.
Và rồi ý kiến tiếp nối ý kiến, ủng hộ rất mạnh mẽ, không ủng hộ cũng rất quyết liệt, nhiều cung bậc của lý lẽ và của cả cảm xúc đã được bộc lộ. Dồn nén cả một ngày thảo luận tại hội trường, vị đại biểu nhấn nút phát biểu sau cùng tức cảnh sinh …thơ: “Rằng hay thì thật là hay, nhưng mà bấm nút kỳ này rất lo”.
Quả thật là không thể nào không lo cho được, bởi sau khi Phó thủ tướng thường trực Chính phủ trả lời chất vấn trực tiếp với sự quả quyết “không thể không làm đường sắt cao tốc” cùng những giải thích cặn kẽ cho thấy “tiền không đáng lo” vẫn chỉ có 148 đại biểu đồng ý hoàn toàn với phương án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – Tp.HCM tại phiếu xin ý kiến.
Nhưng, dường như việc đã trình mà không thông qua chưa có tiền lệ nên dù phiên bế mạc của kỳ họp thứ bảy chưa kết thúc, phần biểu quyết cũng chưa diễn ra thì đề cương báo cáo với cử tri sau kỳ họp đã có sẵn nội dung “Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – Tp.HCM”.
Để đến khi số đại biểu nhấn nút thuận trên bảng điện tử không vượt qua 50% thì một văn bản “đính chính” lại cấp tốc được gửi cho đại biểu Quốc hội. Sự “chu đáo” như vậy của chính những người trong cuộc càng chứng tỏ tâm lý “cứ trình là tất nhiên sẽ thông qua” đã ăn sâu vào nếp nghĩ, không chỉ của dư luận xã hội.
Bất ngờ lớn đến đâu cũng đến hồi lắng xuống. “Sự kiện” cơ quan quyền lực cao nhất “lắc đầu” với dự án lớn nhất từ trước đến nay về quy mô, giải phóng mặt bằng, huy động quỹ đất, vốn và thời gian, khi tiếp xúc cử tri đã được Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận như dấu ấn “sự trưởng thành của hai bên”, cả Quốc hội và Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố “lòng dân” khi quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, mà dự án đường sắt cao tốc chỉ là một ví dụ cụ thể.
Ông cho rằng, dư luận chung đồng tình với việc dừng dự án, còn nếu làm tiếp thì sắp tới Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu. Tầm nhìn chiến lược thì ủng hộ, nhưng phải tính đến điều kiện thực hiện chiến lược, đặc biệt là có được lòng dân ủng hộ hay không.
Dù vậy, một số cử tri vẫn không giấu nổi băn khoăn “không biết kỳ họp tới có bị sức ép không, có thông qua dự án này không?”. Băn khoăn này cũng bởi, xưa nay Quốc hội vẫn bị “mang tiếng” là việc gì cũng “thông qua”.
…và không xuê xoa
Những tưởng khó có thể có kỳ họp nào “vượt qua” được ấn tượng quá mạnh mẽ về việc Quốc hội không thông qua chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc tại kỳ họp thứ bảy. Vậy mà kết thúc kỳ họp thứ tám sau đó, không ít cử tri quả quyết rằng đây mới là kỳ họp “sôi nổi nhất, chất lượng nhất, nóng nhất”.
Đầu tháng 12/2010, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp rút kinh nghiệm, cũng có một số ý kiến đề nghị phải nhấn mạnh kỳ họp Quốc hội thứ tám là kỳ họp “chất lượng nhất”. Song, ý kiến khác cho rằng thật khó có cơ sở để cho là “nhất”, bởi mỗi kỳ mỗi vẻ, song đều để lại ấn tượng khó phai.
Dù chưa đạt được sự thống nhất cao trong nhận định, song như vậy cũng đã đủ để thấy hoạt động nghị trường năm qua đã để lại ấn tượng sâu đậm đến thế nào.
Nhất là, trước kỳ họp cuối năm, khá nhiều “dự đoán” nhỏ to rằng chẳng mấy thời gian nữa sẽ kết thúc nhiệm kỳ khóa 12 nên Quốc hội sẽ không tránh khỏi cảnh “chợ chiều”. Chương trình của kỳ họp cũng không có nội dung nào nóng như khai thác bauxite hay đường sắt cao tốc, gần như chỉ có những báo cáo “xuân thu nhị kỳ” về kinh tế, xã hội, ngân sách...
Thế nhưng, theo dõi liên tục nhiều kỳ thì rất dễ nhận thấy một trong những điều làm nên sự sôi nổi, chất lượng của kỳ họp này như nhiều nhận xét của cả cử tri và đại biểu chính là “mạch” nghị trường.
Bên cạnh vấn đề còn nguyên tính “thời sự nóng hổi” là hậu quả nghiêm trọng (từ dùng của Thủ tướng Chính phủ - PV) do những việc làm sai trái của lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vianashin) gây ra thì đường sắt cao tốc Hà Nội – Tp.HCM, nỗi lo bùn đỏ từ các dự án khai thác bauxite Tây Nguyên cùng nhiều vấn đề khác vẫn tiếp tục được đặt ra, sâu sắc hơn và quyết liệt hơn.
Bởi như lời một vị đại biểu Quốc hội đã trả lời phỏng vấn VnEconomy ngay từ phiên khai mạc, rằng ‘trách nhiệm của Quốc hội là không có nhiệm kỳ”. Vậy nên trong 31 ngày của kỳ họp cuối năm này, những đại biểu của dân không thể chỉ phát biểu để kết thúc nhiệm kỳ một cách “vui vẻ”.
“Nghị trường ấm lên cũng đã làm ấm lòng dân. Sức ấm được lan tỏa bởi các vấn đề đặt ra khá tập trung, khá mạnh mẽ và muốn đi đến cùng vụ việc”, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM Phạm Phương Thảo nhận xét.
Mạnh mẽ, đó có lẽ cũng là điểm nổi bật của “mạch” nghị trường năm qua. Nhiều vấn đề bức xúc của cuộc sống đã được đặt ra và “giữ mạch” xuyên suốt từ các phiên thảo luận tại tổ, tại hội trường, rồi giám sát, chất vấn…. Chất vấn bằng văn bản chưa đủ lại tiếp tục truy trực tiếp, chưa hài lòng với câu trả lời của bộ trưởng thì hỏi thẳng Thủ tướng…
“Mạch” nghị trường cũng chính là “mạch” trách nhiệm. Bởi thế nên mặc dù ngay từ phiên khai mạc của kỳ họp cuối năm, Thủ tướng đã nhận trách nhiệm về sai phạm của Vinashin. Song liên tiếp những phiên thảo luận sau đó, hàng trăm câu hỏi đã được đặt ra. Đúng là Chính phủ có trách nhiệm, nhưng cụ thể là ai, nặng nhẹ thế nào, xử lý ra sao, đến bao giờ thì xong…
Qua hai ngày chất vấn, câu hỏi nối tiếp câu hỏi, truy vấn liền theo truy vấn, và một vị Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không ngần ngại nhấn nút phát biểu để phản bác ý kiến của một vị bộ trưởng, trước ống kính truyền hình trực tiếp. Khi vị bộ trưởng này cho rằng cơ quan do ông đứng đầu hoàn toàn vô can trước sự “sụp đổ” của Vinashin.
Nhưng, chưa dừng ở đó. Hơn một lần người đứng đầu Chính phủ đã phải trả lời câu hỏi tại sao tất cả các thành viên Chính phủ trong giải trình và trong trả lời chất vấn, đều không thừa nhận trách nhiệm của mình trong vụ việc Vinashin.
Theo dõi cả hai ngày rưỡi chất vấn, nếu chỉ nghe qua thì dễ thấy “nhàm”, thấy “oải” với quá nhiều bình luận, phân tích và truy vấn chỉ về một địa chỉ. Song, lắng nghe thật kỹ, mới thấy không ít câu hỏi “khó” không chỉ ở cách tiếp cận mới, thông tin thuyết phục mà còn bởi cách đặt vấn đề mạnh mẽ, đến cùng, không né tránh. Bởi những vấn đề lớn hơn nhiều đã được nhìn nhận cùng nhiều đề xuất về giải pháp, qua một vụ việc cụ thể.
Không thông qua một việc chưa cần làm, và không xuê xoa một việc đã làm nhưng có sai nghiêm trọng. Đó hoàn toàn chưa phải là tất cả những gì mà cơ quan quyền lực cao nhất đã làm trong năm qua. Nhưng đó chính là ấn tượng sâu đậm nhất của nghị trường năm 2010, cũng là năm Quốc hội đã “lấy lòng” cử tri rất thành công.
Chỉ còn ít tháng nữa, người dân sẽ thực hiện quyền và cũng là trách nhiệm cao cả của mình: bầu chọn ra những người đại diện cho mình ở cả Trung ương và địa phương, các đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp.
Theo Hiến pháp, nhân dân là người làm chủ đất nước, và đây cũng là lúc mỗi cử tri thể hiện tinh thần làm chủ của mình qua lá phiếu. Làm sao để những quyền năng của đại biểu mà luật pháp trao cho được thực hiện triệt để hơn, Quốc hội sẽ vận hành minh bạch và hiệu quả hơn.