Kinh tế Mỹ giảm tốc, châu Âu khởi sắc
Đây là một dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể trở nên cân bằng hơn trong năm nay...
Hoạt động trong khu vực kinh tế tư nhân của Mỹ đã chậm lại trong tháng 4 này, trong khi kinh tế châu Âu và các nền kinh tế lớn khác tốt lên. Đây là một dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể trở nên cân bằng hơn trong năm nay.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) công bố hôm thứ Tư tuần này bất ngờ phản ánh hoạt động sản xuất và dịch vụ ở Mỹ giảm tốc khi bước sang quý 2. Trong khi đó, hoạt động ở khu vực eurozone tăng trưởng tháng thứ hai liên tiếp, một phần nhờ sự tăng trưởng trở lại ở Đức sau gần 1 năm chỉ có suy giảm.
Tương tự, theo tờ Wall Street Journal, các cuộc khảo sát nhà quản trị mua hàng ở Nhật Bản, Ấn Độ và Australia cũng cho thấy sự tăng tốc trong tháng 4. Ở Anh, hoạt động sản xuất và dịch vụ thậm chí tăng trưởng mạnh hơn dự báo, cho thấy nền kinh tế nước này đã trên đà phục hồi vững sau khi rơi vào một cuộc suy thoái nông vào cuối năm ngoái.
TÍN HIỆU TRÁI CHIỀU KINH TẾ MỸ VÀ CHÂU ÂU
Chỉ số PMI tổng hợp của Mỹ do công ty nghiên cứu S&P Global Market Intelligence thực hiện - một thước đo về hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ - giảm còn 50,9 điểm trong tháng 4, từ mức 52,1 điểm trong tháng 3. Mức trên 50 điểm thể hiện sự tăng trưởng.
Ngược lại, PMI tổng hợp của khu vực eurozone tăng lên mức 51,4 điểm trong tháng 4, từ 50,3 điểm trong tháng 3.
Các cuộc khảo sát này cho thấy khoảng cách tăng trưởng giữa hai nền kinh tế Mỹ và châu Âu có thể đang thu hẹp, nhưng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không cho rằng khoảng cách sẽ sớm được xoá bỏ.
“Nếu so sánh khu vực eurozone với Mỹ, rõ ràng tăng trưởng của chúng tôi đang yếu hơn. Các chỉ số kinh tế có tính báo trước cao của châu Âu cho thấy sự phục hồi khiêm tốn trong nửa sau của năm nay. Nhưng chúng tôi sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng dưới 1% trong năm nay, thấp hơn tốc độ tăng trưởng tiềm năng. Đó là một kết quả rất kém”, Phó chủ tịch ECB Luis De Guindos nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn được công bố hôm thứ Ba tuần này.
Đánh giá như vậy giúp giải thích vì sao Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và ECB được dự báo sẽ hành động không cùng hướng trong những tháng tới. Với lạm phát xuống thang và nền kinh tế vẫn còn yếu, ECB đã phát tín hiệu sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6, trong khi Fed được cho là sẽ giữ nguyên lãi suất cho tới ít nhất tháng 9.
Dù vậy, chỉ số PMI tổng hợp của khu vực eurozone trong tháng 4 này là mức cao nhất trong 11 tháng và cho thấy tốc độ tăng trưởng nhanh hơn dự đoán của các nhà kinh tế. Điều đó có nghĩa là khoảng cách tăng trưởng giữa eurozone và Mỹ có thể đang thu hẹp nhanh hơn dự kiến. Ngoài ra, cũng có những dấu hiệu trong cuộc khảo sát nhà quản trị mua hàng của Mỹ cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục giảm tốc trong thời gian tới.
NGÀNH SẢN XUẤT CỦA CHÂU ÂU CÒN YẾU
“Tăng trưởng ở Mỹ có thể tiếp tục suy yếu trong những tháng tới, vì tháng 4 chứng kiến dòng vốn kinh doanh mới giảm lần đầu tiên sau 6 tháng, cộng thêm kỳ vọng sản lượng tương lai của các công ty giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng trong bối cảnh mối lo ngại ngày càng tăng về triển vọng kinh tế”, nhà kinh tế trưởng Chris Williamson tại S&P Global Market Intelligence cho biết.
Các cuộc khảo sát cho thấy điểm khác biệt chính giữa hai nền kinh tế Mỹ và châu Âu hiện nay nằm ở lĩnh vực sản xuất. Trong khi sản lượng của các nhà máy ở Mỹ vẫn tăng trưởng dù tốc độ tăng chậm lại, sản lượng của các nhà máy ở eurozone tiếp tục xu hướng giảm mạnh. Ngược lại, khảo sát cho thấy ngành dịch vụ của châu Âu đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Nhà kinh tế Leo Barincou của công ty nghiên cứu Oxford Economics nhận định trong một báo cáo: “Hiện tại, sự tăng trưởng của châu Âu chủ yếu được thúc đẩy bởi ngành dịch vụ. Trong khi đó, phục hồi trong sản xuất vẫn chưa thực sự xuất hiện”.
Nhà kinh tế Christoph Weil của công ty nghiên cứu Commerzbank Research cho rằng sự suy yếu kéo dài trong lĩnh vực sản xuất của eurozone có thể làm chệch hướng phục hồi kinh tế khu vực này trong thời gian còn lại của năm. “Chúng tôi chưa có được sự lạc quan như phần lớn các nhà kinh tế đang mong đợi một sự phục hồi khá mạnh mẽ trong năm nay. Tình hình trong lĩnh vực sản xuất vẫn còn kém”, ông Weil viết trong một báo cáo.
Tuy nhiên, bên cạnh sự khởi sắc trong hoạt động kinh tế, các doanh nghiệp khu vực đồng euro cũng đang có một cái nhìn lạc quan về những tháng tới. Thước đo kỳ vọng của các doanh nghiêm trọng khu vực này có giảm một chút nhưng vẫn ở mức cao, sau khi đạt mức cao nhất kể từ khi xung đột quân sự Nga-Ukraine nổ ra vào năm 2022 trong tháng 3 vừa qua.
Nói tóm lại, sau giai đoạn trì trệ vào cuối năm ngoái, nền kinh tế eurozone có vẻ đã phục hồi trong những tháng đầu năm 2024, một phần nhờ sự phục hồi của thu nhập thực tế và nhu cầu của các thị trường xuất khẩu.
Các nhà kinh tế của ngân hàng JP Morgan Chase ước tính nền eurozone đạt tốc độ tăng trưởng 0,5% trong quý 1 năm nay và mức tăng trưởng sẽ tăng lên 0,8% trong 2 quý này. Trong khi đó, giới chuyên gia ước tính nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 2,3% trong quý đầu tiên và giảm tốc còn tăng 1,5% trong quý này.