16:03 29/04/2022

Rút bảo hiểm xã hội một lần: Bất đắc dĩ mới phải từ bỏ lương hưu

Phúc Minh

Với phần lớn người lao động, lý do chủ yếu khiến họ rút bảo hiểm xã hội một lần là để giải quyết khó khăn kinh tế trước mắt, bất chấp những khuyến cáo đưa ra…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Rất nhiều khuyến cáo đã được đưa ra sau khi tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục gia tăng, nhất là trong những tháng đầu năm 2022.

BẤT ĐẮC DĨ PHẢI RÚT BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN

Anh Nguyễn Văn Đông ở Nghệ An cho biết, gia đình có 5 người gồm 2 vợ chồng, 2 con nhỏ đang đi học và mẹ già. Gần đây, công ty nơi anh Đông làm việc gặp khó khăn nên phải nghỉ việc, sau nhiều tháng không tìm được việc làm mới, anh quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần để chi tiêu cho gia đình.

“Vì dịch bệnh khó khăn quá, 4 - 5 tháng không đi làm được nên bất đắc dĩ phải rút thôi. Tiền tiết kiệm không có, trước mắt thì phải lo đủ thứ, lo ăn uống, gia đình, điện nước, trong nhà có người già còn phải lo thuốc thang, khám bệnh, đủ thứ tiền. Giờ mà không rút thì không biết lấy đâu ra. Biết là về hưu thì cũng có trợ cấp từ bảo hiểm xã hội nhưng mà khó khăn quá, phải lo trước mắt đã. Giờ còn trẻ mà không lo được thì tính gì đến chuyện về già”, anh Đông ngậm ngùi.

Cũng như anh Đông, chị Trần Thị Dương, công nhân một công ty may tại Hà Nội cũng quyết định nhận bảo hiểm xã hội một lần sau 10 năm làm việc tại đây để trang trải khó khăn trước mắt của gia đình. Theo chị Dương, dù công việc không quá vất vả nhưng do công ty gặp khó khăn dẫn đến chậm lương, có những khi 2 - 3 tháng mới trả lương một tháng nên chị chọn nghỉ.

“Nhà có mấy cháu đang tuổi ăn học, tôi nghĩ thế này thì không thể nuôi được các cháu đi học. Bây giờ cũng chẳng biết mình sống được bao lâu, công việc thì bấp bênh như thế. Nhiều lúc nghĩ sau này già, không đóng bảo hiểm xã hội thì trông mong vào đâu, cũng chẳng vui vẻ gì”, chị Dương phân trần.

Trường hợp của anh Đông, chị Dương kể trên nằm trong số hàng trăm nghìn người lao động xin rút bảo hiểm xã hội một lần thời gian gần đây. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ trong quý 1/2022 đã có hơn 200.000 người nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Chia sẻ về thực trạng này, ông Vũ Quang Thọ, Nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nhận định, tình trạng gia tăng số người rút bảo hiểm xã hội một lần đã diễn ra nhiều năm gần đây, nhưng sau đại dịch càng tăng lên. Phần lớn người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần là để giải quyết khó khăn kinh tế trước mắt.

Theo ông Thọ, vấn đề cốt lõi là tuyên truyền để người lao động nhận thức về việc có quyền lợi bảo hiểm xã hội như hưu trí, tử tuất thì sẽ tạo niềm tin, an tâm đóng bảo hiểm xã hội.

“Có lẽ việc tuyên truyền chưa thấm vào người lao động để họ hiểu được đâu là cái hại lâu dài. Tôi nghĩ rằng vẫn tuyên truyền nhưng cần lấy một cái thiệt hại sinh động nào đấy để cho họ hiểu được. Tôi lấy ví dụ như giữa hình thức gửi tiết kiệm, các anh chị gửi tiết kiệm để lấy lãi, gốc vẫn giữ nguyên nhưng lấy phần lãi để chi tiêu hàng ngày. Nhưng gần đến kỳ lĩnh lãi rồi lại tự rút ra, không còn lãi nữa. Đấy là cái mất đi khả năng che chắn của họ”, ông Vũ Quang Thọ dẫn chứng. 

MẤT CƠ HỘI CÓ LƯƠNG HƯU

Ở góc độ cơ quan bảo hiểm xã hội, bà Đinh Thị Thu Hiền, Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, việc nhận bảo hiểm xã hội một lần được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài”, bởi toàn bộ thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội trước đó của người lao động không được bảo lưu. Đồng thời các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với tham gia bảo hiểm xã hội cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Người lao động chọn rút bảo hiểm xã hội một lần phần lớn vì khó khăn trước mắt. Ảnh - Nhật Dương. 
Người lao động chọn rút bảo hiểm xã hội một lần phần lớn vì khó khăn trước mắt. Ảnh - Nhật Dương. 

Về lương hưu, bà Hiền phân tích, mức lương hưu không phải là một mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng để đảm bảo giá trị. Trong 2 năm qua, dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng lương hưu đã được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 1/1/2022.

Người hưởng lương hưu cũng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí từ khi hưởng lương hưu đến khi mất với quyền lợi hưởng cao (mức hưởng bảo hiểm y tế của người nghỉ hưu là 95%, trong khi mức hưởng bảo hiểm y tế của người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình là 80%). Trong giai đoạn tuổi già, nguy cơ đối mặt nhiều hơn với ốm đau, bệnh tật nên việc được chia sẻ phần lớn nguồn kinh phí khám chữa bệnh từ Qũy bảo hiểm y tế sẽ giảm bớt áp lực kinh tế cho gia đình họ.

Bên cạnh đó, trong thời gian hưởng lương hưu, không may người hưởng lương hưu qua đời thì thân nhân sẽ được hưởng chế độ tử tuất, bao gồm: Trợ cấp mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người hưởng lương hưu chết; trợ cấp tuất hàng tháng (mức trợ cấp bằng 50% hoặc 70% mức lương cơ sở); hoặc trợ cấp tuất một lần.

Vì vậy, bà Hiền khuyến cáo, trước khi quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, người lao động hãy cân nhắc kỹ và nghĩ đến các quyền lợi được hưởng chế độ hưu trí khi hết tuổi lao động.

Nhất là trong thời gian tới, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động có thể dễ dàng được tiếp cận và thụ hưởng lương hưu khi Nhà nước sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, và xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng nhằm tạo điều kiện tối ưu cho người lao động tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi của chế độ hưu trí lâu dài.

Trước thực trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa nhận, việc tuyên truyền về chính sách chưa đầy đủ khiến người lao động chưa hiểu hết chính sách nhân văn của việc tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, có những đối tượng lợi dụng cơ hội để mua bán, trao đổi sổ bảo hiểm xã hội của người lao động.