Khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc lớn tới mức nào?
Dân cư ở những thành phố lớn của Trung Quốc như Thượng Hải và Bắc Kinh có thu nhập ngang tầm với người Thụy Sỹ
Nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc chứng kiến sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, nhưng không đồng đều giữa các tỉnh thành của nước này. Dân cư ở những thành phố lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh có thu nhập ngang tầm với người Thụy Sỹ, trong khi đời sống người dân ở nhiều địa phương còn khá nghèo nàn.
Theo hãng tin Bloomberg, sức mạnh kinh tế của 31 tỉnh thành Trung Quốc có sự khác biệt lớn giữa những địa phương vành đai công nghiệp ở phía Đông Bắc, những vùng canh tác nông nghiệp ở miền Trung, và những thành phố được ví như Thung lũng Silicon với những tập đoàn công nghệ lớn như Alibaba, Tencent và Huawei.
Có những nơi, người Trung Quốc tiếp cận với công nghệ đỉnh cao của thế giới, lái những chiếc xe hơi chạy điện lướt trên phố, sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt khi mua sắm… Trên toàn Trung Quốc, gần 1 tỷ người tiêu dùng mua sắm hoặc thanh toán mua sắm bằng ứng dụng trên điện thoại di động.
Nhưng ở một số vùng nông thôn của nước này, người dân vẫn quen với cảnh dùng gàu múc nước dưới giếng để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.
"Sự phát triển ở một số thành phố lớn của Trung Quốc giờ đây có thể bắt kịp bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện", nhà phân tích Qian Wan thuộc Bloomberg Economics, nhận định. "Ở một số địa phương nằm sâu trong nội địa, thậm chí là một số địa phương ven biển, đô thị hóa và thu nhập còn tụt hậu".
Tính đến đầu năm 2018, tổng vốn vay hỗ trợ phát triển của Ngân hàng Thế giới (WB) cấp cho Trung Quốc còn trên 60 tỷ USD, dành cho 416 dự án.
5 tỉnh thành có thu nhập bình quân đầu người cao nhất và 5 tỉnh thành có mức thu nhập bình quân đầu người thấp nhất, và mức thu nhập trung bình của người Trung Quốc - Nguồn: Bloomberg, IMF.
Mức độ phát triển cao nhất thuộc về hai thành phố Thượng Hải và Bắc Kinh. GDP bình quân đầu người được điều chỉnh theo sức mua - một thước đo thu nhập bình quân - ở hai thành phố này là hơn 53.000 USD trong năm ngoái. Mức thu nhập này ngang tầm với thu nhập của người Thụy Sỹ và Mỹ.
Trên thực tế, với thu nhập như vậy, Thượng Hải và Bắc Kinh có thể lọt vào top 10 nước thu nhập cao nhất thế giới với dân số từ 3 triệu người - theo phân tích của Bloomberg.
Hai thành phố này dẫn đầu về thu nhập vì có nhiều lợi thế. Thượng Hải là trung tâm tài chính lớn nhất của Trung Quốc đại lục, còn Bắc Kinh là thủ đô của Trung Quốc, nên đều được hưởng những chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Thượng Hải và Bắc Kinh còn có những trường đại học tốt nhất, những công việc được trả cao nhất, và cơ sở hạ tầng tốt nhất ở Trung Quốc. Trong ít nhất 2 thập kỷ qua, người lao động cả trình độ thấp và cao từ các địa phương khác đều đổ tới giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế của hai thành phố này, dù đa số chỉ được coi là "công dân hạng hai" vì không có hộ khẩu.
Khoảng cách giàu nghèo lớn ở Trung Quốc không chỉ là mối quan tâm của các học giả, mà còn được xem là một vấn đề trong "ba cuộc chiến quan trọng" mà Chủ tịch nước này, ông Tập Cận Bình chỉ ra. Chính phủ Trung Quốc xem việc xóa đói giảm nghèo là một nội dung chính sách quan trọng, nhằm đưa thu nhập ở những tỉnh nghèo như Cam Túc tiến gần hơn mức thu nhập của những địa phương giàu như Thượng Hải.
Khoảng cách thu nhập ở Trung Quốc thực ra đang có sự thu hẹp đáng kể. Theo nhà phân tích Hyde Chen thuộc ngân hàng UBS ở Hồng Kông, khoảng cách thu nhập bình quân đầu người giữa người dân ở các thành phố cấp thấp hơn với người dân ở các thành phố cấp 1 ở Trung Quốc đã giảm từ mức 56% vào năm 2005 xuống còn 46% vào năm 2017.
Cách đây 10 năm, tổng thu nhập của 12 công nhân ở tỉnh Quý Châu mới bằng thu nhập của 1 người Thượng Hải. Đến năm 2017, khoảng cách này đã giảm một nửa.
Mặc dù vậy, khoảng cách vẫn còn rất lớn. Hai tỉnh Quý Châu và Vân Nam ở phía Nam của Trung Quốc và tỉnh Cam Túc ở phía Bắc có GDP bình quân đầu người dưới mức 10.000 USD trong năm 2017, ngang với GDP bình quân đầu người của Ukraine, El Salvador và Guatemala.
Đô thị hóa ở Trung Quốc đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Dân số thành thị của nước này hiện đạt tỷ lệ 59%, trong đó tỉnh đông dân nhất là Quảng Đông cũng là tỉnh có tỷ lệ dân số thành thị cao nhất, đạt 70%. Trong khi đó, tỷ lệ dân số thành thị ở Mỹ là 82%, ở Thái Lan là 50%, và ở Ấn Độ là 33%.