15:40 04/06/2019

Kiến nghị hoãn xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp bỏ trốn

Nhật Dương

Việc sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh trong thời gian tới cần tạm hoãn xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp bỏ trốn, đây là việc làm hết sức cần thiết

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

"Không thể thu hút đầu tư bằng mọi giá để bảo vệ quyền lợi của người lao động khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Doanh nghiệp có ý đồ không tốt trong đầu tư không thể coi Việt Nam là môi trường kinh doanh "dễ dãi", hay "thiên đường" để thực hiện hành vi trốn thuế, lừa đảo người lao động".

Đó là nhấn mạnh của ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, cách thức phòng ngừa và giải quyết quyền lợi của người lao động tại doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn, ngày 4/6 tại Hà Nội.

Còn nhiều khoảng trống pháp lý

Theo bà Trần Thị Thanh Hà, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện tình trạng phá sản, rút giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng tăng lên. Dù khó để có báo cáo đầy đủ do hạn chế trong báo cáo của các địa phương, nhưng theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì tính đến ngày 31/10/2018, số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi là 6.760 tỷ đồng.

Riêng đối với doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, rút giấy phép kinh doanh, chủ bỏ trốn tính tính đến tháng 9/2018 là 2.270 doanh nghiệp, với số nợ bảo hiểm xã hội phải tính lãi khoảng 147 tỷ đồng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của khoảng 17.728 người lao động.

Điển hình nhất là vụ bỏ trốn của chủ Công ty TNHH KL Texwell Vina, 100% vốn Hàn Quốc, ở khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai vào dịp cận Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Tổng số tiền lương còn nợ của vụ việc này là 13,7 tỷ đồng, 16,3 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến 1.900 người lao động.

Cũng theo bà Hà, trong số các địa phương, Tp.HCMh được xem là "điểm nóng" diễn ra tình trạng doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn. Đơn cử như vụ việc của Công ty TNHH BumJin Vina (khu công nghiệp Vĩnh Lộc, quận Bình Tân), ông chủ người Hàn Quốc cũng bỏ trốn với số tiền nợ lương là 3,4 tỷ đồng, nợ 1,5 tỷ đồng tiền thưởng, 731 triệu đồng tiền tiền trợ cấp và 2,8 tỷ đồng bảo hiểm xã hội còn nợ của người lao động.

Phân tích về những nguyên nhân, bà Hà cho rằng, phần đông do các doanh nghiệp khó khăn về kinh tế do lựa chọn ngành nghề đầu tư không phù hợp, dẫn đến trốn tránh nghĩa vụ về thuế. Thậm chí, có những doanh nghiệp FDI kinh doanh không lành mạnh, lợi dụng kẽ hở của pháp luật Việt Nam cũng như chính sách "trải thảm đỏ" trong thu hút đầu tư của nhà nước để tận dụng ưu đãi, chiếm đoạt tiền lương, các khoản trợ cấp của người lao động rồi bỏ trốn.

Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng này, theo bà Hà là có nhiều nguyên nhân, song thừa nhận có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi chưa phát hiện chưa kịp thời vụ việc, đặc biệt là sự phối hợp giữa cơ quan thuế và bảo hiểm xã hội, bộ phận kế hoạch và đầu tư chưa là có. Bên cạnh đó, việc đề ra các giải pháp phòng ngừa cũng còn hạn chế, nhất là chế tài xử phạt nợ lương, bảo hiểm xã hội hiện đang "có vấn đề".

Không thu hút đầu tư bằng mọi giá

Đánh giá về những tác động khi tình trạng doanh nghiệp phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng "hậu quả là rất nặng nề", trước hết người lao động mất việc làm, bởi vì khi doanh nghiệp nợ lương, bảo hiểm xã hội sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động. Sâu xa hơn chính là mất niềm tin đối với chủ doanh nghiệp cũng như môi trường đầu tư kinh doanh nói chung.

Ông Hiểu nhận định, tình trạng này đang diễn ra rất phức tạp trong thời gian qua, và dự báo còn phức tạp hơn trong thời gian tới. Dù các cấp công đoàn đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ cho người lao động, song ông Hiểu thừa nhận còn nhiều vấn đề rất lớn đặt ra, đặc biệt là khoảng trống về mặt pháp lý, trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật của các chủ đầu tư.

Trước những thực tế như vậy, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị với Chính phủ cần bổ sung vào luật những quy định pháp lý để giải quyết tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động, nhất là khi tiến hành tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

"Chúng tôi cũng kiến nghị sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh trong thời gian tới cần tạm hoãn xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp bỏ trốn, đây là việc làm hết sức cần thiết", ông Hiểu đề xuất.

Bên cạnh đó, ông Hiểu cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các tỉnh trong thu hút đầu tư cần lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực về tài chính, quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có ý thức tuân thủ pháp luật và trách nhiệm xã hội.

"Chúng ta không thu hút đầu tư bằng mọi giá, bởi như vậy mới bảo vệ quyền lợi của người lao động, sâu sa hơn chính là để doanh nghiệp có ý đồ không tốt trong đầu tư không thể coi Việt Nam là môi trường kinh doanh dễ dãi, là thiên đường để thực hiện hành vi trốn thuế, lừa đảo người lao động", ông Hiểu nhấn mạnh.