13:25 19/06/2012

Khủng hoảng ngân hàng tiết kiệm khiến Hàn Quốc chao đảo

An Huy

Thị trường bất động sản xuống dốc, số vụ vỡ nợ tăng, khiến vài chục ngân hàng tiết kiệm của Hàn Quốc phải đóng cửa

Thông báo đóng cửa bên ngoài một ngân hàng tiết kiệm ở Seoul - Ảnh: Bloomberg.
Thông báo đóng cửa bên ngoài một ngân hàng tiết kiệm ở Seoul - Ảnh: Bloomberg.
Tháng trước, nữ nhân viên của một ngân hàng Hàn Quốc treo cổ tự vẫn trong một nhà nghỉ ở Seoul, vào đúng ngày mà lẽ ra cô này bị các công tố viên thẩm vấn.

Cảnh sát chỉ cho biết, người phụ nữ này họ Kim, nhân viên tín dụng của Mirae Mutual Savings Bank, một ngân hàng tiết kiệm đã bị đóng cửa trước khi cô này treo cổ. 3 tuần trước vụ tự tử của Kim, Chủ tịch của ngân hàng tiết kiệm này bị phát hiện và bắt giữ khi đang dùng thuyền câu cá để tẩu thoát sang Trung Quốc.

Kim là nạn nhân mới nhất của cuộc khủng hoảng đang khiến lĩnh vực ngân hàng tiết kiệm (savings bank) ở xứ Kim chi chao đảo suốt hơn 1 năm qua.

Theo hãng tin tài chính Bloomberg, đến nay, các nhà chức trách Hàn Quốc đã đóng cửa 20 ngân hàng tiết kiệm yếu kém nhất của nước này. Qua điều tra, các công tố viên phát hiện thấy hoạt động cho vay ngầm, tình trạng giám sát lỏng lẻo tại các ngân hàng này. Gần 200 người đã bị truy tố và đã có ít nhất 2 người phải ngồi tù. Cảnh sát cho biết, 4 sếp và nhân viên ngân hàng đã tự tử. Trong khi đó, hơn 88.000 người gửi tiền và trái chủ, trong đó có nhiều người hưu trí, ngậm ngùi chứng kiến 1.000 tỷ Won (tương đương 857 triệu USD) tiền tiết kiệm nằm ngoài giới hạn được bảo hiểm của họ “tan tành mây khói”.

“Ai cũng là nạn nhân của cuộc khủng hoảng này. Các nhà chức trách mất niềm tin của dân. Ngành ngân hàng tiết kiệm mất tín nhiệm, yếu tố quan trọng nhất đối với một công ty tài chính. Còn người dân thì mất tiền”, ông Nam Joo Ha, giáo sư kinh tế thuộc Đại học Sogang ở Seoul, nhận xét.

Lĩnh vực ngân hàng tiết kiệm xuất hiện ở Hàn Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998. Các nhà chức trách nước này vào năm 2001 đã cho phép các tổ chức cho vay tư nhân và hợp tác xã nông thôn “tự phong” là ngân hàng tiết kiệm nhằm tăng cường niềm tin của khách hàng. Sau đó, Chính phủ Hàn Quốc đưa các ngân hàng này vào diện bảo hiểm tiền gửi như các ngân hàng lớn, cho phép ngân hàng tiết kiệm phát triển mạnh, với tốc độ tăng trưởng tiền gửi bùng nổ. Đến năm 2006, Hàn Quốc tiếp tục nới lỏng các quy định cho vay đối với các ngân hàng tiết kiệm.

Ngày càng ăn nên làm ra, các ngân hàng tiết kiệm bắt đầu nhảy vào cho vay bất động sản. Và đây chính là bước đi sai lầm dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay. Các vụ vỡ nợ gia tăng có liên quan tới bất động sản do thị trường địa ốc suy giảm ở Hàn Quốc sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đã dẫn tới tình trạng thiếu vốn và thắt chặt thanh khoản ở các ngân hàng tiết kiệm.  Đó chính là nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay trong các nhà băng này.

Để vượt qua cảnh “đói” vốn, các ngân  hàng tiết kiệm phát hành trái phiếu hạng hai để bán cho khách hàng. Đây là loại trái phiếu có mức độ ưu tiên thanh toán thấp trong trường hợp nhà phát hành vỡ nợ. Trái phiếu hạng hai trở nên phổ biến ở Hàn Quốc, đặc biệt trong tầng lớp người cao tuổi sống phụ thuộc vào tiền lãi từ các khoản tiết kiệm. Lãi suất trái phiếu hạng hai có lúc lên tới 10%, cao gấp đôi lãi suất gửi tiết kiệm tại các ngân hàng lớn.

Vào tháng 1 năm ngoái, Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc bắt đầu đình chỉ hoạt động của những ngân hàng tiết kiệm không đủ vốn. Những vụ đóng cửa đầu tiên khiến người gửi tiết kiệm hoảng loạn, đổ xô rút tiền ở các ngân hàng tiết kiệm khác. Kết quả là có thêm nhiều vụ đóng cửa nữa.

Hôm 6/5, nhà chức trách Hàn Quốc công bố đóng cửa 4 ngân hàng tiết kiệm bao gồm cả Korea Savings Bank - nhà băng có hơn 10.000 khách hàng gửi tiền, trong đó có bà nội trợ Je Mi Young, 50 tuổi, người Seoul. Hai ngày trước đó, bà Je khấp khởi vui mừng khi nhận được tin nhắn từ Korea Savings Bank cho biết, khoản tiết kiệm 10 triệu Won của bà sẽ đáo hạn trong 3 ngày sau đó. Nhưng sự vui mừng này đã chuyển thành nước mắt vào buổi sáng 6/5, khi màn hình TV phát đi thông tin ngân hàng bà Je gửi tiền đã bị đóng cửa.

Khoản tiết kiệm của bà Je được cứu vãn, vì nằm trong giới hạn bảo hiểm 50 triệu Won theo quy định của Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc (KDIC). Tuy nhiên, bà Je vẫn khóc vì số tiền 40 triệu Won mà bà mua trái phiếu hộ người mẹ già 80 tuổi từ Korea Savings Bank đã “không cánh mà bay”. “Tôi ước đây chỉ là một cơn ác mộng. Tôi đã luôn tự hỏi, tại sao lại có những người ngu ngốc gửi đồng tiền quý giá của họ vào những ngân hàng không ra gì. Giờ thì tôi cũng như họ. Tôi không biết sẽ nói gì với mẹ tôi nữa”, bà Je nói.

Thủ tướng Hàn Quốc Kim Hwang Sik cũng là nạn nhân của các vụ đóng cửa ngân hàng tiết kiệm. Một phát ngôn viên của ông Kim cho biết, ông mất 40 triệu Won khi ngân hàng Jeil Savings Bank ở Seoul bị đóng cửa vào tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên, số tiền nằm trong giới hạn được bảo hiểm nên ông Kim đã được KDIC hoàn trả.

Ông Jeong Gu Haeng, Giám đốc một chi nhánh của Jeil Savings Bank, là người đầu tiên tự tử trong cuộc khủng hoảng ngân hàng tiết kiệm của Hàn Quốc. Vào ngày 23/9 năm ngoái, ông này nhảy từ lầu 6 tòa nhà văn phòng nơi ông đang làm việc ở Seoul. Đến tháng 10, Chủ tịch của ngân hàng này là ông Yoo Dong Cheon đã bị cảnh sát bắt giữ vì bị tình nghi biển thủ công quỹ và vi phạm kỷ luật công tác.

Đến nay, khách hàng đã rút tiền khỏi các ngân hàng tiết kiệm ở Hàn Quốc tháng thứ 7 liên tiếp. Tiền gửi tại các ngân hàng này đã giảm 23%, xuống mức 54,8 nghìn tỷ Won, mức thấp nhất trong 4 năm - theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc. Trong khi đó, tiền gửi tại các ngân hàng lớn của nước này tăng 4,4% lên mức kỷ lục 963 nghìn tỷ Won.

“Ngành ngân hàng tiết kiệm đang trở lại với đúng vị trí của nó: những ngân hàng nhỏ cấp địa phương chuyên cấp vốn vay cho những khách hàng có độ khả tin thấp”, ông Jeong Yong Sik, một nhà nghiên cứu thuộc viện Samsung Economic Research Institute, nhận xét.

Chính phủ Hàn Quốc hiện đang thảo luận các biện pháp điều chỉnh luật về hoàn trả tiền gửi cho hơn 1 triệu khách hàng gửi tiền tại các ngân hàng tiết kiệm. Số 70.650 người gửi tiền có tài khoản vượt giới hạn bảo hiểm 50 triệu Won, cùng với 17.445 trái chủ của các ngân hàng này, sẽ phải “xếp hàng đòi nợ” với tư cách chủ nợ khi các ngân hàng này thực hiện thủ tục phá sản, hoặc đòi thông qua các vụ kiện dân sự.

Trong khi đó, để giảm thiểu tình trạng gián đoạn cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ, đối tượng phụ thuộc vào nguồn vốn từ các ngân hàng tiết kiệm, Chính phủ Hàn Quốc đang cung cấp các khoản vay quy mô nhỏ với sự đảm bảo của Chính phủ.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Hàn Quốc Kim Seok Dong hôm 9/5 phát biểu, quy trình tái cơ cấu ngân hàng tiết kiệm ở Hàn Quốc đã hoàn tất. Giờ là lúc thị trường sẽ quyết định xem lĩnh vực này có thể tiếp tục tồn tại hay không.