19:17 14/03/2023

Vụ SVB sẽ khiến đường đi lãi suất của Fed thay đổi?

An Huy

Ở Phố Wall có một câu nói rằng: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất cho tới khi có sự đứt gãy nào đó trong nền kinh tế. Một điều ngạc nhiên lớn là trong suốt 1 năm qua, khi Fed có 8 lần tăng lãi suất liên tục, đứt gãy không hề xảy ra...

Trụ sở Fed ở Washington DC - Ảnh: Getty/WSJ.
Trụ sở Fed ở Washington DC - Ảnh: Getty/WSJ.

Nhưng câu chuyện bắt đầu thay đổi từ tuần trước, khi 3 ngân hàng là Silvergate Bank, Silicon Valley Bank và Signature Bank lần lượt sụp đổ. Phiên giao dịch ngày thứ Hai tuần này tiếp tục chứng kiến cổ phiếu các ngân hàng khu vực bị bán tháo, đẩy Fed vào một tình thế mà ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới đã cố gắng để tránh trong thời gian qua: vừa phải xử lý “chấn thương” tài chính cùng lúc với chống lạm phát.

Theo tờ Wall Street Journal, tình thế này buộc Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp của ông phải lựa chọn xem đâu là vấn đề đòi hỏi Fed phải đặt lên vị trí ưu tiên hàng đầu.

“Chúng tôi đã luôn nói rằng thứ duy nhất có thể khiến Fed phải dừng việc thắt chặt là một cuộc khủng hoảng tài chính. Không rõ liệu nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng như vậy đã được ngăn chặn hay chưa”, chuyên gia kinh tế trưởng Diane Swonk của KPMG nhận định.

Sau 4 lần liên tiếp nâng lãi suất với bước nhảy lớn 0,75 điểm phần trăm, Fed đã giảm tốc độ nâng lãi suất về 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12 năm ngoái và tiếp tục giảm tốc còn 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 2 vừa qua. Lãi suất quỹ liên bang (fed funds rate), tức lãi suất điều hành của Fed hiện là 4,5-4,75%.

TUẦN TỚI, FED VẪN SẼ NÂNG LÃI SUẤT HAY “ÁN BINH BẤT ĐỘNG”?

Sau khi 3 ngân hàng “sập tiệm”, thị trường lãi suất tương lai ở Phố Wall vào thời điểm ngày 13/3 đặt cược khả năng hơn 1/3 Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào tuần tới - theo dữ liệu từ sàn CME. Mới tuần trước, nhà đầu tư mới chỉ cân nhắc giữa hai khả năng: một là Fed nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm và hai là tăng 0,5 điểm phần trăm vào ngày 22/3.

Biến động trên thị trường tài chính khiến giá trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt trong phiên ngày thứ Hai, dẫn tới lợi suất giảm mạnh. Chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn ngắn sụt khoảng nửa điểm phần trăm, phản ánh rằng nhà đầu tư đã chuyển từ mối lo lạm phát và lãi suất tăng sang nỗi lo về việc khủng hoảng ngân hàng có thể gây tổn thất như thế nào đối với nền kinh tế.

Cho tới tuần trước, nền kinh tế và hệ thống tài chính Mỹ hầu như chưa cho thấy tác dụng phụ đáng kể nào từ việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ một cách quyết liệt, ngoài việc thị trường bất động sản tụt giảm. Và rồi vụ sụp đổ của SVB khiến giới đầu tư phải nghĩ lại về triển vọng của các ngân hàng khu vực. Họ cho rằng đổ vỡ ở SVB có thể dẫn tới việc thu hẹp mạnh mẽ hoạt động cấp vốn tín dụng ở những ngân hàng đối mặt với áp lực phải tăng lãi suất tiền gửi, vì Fed đã nâng lãi suất lên cao để chống lạm phát và cũng vì sức ép phải giữ chân người gửi tiền.

Trong năm qua, các quan chức Fed đã có những lần thừa nhận về rủi ro có thể khiến họ buộc phải đồng thời giải quyết hai vấn đề: mất ổn định tài chính và lạm phát. Một số vị đã nói Fed sẽ sử dụng các công cụ cho vay khẩn cấp, cùng với hạn ngạch cấp vốn mà Fed công bố vào hôm Chủ nhật vừa rồi, nhằm xử lý mất ổn định tài chính để có thể tiếp tục tăng lãi suất hoặc giữ lãi suất ở mức cao để chống lạm phát.

“Tôi tin rằng chúng tôi có sẵn các công cụ để giải quyết bất kỳ mối lo nào về ổn định tài chính và không cần phải viện đến chính sách tiền tệ cho mục đích này. Trọng tâm của chính sách tiền tệ phải là chống lạm phát”, thống đốc Fed Christopher Waller nói hồi tháng 10 năm ngoái.

Bài phát biểu này được đưa ra một tuần sau khi Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng khi kế hoạch cắt giảm thuế của Chính phủ nước này gây ra một cuộc bán tháo trên thị trường tài chính. BOE đã phải mua vào trái phiếu chính phủ - biện pháp vốn thường được sử dụng như một cách kích thích kinh tế - để bình ổn thị trường trong khi vẫn đang cố gắng thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát.

Vào hôm Chủ nhật vừa rồi, Fed và Bộ Tài chính Mỹ đã công bố những biện pháp quyết liệt để cùng với Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) bình ổn thị trường và đảm bảo cho tiền gửi không thuộc diện bảo hiểm tại các ngân hàng đổ vỡ, cung cấp thêm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu rút vốn của khách hàng.

Hy vọng ở đây là các biện pháp này sẽ “cho phép Fed tiếp tục theo đuổi chương trình chống lạm phát” - theo ông William Dudley, Chủ tịch Fed chi nhánh New York trong thời gian từ 2009-2018. “Nhưng liệu các ông có dủ công cụ cho công việc không? Nếu có nhiều mục tiêu cùng lúc, các ông cần phải có nhiều công cụ”, ông Dudley nói.

Nhà chức trách đã kích hoạt một phương thức mang tính chất “ngoại lệ vì rủi ro hệ thống” khi cho phép FDIC bảo lãnh cả những khoản tiền gửi không thuộc diện bảo hiểm ở SVB và Signature Bank. Và như vậy, sẽ là một sự “mất kết nối” nếu Fed tăng lãi suất vào tuần tới - theo ông Eric Rosengren, người từng là Chủ tịch Fed chi nhánh Boston từ 2007-2021. “Tại sao lại tăng lãi suất nếu như các ông đang lo ngại về một vấn đề mang tính hệ thống đối với nền kinh tế Mỹ?” ông Rosengren đặt câu hỏi.

Các chuyên gia kinh tế của ngân hàng Barclays, sau khi dự báo vào tuần trước rằng Fed sẽ nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 21-22/3, vào ngày thứ Hai dự báo Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp này và để ngỏ khả năng có thêm một vài lần tăng nữa một khi cuộc khủng hoảng hiện nay lắng xuống. Ngày Chủ nhật, các chuyên gia kinh tế của ngân hàng Goldman Sachs cũng dự báo Fed sẽ giữ nguyên lãi suất vào tuần tới.

Một số chuyên gia khác, bao gồm chuyên gia kinh tế trưởng về Mỹ của ngân hàng JPMorgan Chase, ông Michael Feroli, dự báo Fed vẫn nâng lãi suất với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm trong lần họp này.

TÌNH THẾ TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN CỦA FED

Nhằm chống lạm phát, Fed tăng lãi suất để khiến các điều kiện tài chính trở nên thắt chặt - bao gồm chi phí đi vay đắt đỏ hơn, giá cổ phiếu giảm xuống và đồng USD mạnh lên - qua đó khiến nhu cầu bị siết lại và nền kinh tế giảm tốc. Nhưng hiệu ứng của việc tăng lãi suất không xảy ra ngay tức thì, và có thể so sánh với việc cố gắng lấy tương cà chua ra khỏi một cái chai thuỷ tinh. Việc lắc cái chai liên tục lúc đầu chẳng mang lại kết quả gì, nhưng cuối cùng lại khiến quá nhiều tương cà bị đổ ra.

Chênh lệch tín dụng (credit spreads) gia tăng, khiến cho việc vay nợ trở nên đắt đỏ và tốn kém hơn đối với các ngân hàng và doanh nghiệp, có thể dẫn tới việc hoạt động cho vay sụt giảm quá nhanh và quá nhiều so với mong muốn của Fed.

“Dù Fed muốn thắt chặt điều kiện tài chính để kiềm chế tổng cầu, họ không muốn việc đó xảy ra một cách vượt khỏi tầm kiểm soát, gây tổn thấy cho người đóng thuế. Và dù họ muốn tín dụng đắt đỏ hơn, họ không muốn những người đáng được vay tiền bị mất cơ hội ở bất kỳ giá nào”, chuyên gia Feroli của JPMorgan Chase nhận định.

Tháng trước, giới chức Fed nói rằng việc tăng lãi suất theo từng bước nhỏ hơn sẽ cho phép họ đánh giá kỹ hơn về hiệu ứng của những đợt tăng lãi suất nhanh và mạnh trong năm ngoái, qua đó giảm bớt rủi ro của việc tăng lãi suất quá nhiều.

Những trước khi SVB bị rút vốn ồ ạt vào tuần trước, ông Powell đã để ngỏ khả năng tăng lãi suất với bước nhảy lớn hơn trong cuộc họp tháng 3, trong bối cảnh có những tín hiệu cho thấy nền kinh tế lại đang tăng tốc ngoài dự kiến. “Không có dữ liệu nào cho tôi thấy rằng chúng tôi đã thắt chặt quá nhiều”, ông Powell nói trong cuộc điều trần hôm 7/3 trước Uỷ ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ.

Cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ diễn biến tiếp theo như thế nào là điều không ai dám chắc, nhưng một số nhà phân tích cảnh báo vào ngày thứ Hai rằng những biến cố mấy ngày qua có thể dẫn tới những thay đổi căn bản trong cách thức vận hành của hệ thống ngân hàng. Nếu các ngân hàng đối mặt với sự giảm sút liên tục của các giao dịch tiền gửi không được bảo hiểm của khách hàng doanh nghiệp, họ sẽ giảm cấp vốn tín dụng, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ - lực lượng tạo công ăn việc làm quan trọng trong nền kinh tế.

Vào năm 2008, Fed có những thời điểm chần chừ trong việc cắt giảm lãi suất khi cuộc khủng hoảng tài chính ngày càng trở nên căng thẳng vì một số nhà hoạch định chính sách trong Fed lo ngại về lạm phát bị đẩy lên cao do giá dầu tăng vọt. Nhưng hiện tại, lạm phát lõi - không bao gồm hai nhóm mặt hàng có nhiều biến động là thực phẩm và năng lượng - đang cao hơn nhiều so với ở thời điểm đó, đặt ra một “bài kiểm tra” khó hơn đối với Fed.

Một rủi ro khác nằm ở việc nếu Fed trở nên kém quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống lạm phát và cuộc khủng hoảng này được giải quyết nhanh hơn, vấn đề lạm phát có thể trở nên trầm trọng hơn. Vào năm 1998, thị trường tài chính Mỹ đã tăng mạnh sau khi Fed cắt giảm lãi suất để ứng phó với vụ sụp đổ của quỹ phòng hộ Long-Term Capital Management.

“Đây là một hộp công cụ dành cho Fed. Yêu cầu đầu tiên của doanh nghiệp đối với Fed là đảm bảo hệ thống ngân hàng khoẻ mạnh và ổn định. Nhưng nếu những biện pháp này khiến cho các điều kiện tài chính nới lỏng, sẽ không thể biết được áp lực lạm phát sẽ đi chệch hướng như thế nào”, bà Swonk nhận định.