18:59 15/03/2023

Khủng hoảng ngân hàng Mỹ: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

An Huy

Nếu nhìn lại quá khứ, nhà đầu tư có thể tìm được một câu trả lời đáng tin cậy cho câu hỏi này...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Sau vụ sụp đổ 3 ngân hàng Mỹ liên tiếp trong tuần trước, giới đầu tư đang đặt câu hỏi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo: một cuộc khủng hoảng lan rộng trong toàn hệ thống, sự giám sát chặt chẽ hơn của Chính phủ Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngừng tăng lãi suất, hay một điều gì đó khác?

Theo trang CNN Business, nếu nhìn lại quá khứ, nhà đầu tư có thể tìm được một câu trả lời đáng tin cậy cho câu hỏi này.

Việc 3 ngân hàng sụp đổ, nhất là cú sập của Silicon Valley Bank - nhà băng thuộc top 20 ngân hàng thương mại lớn nhất ở Mỹ - có thể dẫn tới nỗi lo sợ về một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự như hồi năm 2008. Tuy nhiên, các nhà phân tích lại cho rằng những gì xảy ra hiện nay giống với hồi năm 1991 hơn, thậm chí chỉ cần nhìn lại thời điểm mùa thu năm ngoái là có thể biết được chuyện gì sắp xảy ra.

ĐÂY KHÔNG PHẢI LÀ NĂM 2008

Cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ hiện nay có một số điểm khác biệt lớn so với những gì diễn ra cách đây 15 năm.

Thứ nhất, cuộc khủng hoảng tài chính 2008 có nguyên nhân bắt nguồn từ những tài sản khó xác định giá trị như chứng khoán đảm bảo bằng nợ bất động sản. Định giá những tài sản này là một bài toán không hề dễ đối với các ngân hàng. Nhưng hiện nay, những tài sản gây rắc rối cho các ngân hàng đều là những loại dễ định giá và cũng dễ bán, như trái phiếu kho bạc Mỹ và các trái phiếu khác. Nhờ đó, sự can thiệp của Chính phủ cũng hiệu quả hơn.

Và các cơ quan chức năng của Mỹ đã hành động. Lần này, Chính phủ vào cuộc sớm để đảm bảo toàn bộ tiền gửi tại các ngân hàng sụp đổ để khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng Mỹ. Ngoài ra, theo quy định hiện hành, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) bảo hiểm cho các tài khoản tiền gửi trị giá đến 250.000 USD và các ngân hàng lớn của Mỹ cũng có đủ năng lực tài chính để vượt qua biến động bởi họ thường xuyên được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kiểm tra sức khoẻ.

“So với năm 2008, hệ thống đã minh bạch hơn nhiều, với nền tảng vững vàng hơn, và Chính phủ đã nhận diện được những vấn đề còn lại và triển khai nhanh các biện pháp để xử lý”, Giám đốc đầu tư Brad McMillan của Commonwealth Financial Network nhận định.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là hệ thống ngân hàng Mỹ đã thoát hiểm hoàn toàn. “Chúng tôi nhận thấy những hệ luỵ đối với nền kinh tế. Điều đó củng cố dự báo về một cuộc suy thoái sắp xảy ra”, một báo cáo của BlackRock hôm thứ Hai có đoạn viết.

NHÌN LẠI NĂM 1991

Giới phân tích nhìn lại cuộc khủng hoảng quỹ tiết kiệm và tiền lương (S&L) hồi cuối thập niên 1980 và đầu những năm 1990 như một mô hình hợp lý hơn so với khủng hoảng 2008 để xác định điều gì có thể xảy đến tiếp theo trong cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ hiện nay.

Các quỹ S&L cũng giống như ngân hàng, nhưng chuyên về nhận tiền gửi tiết kiệm và cấp các khoản vay thế chấp nhà. Vào những năm 1980, khi được “cởi trói” khỏi các quy định giám sát khắt khe, các quỹ này bắt đầu dấn thân vào những khoản đầu tư đầy rủi ro bằng tiền của khách hàng. Sau đó, những vụ đầu tư này gặp trở ngại và các quỹ rơi vào cảnh thua lỗ đúng lúc Fed nâng lãi suất. Lãi suất tăng cao đồng nghĩa với việc nhiều khách hàng vay vốn từ các quỹ S&L gặp khó trong việc trả nợ.

Kết cục là nhiều quỹ S&L sụp đổ và Chính phủ Mỹ phải ra tay giải cứu các quỹ đó. Câu chuyện hiện nay có giống như vậy?

“Có thể nói những gì vừa xảy ra giống như một vụ sập ngân hàng điển hình trong cuộc khủng hoảng quỹ tiết kiệm và tiền lương. Điểm khác biệt duy nhất là ngân hàng mới đổ vỡ (SVB) chuyên phục vụ lĩnh vực công nghệ thay vì bất động sản”, chuyên gia Jaret Seiberg của TD Cowen nhận định trong một báo cáo.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng quỹ S&L, các cơ quan chức năng của Mỹ đã hạn chế việc các ngân hàng có những khoản đầu tư ngắn hạn “vì những lý do có vẻ như chính là nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của SVB”, ông Seiberg nói.

Vậy điều gì có thể rút ra từ cuộc khủng hoảng này? Theo chuyên gia Kit Juckers của ngân hàng Societe Generale, gần như chắc chắn Mỹ sẽ rà soát lại các quy chế giám sát và chính sách của ngân hàng trung ương. “Nếu cuộc khủng hoảng S&L là một mô hình về những gì có thể xảy ra tiếp theo, chúng ta đang tiến đến đỉnh của lãi suất gần hơn những gì thị trường nghĩ”, ông Juckers nói, chỉ việc Fed có thể sớm dừng việc tăng lãi suất với mục đích chống lạm phát. Rất có thể nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái nhẹ trong năm tới - vị chuyên gia dự báo.

TƯƠNG LAI THÌ SAO?

Thực ra, nhà đầu tư không phải nhìn lại quá xa để dự báo về tương lai. Mới cách đây 6 tháng, hồi chuông cảnh báo đã gióng lên ở Anh khi thị trường trái phiếu chính phủ nước này có những biến động vượt khỏi tầm kiểm soát. Những ngày qua, hồi chuông cảnh báo tương tự cũng đã nổi lên ở Mỹ.

Tháng 9 năm ngoái, cựu Thủ tướng Anh Liz Truss khi mới lên cầm quyền đã công bố một gói giảm thuế quy mô lớn, kết hợp với tăng chi tiêu và tăng vay mượn nhằm vực dậy nền kinh tế. Thị trường lo sợ kế hoạch này sẽ “đổ dầu vào lửa” đối với lạm phát vốn dĩ đã cao và buộc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) phải tăng lãi suất lên rất cao. Hệ quả là nhà đầu tư đã bán tháo trái phiếu chính phủ Anh, đưa lợi suất của trái phiếu một số kỳ hạn tăng mạnh chưa từng thấy.

Mức độ biến động đã gây áp lực lớn lên nhiều quỹ lương hưu thông qua việc làm đảo lộn chiến lược đầu tư sử dụng các sản phẩm phái sinh để phòng hộ cho các vụ đầu tư. Khi giá trái phiếu chính phủ lao dốc, các quỹ lương hưu này bị yêu cầu phải nộp thêm hàng tỷ Bảng tiền ký quỹ. Trong cuộc xoay sở tiền mặt, các nhà quản lý quỹ phải bán bất cứ thứ gì họ có thể bán, và trong một số trường hợp là trái phiếu chính phủ. Điều này khiến lợi suất càng tăng mạnh hơn, dẫn tới một làn sóng lệnh gọi ký quỹ mới.

Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã nhanh chóng đưa mọi thứ trở lại tầm kiểm soát bằng cách bật chế độ ứng phó khủng hoảng. Sau một cuộc họp xuyên đêm, BOE can thiệp vào thị trường ngay ngày hôm sau bằng cam kết mua vào 65 tỷ Bảng (73 tỷ USD) trái phiếu chính phủ nếu cần thiết. Động thái này đã giúp thị trường “cầm máu” và đảo bược điều mà BOE sau đó thừa nhận là nỗi sợ hãi lớn nhất: “một vòng xoáy tự mạnh lên” và “bất ổn tài chính lan rộng”.

Lần này, nhà chức trách Mỹ cũng đã hành động nhanh chóng tương tự.

Hôm Chủ nhật, Fed công bố một chương trình cho vay khẩn cấp nhằm cung cấp tiền mặt cho những ngân hàng hứng chịu nhiều thua lỗ vì lãi suất tăng cao. Hôm thứ Hai, Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc rà soát để xác định mọi chuyện ở SVB đã đi chệch hướng như thế nào.