13:08 22/06/2022

Lương tối thiểu tăng, công nhân vẫn không đủ sống

Phúc Minh

Mức lương tối thiểu hiện nay chủ yếu làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, thực tế những năm qua tiền lương tối thiểu có tăng song vẫn chưa đảm bảo được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành, áp dụng từ ngày 1/7 tới đây.

Cụ thể, về mức lương tối thiểu tháng, vùng I tăng từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng; vùng II tăng từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng; vùng III tăng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng và vùng IV tăng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.

CÔNG NHÂN HẦU NHƯ KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG THƯƠNG LƯỢNG TIỀN LƯƠNG

Để triển khai Nghị định này, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành công văn số 2086 hướng dẫn thực hiện. Trong đó, hai cơ quan thống nhất đề nghị các đơn vị rà soát các tiêu chuẩn, điều kiện lao động để chủ động đề xuất và đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động nhằm xác lập các thoả thuận về tiền lương và các điều kiện lao động khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.

Theo khảo sát của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay đa phần các doanh nghiệp đã trả lương cao hơn lương tối thiểu vùng, song ở phía người lao động mức lương hiện được cho là vẫn còn thấp, chưa thể đủ để trang trải cuộc sống.

Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, tiền lương luôn là mối quan tâm của mọi người lao động. “Khi tôi đi gặp người lao động, công nhân, họ hay nói với tôi bây giờ lương thấp quá. Nhưng bên quản lý cho biết hiện mức lương đã trả cao hơn lương tối thiểu vùng. Quả thật về khái niệm và thực tiễn, thế nào là mức lương tối thiểu, mức lương cơ bản, hay lương đóng bảo hiểm là cần thống nhất thêm”, ông Tiến nhìn nhận.

Kết quả khảo sát về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân lao động do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3/2022 cũng cho thấy, nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng.  Nghịch lý nữa là mặc dù công nhân đang phải làm việc với cường độ cao, thời gian kéo dài nhưng lương và thu nhập không cao.

Theo ông Tiến, về cách tính tiền lương tối thiểu ở Việt Nam hiện nay, Điều 91 Bộ luật Lao động quy định rõ, mức lương tối thiểu là mức trả thấp nhất cho người lao động làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Đây là cơ sở thấp nhất để các bên đàm phán, thương lượng mức lương thực tế.

Nhưng hiện nay khả năng đàm phán của người công nhân rất thấp, hầu như không có. Mức lương tối thiểu chủ yếu làm căn cứ đóng bảo hiểm cho lao động phổ thông, còn lãnh đạo, quản lý có thể có mức lương khác.

SỚM THỰC HIỆN LƯƠNG TỐI THIỂU GIỜ

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thừa nhận, lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người làm việc trong điều kiện bình thường, nhưng cũng phải phân biệt các yếu tố trong cơ cấu tiền lương gồm có tiền lương cơ bản, các phần chi phí doanh nghiệp trả cho người lao động và tiền lương gắn với năng suất lao động.

Quy định của Bộ luật Lao động về tiền lương tối thiểu hiện nay là người lao động làm việc 26 ngày/tháng, 8 giờ/ngày thì doanh nghiệp mới đảm bảo tiền lương tối thiểu cho người lao động. “Tuy nhiên, qua điều tra cho thấy, chi phí về mức sống thấp đi do người lao động không khai báo 25 - 30% chi phí khác, chi phí tiền nhà, họ khai báo rất thấp”, bà Lan Hương cho biết.

Cũng theo bà Hương, cách tiếp cận lương tối thiểu tháng của Việt Nam là dựa trên điều kiện hợp đồng lao động. Tuy nhiên, thực tế ký hợp đồng lao động chỉ khoảng 60% và thực hiện trong nhóm doanh nghiệp nhà nước, FDI.

“Nhưng điều quan trọng là chúng ta chưa xây dựng được luật về lương tối thiểu. Cho nên, mỗi năm cần đợi Hội đồng Tiền lương quốc gia họp để đề xuất mức tăng và thời điểm điều chỉnh. Những điều chỉnh chủ yếu tập trung theo chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và chưa đánh giá toàn diện đến tăng lương tối thiểu, tăng chi phí lao động và tương quan cung cầu lao động”, bà Lan Hương nói.

Do đó, vị chuyên gia cho rằng, tiền lương đủ sống là mức tiền lương có khả năng bảo đảm các chi phí cần thiết của người lao động và gia đình họ như: Ăn, mặc, ở, đi lại, giao tiếp xã hội, an sinh xã hội…Mức sống đó phải được điều chỉnh theo sự phát triển kinh tế. Để lương tối thiểu đảm bảo đủ sống thì phải nhanh chóng thực hiện lương tối thiểu giờ.

Cho rằng, tiền lương tối thiểu giờ chỉ là sàn thấp nhất để người lao động đàm phán, thương lượng mức lương thực tế, TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn khuyến nghị người lao động nên tham khảo người làm trước, các công việc tương tự để tự tin, mạnh dạn đưa ra yêu cầu mức lương tương xứng, bằng hoặc cao hơn công việc tương tự, thậm chí có thể nhờ người môi giới, hỗ trợ đưa ra yêu cầu, tốt nhất là có tổ chức đại diện khi tham gia đàm phán, xác định tiền lương.