10:25 15/12/2007

Kiểm soát giá: Nhiệm vụ bất khả thi?

Một loạt biện pháp có khả năng làm lành mạnh thị trường và áp dụng hoàn toàn hợp pháp đã không được sử dụng

Nhiều hành vi làm méo mó thị trường hiện đang rất phổ biến nhưng hầu như không thấy bàn tay can thiệp của Nhà nước.
Nhiều hành vi làm méo mó thị trường hiện đang rất phổ biến nhưng hầu như không thấy bàn tay can thiệp của Nhà nước.
Trước tình hình giá cả hàng hóa đang ngày càng leo thang, Chính phmới đây đã có Chỉ thị số 23 về những giải pháp điều hành nhằm kiểm soát lạm phát, bình ổn thị trường.

Trong đó, một số biện pháp được đề ra: “Tăng cường kiểm soát giá, không để tình trạng độc quyền doanh nghiệp về giá, định giá bất hợp lý, đầu cơ nâng giá...”.

Tại cuộc họp bàn về công tác điều hành kinh tế-xã hội từ nay đến Tết Nguyên đán Mậu Tý tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua, UBND Tp.HCM cũng chỉ đạo các sở thương mại và tài chính tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra thị trường, ngăn ngừa hiện tượng ghim hàng, tích trữ hàng để nâng giá, kiên quyết xử lý những vi phạm về Pháp lệnh Giá. Trong cuộc họp này, đại diện một số ban ngành tỏ ra lo lắng trước hiện tượng nhiều doanh nghiệp đang đầu cơ tích trữ hàng chờ tăng giá.

Qua những chỉ đạo trên, có thể thấy rõ mục tiêu tốt đẹp của Chính phủ cũng như chính quyền Tp.HCM. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ thì những biện pháp này thật khó có thể thực hiện, thậm chí mâu thuẫn với thực tế. Vì sao?

Vì thứ nhất, hiện vẫn đang tồn tại tình trạng độc quyền nhà nước trong một số lĩnh vực. Sản xuất, truyền tải và cung ứng điện thì có tập đoàn Điện lực Việt Nam; khai thác, cung ứng than và một số loại khoáng sản thì có Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; nhập khẩu xăng dầu do chín đầu mối doanh nghiệp quốc doanh; bưu chính viễn thông do tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và một số doanh nghiệp nhà nước nắm; sách giáo khoa do Nhà Xuất bản Giáo dục độc quyền...

Như vậy, “không để tình trạng độc quyền doanh nghiệp về giá” là làm sao? Chẳng lẽ, ngay lập tức xóa bỏ những doanh nghiệp nói trên?

Thứ hai, về biện pháp chống đầu cơ nâng giá hàng hóa. Theo quy định tại Bộ luật Hình sự, hành vi đầu cơ chỉ có thể trở thành tội phạm khi người nào lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh để mua vét hàng hóa có số lượng lớn nhằm bán lại thu lợi bất chính, gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài trường hợp trên, không có quy định nào của pháp luật cấm đầu cơ tích trữ hàng hóa cả. Và với những trường hợp như vậy, căn cứ vào cơ sở pháp lý nào để “bắt giò” và xử lý việc ghim hàng chờ tăng giá của các doanh nghiệp?

Rõ ràng, những biện pháp kiểm soát, bình ổn thị trường kể trên rất ít tính khả thi. Trong khi đó, điều hết sức ngạc nhiên là một loạt biện pháp khác có khả năng làm lành mạnh thị trường và áp dụng hoàn toàn hợp pháp đã được quy định bởi Luật Cạnh tranh lại không được sử dụng.

Ví dụ, các quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (thỏa thuận ấn định giá cả hàng hóa; thỏa thuận phân chia thị trường; thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp tham gia thị trường...); các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường (áp đặt giá mua, giá bán bất hợp lý; ấn định giá bán lại tối thiểu, gây thiệt hại cho khách hàng; hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa...); các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền; các hành vi tập trung kinh tế bị cấm; các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm...

Có thể nói, nhiều hành vi làm méo mó thị trường như trên hiện đang rất phổ biến nhưng hầu như không thấy bàn tay can thiệp của Nhà nước. Vai trò của cơ quan quản lý cạnh tranh, theo đó, dường như cũng bị quên lãng.

Điều đó nói lên hai vấn đề: một, là nếu Luật Cạnh tranh chưa đi vào cuộc sống thì cần xem xét sửa đổi, bổ sung để nó thực sự trở thành công cụ đắc lực trong việc làm lành mạnh thị trường. Hai, là nếu không phải như vậy thì cần xem lại biện pháp điều hành của cơ quan quản lý.