Không làm dự án PPP dưới 200 tỷ: Nên có nghị định riêng với dự án nhỏ?
Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư - PPP nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, đặc biệt là Hiệp hội doanh nghiệp Ấn Độ
Trong kiến nghị gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019 sắp diễn ra, Hiệp hội doanh nghiệp Ấn Độ nêu vướng mắc: Theo Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, vốn đầu tư tối thiểu của dự án PPP được đánh đấu ở mức 200 tỷ đồng, tương đương 8,7 triệu USD, trừ trường hợp thoả thuận quản lý và điều hành.
Tuy nhiên, quy định này đặt ra câu hỏi làm thế nào các dự án dưới 200 tỷ đồng có thể được thực hiện dưới hình thức PPP?
Trong thực tế, tỷ lệ các dự án nằm dưới ngưỡng bị cắt là rất thấp (khoảng 30%, theo dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Song, nhiều dự án quy mô nhỏ về y tế, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường và giáo dục với tổng vốn đầu tư dưới 200 tỷ đồng (khoảng 8,7 triệu đô la ..) vẫn thuộc các ngành được khuyến khích vì giá trị gia tăng của họ đối với xã hội. Do đó, nên có một cơ sở pháp lý để được coi là một dự án PPP.
"Chính phủ có thể xem xét ban hành một nghị định hướng dẫn với các quy định tương tự nhưng đơn giản hơn luật PPP đối với các dự án quy mô nhỏ như vậy", Hiệp hội doanh nghiệp Ấn Độ khuyến nghị.
Đối với quy định về cơ quan thẩm quyền quyết định đầu tư, Hiệp hội này cho rằng, các dự án PPP sẽ được phân loại theo các chỉ số cụ thể, tương tự như việc phân loại các dự án được quy định theo Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công.
Cụ thể, một số dự án sẽ phải được sự chấp thuận của Quốc hội; trong khi đối với một số dự án, các chính sách sẽ được Thủ tướng phê duyệt và một số dự án sẽ được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền quy định trong dự thảo luật PPP.
Tuy nhiên, việc cơ quan nào có thẩm quyền quyết định chính sách đầu tư còn nhiều mập mờ. Đặc biệt, các cơ quan có thẩm quyền bao gồm các Bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh/ thành phố có thẩm quyền phê duyệt các dự án không được phê duyệt ở cấp Quốc hội hoặc Thủ tướng.
Do đó, dự thảo cần phải rõ ràng về sự quy định thẩm quyền giữa các cơ quan khác nhau ở các cấp khác nhau để giảm thiểu sự không chắc chắn về các khía cạnh chính sách.
Hiệp hội này cũng cho rằng, Luật PPP không đề cập đến sự đảm bảo cho các trường hợp liên quan đến thay đổi luật, nên các nhà đầu tư đã đặt ra mối lo ngại về sự khó lường của luật pháp Việt Nam. Các dự án PPP đòi hỏi sự ổn định cao hơn từ phía chính sách vì đây là các dự án dài hạn và việc thực hiện dự án tốn nhiều thời gian.
"Một điều khoản để bảo vệ nhà đầu tư khỏi những rủi ro liên quan đến sự thay đổi trong luật pháp sẽ là một điểm cộng cho dự thảo luật này", Hiệp hội doanh nghiệp Ấn Độ nhấn mạnh.