10:24 03/01/2008

Kinh tế EU đối mặt nhiều khó khăn

Trung Việt

Uỷ ban châu Âu (EC) vừa hạ thấp dự đoán tăng trưởng kinh tế của EU trong năm 2008 từ 2,5% xuống còn 2,2%

Kinh tế EU năm qua vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cao dự kiến gần 3% như năm 2006 và tạo thêm được hàng triệu việc làm mới.
Kinh tế EU năm qua vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cao dự kiến gần 3% như năm 2006 và tạo thêm được hàng triệu việc làm mới.
Năm 2007 vừa khép lại với nhiều thành công lớn của Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, các nhà phân tích đã cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế ở khu vực sử dụng đồng Euro và Uỷ ban châu Âu (EC) đã hạ thấp dự đoán tăng trưởng kinh tế của khu vực này trong năm 2008 từ 2,5% xuống còn 2,2%.

Năm 2007 là năm đánh dấu EU tròn 50 tuổi. Nửa thế kỷ hình thành và phát triển đã đưa EU lớn mạnh từ vẻn vẹn 6 nước ban đầu lên 27 thành viên với sức mạnh tổng hợp của 500 triệu dân và được đánh giá là một “hình mẫu về hoà bình và thịnh vượng” trên toàn cầu.

Khép lại một năm thành công

Kinh tế EU năm qua vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cao dự kiến gần 3% như năm 2006 và tạo thêm được hàng triệu việc làm mới. Trong ngân sách 2008 đã được các nước đồng ý, lần đầu tiên phần chi lớn nhất (chiếm 45% tổng mức chi của EU) được dành cho các biện pháp thúc đẩy kinh tế chung của 27 nước thành viên.

Công cuộc xây dựng EU cũng đã sang trang mới, khi ngày 13/12 lãnh đạo 27 nước EU ký dự thảo Hiệp ước Lisbon hay còn gọi là “Hiệp ước đơn giản mới”. Hiệp ước mới hủy bỏ quyền phủ quyết của các nước thành viên trong khoảng 50 lĩnh vực chính sách của khối. Đây là thành tựu mang bước đột phá, khép lại một trang khủng hoảng kéo dài nhiều năm qua ở EU trên con đường nhất thể hoá.

Niềm vui của người dân châu Âu còn được nhân lên khi vào dịp cuối năm 2007, Hiệp ước Schengen về tự do đi lại được mở rộng ra 9 nước EU nữa, khai thông các tuyến đường của 24 nước. Ngoài ra, năm 2007, EU còn ký các thoả thuận “bầu trời mở”, lập Hội đồng kinh tế xuyên Đại Tây Dương với Mỹ, tiếp tục xúc tiến Thoả thuận đối tác kinh tế với các nước khu vực châu Phi, Caribe và Thái Bình Dương (ACP)...

Tuy nhiên, với tình trạng rối ren dai dẳng ở các thị trường tài chính trong năm 2007, đồng Euro lên giá và giá dầu leo cao, những đám mây đen đang tích tụ che phủ nền kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Sau sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2006, kinh tế khu vực đồng Euro rõ ràng đã tiến triển tốt vào đầu năm 2007, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm trong quý I/2007 cao hơn mức dự đoán 0,8%. Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU) - trong tháng 5/2007 đã dự đoán kinh tế khu vực đồng Euro đạt mức tăng trưởng khoảng 2,6% năm 2007, cao hơn so với dự đoán trong tháng 11/2006 tới 0,5%.

Từ lạc quan đến bi quan

Tuy nhiên, tâm trạng lạc quan đó đã nhanh chóng tiêu tan khi các số liệu thống kê của quý 2/2007 được công bố. Tỷ lệ tăng trưởng của khu vực đồng Euro đã giảm 0,3% so với quý 1/2007, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2005.

Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động đầu tư đình trệ và có thể một phần là do các nhân tố nhất thời như hoạt động đầu tư xây dựng lại giảm xuống mức bình thường. Sức ép ngày càng tăng do đồng Euro mạnh và giá dầu kỷ lục đã đẩy nền kinh tế khu vực đồng Euro rơi vào tình trạng bất ổn trong những tháng cuối năm 2007.

Trong các dự báo sau cuộc khủng hoảng thị trường cầm cố thứ cấp ở Mỹ vừa qua, EC đã hạ thấp dự đoán tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng Euro trong năm 2008 từ 2,5% xuống còn 2,2%. Báo cáo hàng quý về khu vực đồng Euro mà EC công bố cho thấy, mặc dù ảnh hưởng của tình trạng hỗn độn này cho đến nay chủ yếu tập trung vào khu vực tài chính, song có nhiều dấu hiệu cho thấy các khu vực còn lại của nền kinh tế cũng có thể bị ảnh hưởng.

Cao ủy phụ trách vấn đề kinh tế và tiền tệ của EU Joaquin Almunia dự đoán, tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng Euro có thể giảm xuống còn 2%, hoặc thậm chí thấp hơn trong năm 2008. Tỷ lệ lạm phát hàng năm của khu vực đồng Euro đã tăng lên 3,1% hồi tháng 11 vừa qua. EC dự đoán lạm phát sẽ vẫn cao trong những quý tới, song sẽ giảm xuống còn khoảng 2% vào giữa năm 2008.

Các nhà phân tích cho rằng điều này sẽ đẩy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào tình thế khó xử, khi phải cân nhắc nâng lãi suất chủ đạo của khu vực đồng Euro, nhằm duy trì ổn định giá cả.

Trong đánh giá chung về trình hình thế giới năm 2008, một số chuyên gia cũng nhận đinh rằng: Sau vụ sụp đổ hệ thống tín dụng địa ốc thứ cấp nhiều rủi ro tại Mỹ kéo theo phản ứng dây chuyền làm thị trường tín dụng hầu như đóng băng, thì nguy cơ xảy ra suy trầm tại nền kinh tế Mỹ và châu Âu là hầu như khó tránh khỏi.