09:31 11/02/2012

Kiểm tra tiền lương tại EVN: Không biết thu nhập của lãnh đạo!

Từ Nguyên

Có một thông tin khá quan trọng là thu nhập của lãnh đạo ở EVN bao nhiêu, đoàn kiểm tra của Bộ lại trả lời: Không biết!

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng, lương bình ở EVN cũng chỉ ở mức trung bình.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng, lương bình ở EVN cũng chỉ ở mức trung bình.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thừa nhận, mức chênh lệch tiền lương tại EVN khá lớn, song nếu tính bình quân chung thì cũng chỉ ở mức trung bình.

Tại buổi họp báo công bố kết quả kiểm tra việc thực hiện cơ chế tiền lương tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chiều 10/2, cả đại diện lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Thứ trưởng Phạm Minh Huân) và lãnh đạo EVN (Phó tổng giám đốc Đinh Quang Tri) đã lý giải hầu hết những thắc mắc của báo giới trong công tác thực hiện chi trả lương cho người lao động tại tập đoàn.

Tuy nhiên, có một thông tin khá quan trọng, được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là thu nhập của lãnh đạo ở EVN là bao nhiêu, thì đoàn kiểm tra của Bộ lại trả lời: Không biết!

VnEconomy giới thiệu cuộc đối chất giữa báo giới với đại diện lãnh đạo hai cơ quan trên.

Thưa Thứ trưởng, trong báo cáo kiểm tra của Bộ tại sao chỉ có thông tin về lương bình quân của EVN năm 2010 khoảng trên 7,3 triệu đồng/người/tháng mà không có mức lương 13 triệu đồng/tháng như một số thông tin trước đây?

Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Tôi không rõ số liệu đó báo chí lấy từ đâu. Còn số liệu chúng tôi kiểm tra, công bố và đối chiếu với số liệu của Kiểm toán Nhà nước là tương đối giống nhau. Còn vừa qua, có báo nêu lương ở EVN 7,3 triệu đồng/tháng, có báo nêu 13 triệu đồng, thậm chí 29 triệu đồng... là do có thể là họ dẫn nguồn của ai đó phát biểu, nhưng đó là số liệu không chính xác.

Còn nếu tính cụ thể thì mức bình quân chung toàn tập đoàn năm 2010 là 7,628 triệu/tháng, Công ty mẹ 14,105 triệu đồng/tháng, khối truyền tải là 11,403 triệu đồng, khối phát điện là 10, 387 triệu đồng và khối phân phối là 6,765 triệu đồng/tháng.

Tại sao năm 2010 EVN bị lỗ hàng nghìn tỷ đồng, nhưng lương trả cho cán bộ, nhân viên lại cao hơn các năm có lãi?

Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri: Năm 2010 là năm đầu tiên EVN bị lỗ. Nguyên nhân thì chúng tôi đã công bố công khai từ mấy tháng trước (hạn hán, phát dầu, chênh lệch tỷ giá...). Chúng tôi cũng đã báo cáo và kiến nghị lên Thủ tướng, nếu không có cơ chế tiền lương đặc thù thì lao động sẽ bỏ đi hết vì hiện không chỉ có EVN làm điện.

Trong đơn giá tiền lương 2010, với đơn vị tăng trưởng sản lượng điện thấp thì đơn giá tiền lương chỉ tương đương năm 2009, nhưng có đơn vị hoàn thành tốt, sản lượng vượt kế hoạch, hiệu quả kinh doanh cao, khi nhân với sản lượng thì quỹ lương sẽ cao hơn một chút, nên khi chia cho đầu người thu nhập sẽ nhỉnh hơn.

Tôi khẳng định rằng, gần 100 nghìn lao động tại EVN không thể hy sinh lương, lợi ích của mình chỉ vì phải chấp hành việc đảm bảo phát điện cho cả nền kinh tế.

Ông Phạm Minh Huân: Hiện nay công ty mẹ của EVN có hơn 3.200 người, văn phòng EVN có hơn 332 người. Có thể trong văn phòng chỉ có một bộ phận nhỏ làm công tác văn thư, lái xe... còn lại đại bộ phận là lao động “tinh túy” nhất của tập đoàn, họ vừa làm quản lý, vừa làm công tác đầu tư nên hệ số lương ở khối đó cao hơn 1,61 lần so với mức bình quân chung.

Còn chuyện năm 2010 EVN thua lỗ mà lương vẫn tăng là do đơn giá lương ngành điện được tính theo điện thương phẩm. Năm 2010, điện thương phẩm tăng 14,51% so với 2009, nếu đơn giá giữ nguyên thì năm 2010 sẽ tự động tăng đúng bằng thế, tức phải tăng trên 14,5%.

Tuy nhiên, do năm 2010 EVN bị lỗ nên Thủ tướng chỉ cho phép lương 2010 bằng 95% lương 2009. Hơn nữa để tăng sản lượng điện thì phải tăng thêm nhân lực, nên rốt cuộc lương 2010 chỉ tăng 6,6%.

Tôi cũng đồng tình rằng, nếu vì thua lỗ do khách quan mà đưa lương của ngành điện về mức thấp thì chắc không ai làm điện nữa.

Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, lương tại EVN chỉ ở mức trung bình thôi. Tuy nhiên, chúng tôi đồng tình với báo chí là ngành điện phải dần minh bạch hơn nữa. Xã hội chắc chắn sẽ đồng thuận nếu những người làm trong ngành điện làm tốt, hiệu quả thì thu nhập tất yếu phải tương xứng.

Tiền lương, thu nhập cao nhất ở EVN là bao nhiêu? Cá nhân đồng chí Phó tổng giám đốc hiện đang hưởng lương bao nhiêu?

Ông Phạm Minh Huân: Tổng thu nhập đối với cán bộ quản lý ở EVN thì Bộ không nắm được cụ thể vì khi nhận thù lao ở các đơn vị mà cán bộ quản lý EVN làm đại diện, các đơn vị đó đã chuyển thẳng vào tài khoản cá nhân của từng người.

Còn lương cao nhất khoảng 51 triệu đồng/tháng với vị trí Chủ tịch Hội đồng Thành viên tập đoàn.

Ông Đinh Quang Tri: Lương của tôi hiện nay khoảng 40 triệu đồng/tháng.

Nhưng một số nguồn tin cho rằng, thu nhập của lãnh đạo ở EVN lên tới hàng trăm triệu đồng/tháng?

Điều đó cũng có thể, vì như đã nói ở trên, thu nhập của một số cán bộ cán bộ EVN là người đại diện phần vốn ở các doanh nghiệp có vốn góp của tập đoàn. Thực tế một số viên chức quản lý của EVN, khi tham gia đại diện phần vốn ở một số doanh nghiệp đã nhận trực tiếp các khoản thù lao do các doanh nghiệp này trả mà không nộp lại cho tập đoàn để thực hiện phân phối lại theo quy định.

Tuy nhiên, vấn đề này, năm 2010 Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện ra, đã có khuyến nghị và những người được trả thù lao cũng đã nộp lại số tiền đó về cho tập đoàn.

Tại sao công tác tiền lương tại EVN có khá nhiều bất cập, vi phạm quy định như vậy nhưng trong nhiều năm liền Bộ không phát hiện ra? Việc Bộ lập đoàn kiểm tra chỉ là sau những phản ánh của báo chí?

Ông Phạm Minh Huân: Không phải EVN sai sót nhiều mà cơ quan quản lý không biết. Trước đó Kiểm toán Nhà nước cũng đã làm và có kiến nghị. Còn chúng tôi cũng đã có kiểm tra rồi.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và Hội đồng Thành viên tập đoàn chưa thường xuyên. Hằng năm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính cũng chỉ mới tập trung vào việc thẩm định đơn giá tiền lương kế hoạch đối với công ty mẹ và Hội đồng thành viên thẩm định đơn giá tiền lương đối với các công ty con theo tiêu chí sản xuất, kinh doanh, lao động, tiền lương do các đơn vị đề xuất nên chưa kịp thời phát hiện các sai phạm để uốn nắn các đơn vị thực hiện đúng quy định.

Ông Đinh Quang Tri: Để xảy ra những tồn tại trong vấn đề tiền lương tại EVN là do lực lượng làm công tác tiền lương tại tập đoàn này quá mỏng, chỉ có 5 người, trong khi từ năm 2008 trở về trước chúng tôi có hẳn một ban lao động tiền lương.

Quả thật, làm công tác tiền lương bây giờ phức tạp, khó khăn hơn nhiều vì nó phải gắn với hiệu quả sản xuất nên cán bộ phải am hiểu chuyên sâu, toàn diện hơn mới đảm nhiệm được.

Sai sót mà đoàn kiểm tra của Bộ chỉ ra đó là ở một số đơn vị cấp dưới của EVN, do cán bộ làm công tác tiền lương không nghiên cứu kỹ trước khi tham mưu cho lãnh đạo. Theo khuyến nghị của đoàn kiểm tra chúng tôi đã chỉ đạo, uốn nắn lại.

Sau khi kết thúc kiểm tra tại EVN, Bộ có tiếp tục triển khai tại các đơn vị, ngành khác?

Ông Phạm Minh Huân: Vừa qua, trong chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ đã giao cho Bộ chúng tôi phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu cơ chế tiền lương của viên chức quản lý, của người lao động nên chắc chắn sẽ động chạm đến nhiều ngành khác chứ không chỉ có EVN hay dầu khí, viễn thông... Thủ tướng cũng yêu cầu phải trình trong năm nay.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, làm công tác tiền lương khó lắm, lương doanh nghiệp thì phải theo thị trường, trong khi nhiều người cứ căn cứ vào lương hành chính để yêu cầu kéo xuống. Với EVN, tổng chi phí cho quỹ lương của tập đoàn chỉ chiếm khoảng 5,5% giá thành sản xuất, kinh doanh điện.