Khó giữ chân lao động nếu không tăng lương
Mức lương tối thiểu vùng chính thức tăng thêm 6% từ ngày 1/7. Nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch tăng lương cho người lao động, song số khác do đã điều chỉnh cao hơn từ trước nên có thể không tiếp tục tăng lương nữa…
Theo Nghị định số 38 của Chính phủ, bắt đầu từ hôm nay (1/7), lương tối thiểu vùng chính thức được điều chỉnh tăng thêm 6%. Cụ thể, vùng I tăng từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng; vùng II tăng từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng; vùng III tăng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng và vùng IV tăng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.
DOANH NGHIỆP ĐÃ TRẢ CAO HƠN LƯƠNG TỐI THIỂU, CÓ THỂ KHÔNG TĂNG
Như vậy, từ ngày 1/7, khi lương tối thiểu vùng tăng, doanh nghiệp cũng phải tăng lương cho những người lao động đang nhận lương theo lương tối thiểu vùng. Mức lương sau khi tăng không được thấp hơn mức lương quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP.
Tuy nhiên trên thực tế, hiện nay đa phần các doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng, nên có thể dịp này nhiều doanh nghiệp sẽ không điều chỉnh tăng lương.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất, Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động ngay từ đầu năm 2022. Do đó, mức lương tối thiểu hiện hành đang áp dụng đã cao hơn nhiều so với quy định. “Chúng tôi đã tăng lương 3% so với mức lương tối thiểu vùng quy định được áp dụng từ 1/7”, ông Hải thông tin.
Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Showa, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 38 về điều chỉnh tiền lương tối thiểu, công đoàn công ty đã có văn bản gửi chủ sử dụng lao động để trao đổi về vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay công ty tạm thời chưa tăng lương 6% vì từ đầu năm 2022 đã điều chỉnh nâng 3,5%.
“Hiện nay lương cơ bản cao hơn khá nhiều so với mức lương tối thiểu Chính phủ quy định. Công ty cũng đã điều chỉnh trợ cấp, phụ cấp chức vụ, tiền ăn, xăng xe cho người lao động”, ông Sơn cho biết.
Là một trong những địa phương có nhiều khu công nghiệp tập trung đông công nhân, ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bắc Giang cũng thông tin, trên địa bàn tỉnh, các huyện như: Lạng Giang, Việt Yên, Tân Yên, Yên Dũng, Hiệp Hoà, TP Bắc Giang sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng là 3,64 triệu đồng/tháng, mức lương tối thiểu giờ là 17.500 đồng/giờ. Các huyện Yên Thế, Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam là địa bàn vùng IV, có mức lương tối thiểu theo tháng là 3,25 triệu đồng/tháng.
Theo ông Hà, qua nắm bắt của đơn vị thì từ đầu năm do các doanh nghiệp đã điều chỉnh lương tối thiểu vùng, thoả thuận với người lao động, hiện rất nhiều doanh nghiệp đang trả lương cao hơn so với mức tối thiểu, nên thời điểm từ 1/7 có thể sẽ không điều chỉnh nữa.
TĂNG LƯƠNG ĐỂ GIỮ CHÂN LAO ĐỘNG
Trong khi đó, dù cho rằng mức tăng lương tối thiểu hiện nay không đủ bù trượt giá, bà Hà Thị Phương Anh, Chủ tịch Công đoàn Công ty May liên doanh Plummy khẳng định, đối với công nhân việc tăng lương tối thiểu vẫn rất có ý nghĩa vì sẽ lấp được phần nào khoảng trống chi tiêu bị thiếu hụt, nhất là chi phí xăng xe, giá cả thực phẩm tăng giá.
Công ty May liên doanh Plummy đã thực hiện tăng lương cơ bản 6% cho công nhân làm công việc giản đơn từ 4,641 triệu đồng/tháng lên 4,914 triệu đồng/tháng; công nhân may, cắt, là đã qua đào tạo nghề lương cơ bản từ hơn 4,9 triệu đồng/tháng lên hơn 5,2 triệu đồng/tháng.
“Thực tế, mong muốn của người lao động rất nhiều. Nhưng chúng tôi mong rằng, sau khi có Nghị định 38 về tăng lương tối thiểu vùng, Chính phủ sẽ có giải pháp để tiếp tục tháo gỡ, có chính sách tốt nhất cho người lao động”, bà Hà Thị Phương Anh chia sẻ.
Bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cũng cho rằng, dù mức tăng có thể chưa đủ bù đắp chi phí nhưng người lao động sẽ được hưởng lợi khi tăng lương. Tuy nhiên, đây chỉ là mức sàn để các bên thương lượng với nhau nhằm đảm bảo được một mức thu nhập tương xứng hài hòa giữa hai bên.
Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi tăng lương tối thiểu vùng, trước đó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành công văn triển khai Nghị định 38. Trong đó, lưu ý các doanh nghiệp không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định này thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Riêng các nội dung đã thực hiện, trong đó có chế độ tiền lương trả cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu thì tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật lao động.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, dù chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp, song việc doanh nghiệp thực hiện tăng lương tối thiểu chính là một trong các giải pháp giữ chân người lao động khi nhu cầu tuyển dụng tăng lên nhưng nguồn cung có phần hạn chế. Theo ông, trong bối cảnh đó, nếu doanh nghiệp nào trả lương èo uột, không điều chỉnh mức lương tối thiểu thì rất dễ xảy ra tình trạng bất ổn về quan hệ lao động.