19:52 24/10/2015

Làm rõ thanh toán hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xây dựng cơ bản

Nguyên Vũ

Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020

Tính đến hết năm 2014, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách 
Nhà nước khoảng 46.000 tỷ đồng, trong khi tổng số vốn ứng trước chưa bố 
trí nguồn thu hồi là 62.200 tỷ đồng.
Tính đến hết năm 2014, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách Nhà nước khoảng 46.000 tỷ đồng, trong khi tổng số vốn ứng trước chưa bố trí nguồn thu hồi là 62.200 tỷ đồng.
Làm rõ phương án và lộ trình thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 là đề nghị của Ủy ban Tài chính - Ngân sách với Chính phủ, khi thẩm tra dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020.

Tính đến hết năm 2014, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách Nhà nước khoảng 46.000 tỷ đồng, trong khi tổng số vốn ứng trước chưa bố trí nguồn thu hồi là 62.200 tỷ đồng.

Xem xét việc tuân thủ tiêu chí,  nguyên tắc phân bổ vốn, cơ quan thẩm tra nhìn nhận, một số bộ, ngành, địa phương chưa bám sát mục tiêu, định hướng và nguyên tắc. Cụ thể là chưa ưu tiên bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch.

Một số nơi còn dự kiến bố trí cho chương trình, dự án khởi công mới, trong khi chưa bố trí vốn để thanh toán dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi các khoản ứng trước.

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức vốn dự kiến bố trí trả nợ trong kế hoạch của các địa phương chiếm tỷ trọng thấp, khoảng 38% tổng số nợ phải trả.

Và các địa phương dự kiến bố trí vốn để thu hồi các khoản ứng trước chỉ chiếm khoảng 16,8% tổng số vốn ứng trước, trong khi nhu cầu vốn dành cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2011-2015 sang giai đoạn 2016-2020 là rất lớn (209,3 nghìn tỷ đồng).

Đề nghị từ Ủy ban Tài chính - Ngân sách là Chính phủ cần rà soát tất cả các dự án thuộc diện chuyển tiếp, đánh giá tình hình thực hiện đối với từng dự án và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội về tiến độ thực hiện, giải ngân, nguyên nhân chuyển tiếp dự án sang giai đoạn mới. Từ đó tạo cơ sở để Ủy  ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định việc phân bổ vốn trung hạn cho nhóm dự án này.

Đồng thời, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ hạn chế bố trí vốn cho các dự án khởi công mới, tập trung hoàn thành dứt điểm các dự án còn dở dang để đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả của các dự án đã đầu tư trong giai đoạn vừa qua.

Trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ dự kiến vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước tập trung là 1.679 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn trong nước là 1.429 nghìn đồng, vốn nước ngoài là 250 nghìn tỷ đồng. Vốn trái phiếu Chính phủ dự kiến cho giai đoạn này là 260 nghìn tỷ đồng.

Đa số ý kiến trong ủy ban thẩm tra thống nhất với dự kiến của Chính phủ và cho rằng đây là mức đầu tư tối thiểu để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Khả năng cân đối so với nhu cầu vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 còn rất thấp (1.679 nghìn/3.710 nghìn tỷ đồng), mới đáp ứng được khoảng 45% nhu cầu, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Tuy nhiên, có ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, tổng vốn đầu tư phát triển dự kiến theo phương án của Chính phủ là chưa vững chắc vì nguồn thu thiếu ổn định, phụ thuộc vào giá dầu thô.

Vì thế, trong trường hợp có biến động về giá dầu thô, khả năng huy động vốn từ ngân sách sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến nguồn lực dành cho đầu tư phát triển, bị động trong quá trình điều hành thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn.