06:29 17/05/2007

Khuynh hướng tiêu dùng mới

Trần Xuân Thái

Về nguyên tắc, tốc độ sáng tạo và cải tiến sẽ là yếu tố cạnh tranh quyết định tại thị trường bán lẻ Việt Nam, đặc biệt là sáng tạo

Việc hiện đại hóa ngành kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam sẽ tiến triển với tốc độ tương đối mạnh hơn trong tương lai, so với nhiều nước khác trong khu vực - Ảnh: VT.
Việc hiện đại hóa ngành kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam sẽ tiến triển với tốc độ tương đối mạnh hơn trong tương lai, so với nhiều nước khác trong khu vực - Ảnh: VT.
Người tiêu dùng Việt Nam ngày nay được lựa chọn và quyết định mặt hàng và dịch vụ đang được ưa chuộng. Các nhu cầu này sẽ là điều kiện tiên quyết định hướng tốc độ và xu hướng hiện đại hóa cũng như việc phát triển thị trường hàng tiêu dùng và bán lẻ tại Việt Nam.

Theo một nghiên cứu gần đây, đối với các nhà đầu tư, Việt Nam ngày nay được coi như một trong số các quốc gia mà ngành bán lẻ có sức hấp dẫn hàng đầu thế giới. Tính theo chỉ số kết hợp giữa tiềm năng phát triển và các rủi ro quốc gia, thì Việt Nam, Nga và n Độ là 3 quốc gia có thị trường bán lẻ mạnh nhất.

Nếu đo lường mức độ tăng trưởng các mặt hàng tiêu dùng trong năm 2006, so với 2005 trong khu vực, Việt Nam là nước đứng đầu với mức tăng trưởng là 20%, trong khi Trung Quốc là 11% và Thái Lan, Malaysia, Philippines là dưới 5%.

Lĩnh vực được gọi là mô hình kinh doanh hiện đại đã đạt một con số còn tương đối khiêm nhường, chỉ chiếm 12% thị phần trong thị trường bán lẻ hàng tiêu dùng tại Việt Nam. Vì vậy cũng khá an toàn khi cho rằng thị phần kinh doanh hiện đại chắc chắn sẽ tăng lên. Vấn đề được đặt ra là thị phần này sẽ tăng với tốc độ như thế nào?

Trước tiên phải kể đến đó là chính sách của Nhà nước, trong đó cơ bản phải cân bằng quyền lợi hợp pháp của khu vực bán lẻ truyền thống với các lợi ích kinh tế và kỹ thuật có thể đạt được trong việc hiện đại hóa dần dần lĩnh vực bán lẻ. Yếu tố này đóng vai trò quyết định.

Tuy nhiên, cũng cần phải cân nhắc thói quen mua sắm đặc thù vẫn còn tồn tại ở Việt Nam. Theo đó, 90% các bà nội trợ Việt Nam đi chợ mỗi ngày, mặc dù hầu hết các hộ gia đình ở thành thị đều có tủ lạnh, đơn giản vì họ muốn có các nguyên liệu thực phẩm tươi sống.

Ngoài ra, khoảng cách đến nhà và đến sở làm, chi phí thấp để đảm bảo tính cạnh tranh, cơ sở hạ tầng thô sơ (từ đó giảm chi phí sản xuất) cũng cho thấy các mặt thuận lợi khác của chợ truyền thống so với mô hình kinh doanh hiện đại. Việc hiện đại hóa ngành kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam sẽ tiến triển với tốc độ tương đối mạnh hơn trong tương lai, so với nhiều nước khác trong khu vực. Vì thế nó cũng cho phép phát triển mạnh mẽ hơn các mặt hàng đặc biệt, như chuỗi cửa hàng bán xe gắn máy, chuỗi siêu thị điện máy, quán cà phê...

Tầng lớp trung lưu được biết đến như những người tiêu xài nhiều và tiết kiệm ít, họ sử dụng thu nhập sẵn có tăng đều để tiếp cận các sản phẩm mới. Một khi sản phẩm mới này được chấp nhận, họ sẽ tiếp tục sử dụng những mẫu mã mới và có cải tiến khi chúng xuất hiện trên thị trường. Về nguyên tắc, tốc độ sáng tạo và cải tiến sẽ là yếu tố cạnh tranh quyết định tại Việt Nam; đồng thời sự sáng tạo sẽ phải được thực hiện với tốc độ cao hơn mới có thể chiếm vị trí dẫn đầu.

Đây cũng là thời kỳ ngành công nghiệp cần phải chú trọng tới nhiều phân khúc trong lĩnh vực cung cấp hàng hóa, và một mặt còn phải phát triển các mặt hàng cao cấp để “cung ứng” cho những thượng đế là tầng lớp trung lưu. Mặt khác, phải tiếp tục giới thiệu các sản phẩm với giá cả vừa phải cùng lúc với các sản phẩm “chất lượng cao giá cả hợp lý”, để tầng lớp trung lưu này có thể tiếp cận các chủng loại sản phẩm mới, theo kiểu xài qua cho biết.

Thật thú vị khi phân tích nguyên nhân và động lực phát triển của các chủng loại hàng hóa trong công nghiệp hàng tiêu dùng Việt Nam. Đặc biệt đối với các chủng loại có liên quan tới lối sống thường nhật của con người, đến tập quán truyền thống ở Việt Nam. Theo đó, 62% người Việt Nam ở thành thị không ăn cơm nhà mỗi ngày và 9/10 người được hỏi trả lời rằng yêu thích thức ăn nhanh của Việt Nam hơn so với cùng chủng loại của các nước phương Tây (bao gồm cả chuỗi thức ăn nhanh của Hàn Quốc và Philippines).

Việc mua thức ăn của các bà nội trợ Việt Nam, các chủng loại hàng hóa được mua nhiều nhất không có gì đáng ngạc nhiên rằng những thứ ấy đều phát sinh từ tập quán địa phương: nước mắm, bột ngọt, mì ăn liền, dầu ăn, trà và cà phê... Cho dù một số chủng loại hàng hóa phương Tây cũng tăng trưởng nhanh nhưng chưa có chủng loại nào đạt tới mức chủ đạo tại Việt Nam, trừ một trường hợp ngoại lệ, đó là sản phẩm từ sữa.

Xu hướng toàn cầu đã vươn tới các đô thị Việt Nam. Các gia đình hạt nhân với số thành viên ít hơn cũng khiến cho quy mô cung ứng cũng ngày càng trở nên quan trọng. Trong hình tượng một cái bánh, Việt Nam chắc chắn sẽ tạo nhiều cơ hội khá hào hứng cho thức ăn phương Tây, nhưng có gì hứa hẹn đối với phân khúc thức ăn nhanh của Việt Nam không?

Sẽ không có gì lấy làm vui, nếu một ngày nào đó không thấy các chuỗi cửa hàng phở của Việt Nam phát triển và thành công toàn cầu.