15:38 19/06/2010

Quốc hội không tán thành chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc

Minh Thúy

Dự thảo nghị quyết về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM đã không được Quốc hội thông qua tại phiên họp chiều 19/6

Quốc hội không thông qua nghị quyết về đường sắt cao tốc - Ảnh: TTXVN.
Quốc hội không thông qua nghị quyết về đường sắt cao tốc - Ảnh: TTXVN.
Dự thảo nghị quyết về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM đã không được Quốc hội thông qua tại phiên họp chiều 19/6.

Chuyên đề: Dự án đường sắt cao tốc

Điều 1 của dự thảo nghị quyết về dự án này nêu hai phương án. Theo đó, phương án 1 nêu sự cần thiết trong thời gian tới cần huy động đa dạng mọi nguồn lực của Nhà nước và xã hội trong và ngoài nước, bằng nhiều phương thức đầu tư để tăng đầu tư, cải thiện rõ rệt cơ sở hạ tầng giao thông trong phạm vi cả nước cũng như trong từng vùng, góp phần tạo bước phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Kết quả biểu quyết phương án này chỉ có 209/439 đại biểu (chiếm 42,39%) tán thành, 191 vị không tán thành (chiếm 38,74%), và 39 không biểu quyết (chiếm 7,91%).

Phương án thứ hai là tán thành chủ trương đầu tư dự án với tư tưởng, chỉ đạo, nội dung và bước đi như sau:
 
Quốc hội giao cho Chính phủ trước mắt, rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch giao thông tổng thể trong cả nước, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không phù hợp với yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nguồn lực tài chính nhà nước, điều kiện tự nhiên, bảo vệ môi trường, đặc điểm văn hóa và phân bố dân cư; trong đó có quy hoạch hệ thống giao thông Bắc - Nam, xác định rõ lộ trình thực hiện, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển giao thông của cả nước và các vùng.
 
Tiếp theo đó, đơn vị thực hiện lập quy hoạch chi tiết; tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, đầy đủ và toàn diện hơn các điều kiện bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM.

Trên cơ sở đó nghiên cứu lập dự án đầu tư một trong hai đoạn tuyến Hà Nội - Vinh hoặc Tp.HCM - Nha Trang, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư một đoạn tuyến được chọn và thực hiện đầu tư vào thời điểm thích hợp trước năm 2020 bằng nhiều nguồn vốn, đa dạng phương thức đầu tư.
 
Từ kết quả đầu tư xây dựng đoạn tuyến được chọn, tiến hành đánh giá việc đầu tư, khai thác đoạn tuyến trên và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc triển khai đầu tư xây dựng các bước tiếp theo.

Với phương án  này chỉ có 185 đại biểu tán thành (chiếm 37,53%), 208 đại biểu không tán thành (chiếm 42,19%) và 34 vị không biểu quyết (chiếm 6,9%).

Về điều 2 trong nghị quyết, thể hiện nội dung giao cho Chính phủ thực hiện một số công việc như đã nêu trên, chỉ có 157 đại biểu tán thành (chiếm 31,85%), 170 vị không tán thành (chiếm 34,48%) và 82 không biểu quyết (chiếm 16,63%).

Như vậy, cả ba lần biểu quyết số đại biểu tán thành đều không quá bán, nên Quốc hội không ra nghị quyết về dự án tại kỳ họp này.

Thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri, dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM cũng là vấn đề nóng nhất tại kỳ họp Quốc hội thứ bảy. Tại ba buổi thảo luận tại tổ và tại hội trường, còn rất nhiều ý kiến khác nhau về sự cần thiết đầu tư xây dựng dự án cũng như phương án, phân kỳ đầu tư.

Ngày 14/6, Ủy ban Thường vụ đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Kết quả, trong tổng số 488 phiếu phát ra, có 474 phiếu được gửi lại. Và 271/474 (chiếm 57,17%) đại biểu đồng ý ra nghị quyết về chủ trương xây dựng dự án này, 192 vị không đồng ý, 3 ý kiến khác.

Với trường hợp Quốc hội ra nghị quyết thì có 148 vị đồng ý theo tờ trình của Chính phủ, còn 201 ý kiến chọn theo phương án khác của phiếu xin ý kiến và 13 vị đại biểu có ý kiến khác.

Từ kết quả này, một bản dự thảo nghị quyết của Quốc hội đã được gửi đi lấy ý kiến đại biểu.

Báo cáo giải trình trước khi các vị đại biểu nhấn nút, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đến 15h30 ngày 17/6/2010, trong số 456 ý kiến được gửi lại bằng văn bản, 136 đại biểu Quốc hội không có ý kiến gì thêm. 144 ý kiến hoàn toàn đồng ý với dự thảo nghị quyết, 148 ý kiến đồng ý với dự thảo và có góp ý cụ thể hơn.

Trong số 28 ý kiến không tán thành, có 7 vị không tán thành ra nghị quyết tại kỳ họp này; 8 ý kiến không đồng ý với nội dung dự thảo nghị quyết; 3 vị đề nghị ra nghị quyết tại kỳ họp khác và 6 vị không đồng ý ra nghị quyết. 4 vị đại biểu không tán thành chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc.