12:23 30/06/2022

Chính sách lao động, tiền lương sẽ có hiệu lực từ tháng 7

Nhật Dương

Lương tối thiểu vùng chính thức tăng thêm 6%; dừng mức hỗ trợ đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ lao động tại các huyện nghèo vùng bãi ngang, ven biển đi xuất khẩu lao động là những chính sách tiền lương sẽ được áp dụng từ tháng 7…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tăng mức lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022

Theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2022, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm 6% so với Nghị định 90/2019/NĐ-CP ở 4 vùng như sau: Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng; vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng; vùng III tăng 210.000 đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng; vùng IV tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.

Ngoài ra, còn bổ sung quy định về lương tối thiểu vùng theo giờ, cụ thể, vùng I: 22.500 đồng/giờ; vùng II: 20.000 đồng/giờ; vùng III: 17.500 đồng/giờ; vùng IV: 15.600 đồng/giờ.

Dừng mức hỗ trợ đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Tại Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021, Chính phủ đã cho phép người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng, từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.

Đến ngày 1/7/2022, chính sách hỗ trợ này sẽ kết thúc, doanh nghiệp phải tiến hành đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo mức cũ. Theo đó, từ 1/7/2022, đơn vị sử dụng lao động thực hiện đóng Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mức đóng bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo Nghị định số 58/2020/NĐ-CP quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Hỗ trợ lao động tại các huyện nghèo vùng bãi ngang, ven biển đi xuất khẩu lao động

Nội dung hỗ trợ người lao động tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển đi làm việc ở nước ngoài được quy định tại Thông tư 09/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 11/7/2022.

Theo đó, người lao động thuộc hộ nghèo, người lao động là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài: nội dung hỗ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Thông tư 15/2022/TT-BTC.

Người lao động thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài: Hỗ trợ tiền đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề và hỗ trợ các chi phí khác theo khoản 1 Điều 25 Thông tư 15/2022/TT-BTC.

Người lao động khác đang sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài: Hỗ trợ tiền đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề.

Người lao động và thân nhân của người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo: Hỗ trợ giới thiệu, tư vấn để tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Người lao động tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ để đi làm việc ở nước ngoài theo Hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận: Hỗ trợ một phần chi phí đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người lao động.

Sửa quy định về báo cáo tình hình thay đổi lao động định kỳ

Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế đã sửa đổi quy định về báo cáo tình hình sử dụng lao động tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

Cụ thể, về thời gian báo cáo tình hình thay đổi lao động, định kỳ 6 tháng (trước ngày 5/6) và hằng năm (trước ngày 5/12), người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình thay đổi lao động đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.

Người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình thay đổi lao động đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP và thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.

Trường hợp người sử dụng lao động không thể báo cáo tình hình thay đổi lao động thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia thì gửi báo cáo bằng bản giấy theo Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.

Đối với lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế, người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình thay đổi lao động đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện và Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế để theo dõi. Nghị định 35/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/7/2022 và thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP.