11:00 01/02/2022

Không “gục ngã” trước Covid-19, thu hút FDI 2021 vẫn bật tăng

TS. Phan Hữu Thắng (*)

Năm 2021 đã có những lúc tưởng chừng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài “gục ngã” trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư và niềm tin của nhà đầu tư nước ngoại suy giảm…

Kinh tế Việt Nam đã vượt qua một năm đầy khó khăn do những hệ lụy nghiêm trọng từ Covid-19 gây ra. Tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 2,58%, mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua.

Trong khó khăn chung đó, các doanh nghiệp FDI nhờ năng lực chống chọi tốt do có vốn, thị trường đầu ra và đặc biệt là kinh nghiệm trong xử lý các tình huống xấu,… cùng với các quyết sách kịp thời của Chính phủ Việt Nam như ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 1/10/2021 (và trước đó là Nghị quyết số 105/ NQ-CP ngày 9/9/2021), đã làm vững lòng các doanh nghiệp FDI, giữ được niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài nên dòng vốn FDI vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam.

BA ĐIỂM NỔI BẬT CỦA NĂM 2021

Tuy thu hút FDI vẫn thấp hơn mức đã đạt được trước đại dịch (năm 2019 đạt 38,95 tỷ USD), nhưng đã vượt 9,2% so năm 2020 với 31,15 tỷ USD. Dịch Covid-19 đã làm vốn FDI thực hiện suy giảm 1,2% (chủ yếu trong quý 3/2021) so với năm 2020, chỉ đạt mức 19,74 tỷ USD. Sự suy giảm này, cộng với suy giảm xuất khẩu trong quý 3/2021 của khu vực doanh nghiệp FDI đã làm tăng trưởng GDP quý 3/2021 giảm 6,02%, để tăng trưởng cả năm chỉ đạt 2,58% như nêu trên.

 
Không “gục ngã” trước Covid-19, thu hút FDI 2021 vẫn bật tăng - Ảnh 1

Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Điều đó cho thấy, tuy FDI là dòng vốn ngoại, nhưng là dòng vốn có sự kết nối chặt chẽ giữa đầu tư và xuất khẩu, mà đầu tư nước ngoài và xuất khẩu hiện đang là động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam (nhiều năm qua, nguồn vốn FDI chiếm bình quân ở mức 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI luôn giữ trên 70% giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam).

Ngoài những điểm nêu trên, thu hút FDI 2021 nổi lên ba điểm chính.

Thứ nhất, số lượng dự án quy mô nhỏ dưới 5 triệu USD giảm 33,9%, dưới 1 triệu USD giảm 33,2% so cùng kỳ năm 2020. Quy mô bình quân dự án đầu tư mới đạt 8,8 triệu USD/dự án, cao hơn mức 5,8 triệu USD/dự án của năm trước đó do số lượng dự án quy mô lớn tăng lên. Quy mô bình quân dự án điều chỉnh tăng vốn đạt 9,2 triệu USD/lượt điều chỉnh, cao hơn mức 5,6 triệu USD/lượt điều chỉnh trong năm 2020.

Kết quả vừa nêu là điều đáng mừng, cho thấy định hướng thu hút đầu tư hướng vào các dự án có quy mô lớn, có tác động lan tỏa, dẫn dắt đầu tư tại địa bàn đầu tư, phát triển ngành và lĩnh vực đầu tư... đã có kết quả nhất định. Để bảo đảm cho xu hướng này tiếp tục phát triển trong tương lai, cần nâng cao hơn nữa chất lượng xúc tiến đầu tư trong năm 2022 và giai đoạn tiếp theo.

Không “gục ngã” trước Covid-19, thu hút FDI 2021 vẫn bật tăng - Ảnh 2

Thứ hai, các đối tác đầu tư truyền thống đứng đầu trong top 10 đối tác nước ngoài tại Việt Nam vẫn là những quốc gia quen thuộc như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan... Riêng năm 2021, Singapore “vọt” lên đứng vị trí số 1 nhờ loạt dự án quy mô lớn.

Trong hoàn cảnh một nước có quy mô nền kinh tế còn nhỏ đang rất cần vốn và thị trường xuất khẩu để phát triển, cùng với đòi hỏi thu hút FDI nhưng phải xây dựng được nền kinh tế tự cường, phải thực hiện được chủ chương “đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác trong hợp tác đầu tư nước ngoài” (Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị - NQ50), cần có các giải pháp thích hợp để thực hiện được chủ chương đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác, như xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội bằng nguồn vốn FDI theo ngành, vùng kinh tế, với chương trình xúc tiến đầu tư có địa chỉ rõ ràng để cộng đồng doanh nghiệp Việt, chính quyền ở các địa phưong và Trung ương theo đó thực hiện.

Thứ ba, các lĩnh vực đầu tư thu hút được nhiều FDI vẫn là những ngành như: công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 58,25% tổng vốn đầu tư đăng ký); sản xuất, phân phối điện (chiếm 18,3%); kinh doanh bất động sản; bán buôn, bán lẻ;…

VỐN FDI CHẤT LƯỢNG TIẾP TỤC TĂNG

Điều đáng lưu ý là thu hút FDI vào hai ngành bất động sản và bán buôn, bán lẻ trong giai đoạn tới cần có các danh mục dự án cụ thể, như thay vì xây dựng nhà ở để bán, sẽ khuyến khích đầu tư vào bất động sản công nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng và gọi vốn đầu tư vào các dự án khu công nghệ cao, như dự án Công viên dược tại Việt Nam trị giá 500 triệu USD đã được ký kết hợp tác, trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, giữa Tập đoàn phát triển KCN Đại An (Hải Dương) với Công ty Sri Avantika Contractors Ltd. - một tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực dược phẩm của Ấn Độ...

Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV diễn ra trong những ngày đầu tiên của năm 2022 để xem xét, quyết nghị những vấn đề quan trọng, cấp bách và không thể trì hoãn đối với phát triển kinh tế. Điều này cho thấy sự quyết tâm của hệ thống chính trị cấp cao nhất của Việt Nam đối với vận mệnh của đất nước trong giai đoạn hiện nay, nhằm hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam tới thịnh vượng, hạnh phúc vào năm 2045.

Không “gục ngã” trước Covid-19, thu hút FDI 2021 vẫn bật tăng - Ảnh 3

Trong các hoạt động nêu trên, chắc chắn, các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sau đây đã được xác định tại NQ 50 sẽ được bàn thảo.

Đó là vốn đăng ký 30-40 tỷ USD/năm giai đoạn 2021-2025 và 40-50 tỷ USD/năm giai đoạn 2026 -2030; vốn thực hiện 20-30 tỷ USD/năm giai đoạn 2021-2025 và 30-40 tỷ USD/năm giai đoạn 2026-2030; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018; tỷ lệ nội địa hóa tăng từ mức 20-25% hiện nay lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030; tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.

Với kinh nghiệm rút ra được từ phòng chống dịch hai năm vừa qua, Chính phủ đã đưa cuộc sống xã hội, sản xuất kinh doanh về trạng thái bình thường mới, kinh tế quý 4/2021 đã khởi sắc, nên hoàn toàn có cơ sở để tin rằng các quyết sách, chính sách mới được ban hành tới đây sẽ phục hồi được nền kinh tế và dòng vốn FDI sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam mạnh hơn, chất lượng hơn. FDI sẽ đạt được các mục tiêu về vốn và chất lượng vốn như NQ50 đã đặt ra.

Các tín hiệu vui về các dự án có quy mô lớn, chất lượng cao vào Việt Nam trong 2022 đã rõ. Đó là dự án công viên dược liệu đã nêu trên; Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn và Công ty Ecologic Engineering (Ấn Độ) đã ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, công nghiệp và đổi mới sáng tạo với tổng vốn đầu tư đến 4 tỷ USD; Dự án khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Đại An - Nhật Bản (đang chờ phê duyệt cuối cùng của UBND tỉnh Hải Dương để triển khai); Dự án khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Hòa Thành thuộc khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên với tổng vốn đầu tư 280 triệu USD của các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đã được ký kết và Dự án của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) với vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD xây dựng nhà máy sản xuất đồ chơi với giải pháp sử dụng nguyên liệu bền vững thay cho nguyên liệu từ dầu mỏ vào nửa cuối năm 2022.

Với các dự án mới nêu trên, cùng với việc Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về FDI và nâng cao chất lượng quản lý FDI theo hướng xây dựng chính phủ số sẽ đảm bảo cho việc đạt được các mục tiêu đã đặt ra đối với đầu tư nước ngoài trong năm 2022 cũng như giai đoạn đến năm 2025, 2030 mà NQ50 đã nêu. Việt Nam sẽ là điểm đến được lựa chọn của các dự án FDI mới mà Việt Nam mong muốn.

-------

(*) Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)