10:28 09/07/2013

Sốt ruột với hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xây dựng cơ bản

Nguyên Thảo

Báo cáo ngày 13/11/2012 của Chính phủ có nêu tình hình nợ xây dựng cơ bản khoảng 90 nghìn tỷ đồng

Thủ tướng đã chỉ rõ, vẫn còn tình trạng phê duyệt nhiều dự án quá khả 
năng cân đối vốn, dẫn đến phân bổ vốn dàn trải, kéo dài thời gian thi 
công, gây thất thoát lãng phí..., nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được xử 
lý triệt để.
Thủ tướng đã chỉ rõ, vẫn còn tình trạng phê duyệt nhiều dự án quá khả năng cân đối vốn, dẫn đến phân bổ vốn dàn trải, kéo dài thời gian thi công, gây thất thoát lãng phí..., nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được xử lý triệt để.
Ảnh hưởng xấu đến an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững từ nợ đọng xây dựng cơ bản, đã thêm một lần được người đứng đầu Chính phủ lưu ý.
 
Tại Chỉ thị số 14 về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ mới ban hành, Thủ tướng đã chỉ rõ, vẫn còn tình trạng phê duyệt nhiều dự án quá khả năng cân đối vốn, dẫn đến phân bổ vốn dàn trải, kéo dài thời gian thi công, gây thất thoát lãng phí..., nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được xử lý triệt để.
 
"Thực trạng trên đã và đang ảnh hưởng đến an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững", Thủ tướng nêu lại các lo ngại đã từng nêu tại chỉ thị số 27 ngày 10/10/2012 về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương.
 
Một trong các yêu cầu được nêu tại chỉ thị 27 là từng địa phương phải kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan (gắn với trách nhiệm cá nhân) trong việc để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong thời gian qua. Đồng thời phải tự cân đối các nguồn vốn để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.

Vậy nhưng, tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội vừa kết thúc cuối tuần qua, các con số về nợ đọng xây dựng cơ bản đã khiến không ít vị đại biểu sốt ruột. Khi đang có đến 11 quận, huyện có nợ xây dựng cơ bản với tổng số nợ là 990,7 tỷ đồng với 1.547 dự án. Huyện nợ nhiều nhất lên đến159,9 tỷ đồng.

Cụ thể hơn, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh nêu, trong hai năm 2010 và 2011 đã bố trí đủ vốn để xóa nợ xây dựng cơ bản. Cuối năm 2012 nợ đọng xây dựng của Hà Nội được báo cáo là trên 600 tỷ đồng. Nhưng đến thời điểm này, sau khi có chỉ thị 27 của Thủ tướng thì số nợ đã đến hơn 990 tỷ đồng. Nợ tiếp tục tăng nhưng không thấy có trách nhiệm gì của UBND thành phố và các cơ quan tham mưu, đại biểu Thịnh chất vấn Phó chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng.

Phó chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng thừa nhận, thành phố đã yêu cầu các quận, huyện bố trí cho các dự án nợ xây dựng cơ bản trước rồi mới đến các dự án khác, nhưng các quận, huyện chưa nghiêm túc thực hiện chỉ đạo.

"Hứa" rằng sẽ xử lý nghiêm với các địa phương vẫn tiếp tục vi phạm và có nhận trách nhiệm của UBND thành phố, song còn thông tin đã xử lý ra sao và trách nhiệm của UBND thành phố thế nào thì chưa được Phó chủ tịch đề cập.

Cũng liên quan đến trách nhiệm để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, đại biểu Nguyễn Thành Tâm ngay từ kỳ họp thứ tư vào cuối năm 2012 đã gửi chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.

Tại đây, ông Tâm dẫn báo cáo số 333 ngày 13/11/2012 của Chính phủ có nêu tình hình nợ xây dựng cơ bản khoảng 90 nghìn tỷ đồng và Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp tình hình trình Thủ tướng phương án xử lý.

Đại biểu Tâm đã đề nghị Bộ trưởng Vinh cho biết cụ thể: cơ cấu nợ theo từng nguyên nhân, trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị đã gây ra tình trạng này; biện pháp xử lý về tài chính và trách nhiệm nhằm giải quyết nghiêm minh sai phạm, đảm bảo đúng việc, đúng người, không để tiếp diễn tình trạng cố tình vi phạm nguyên tắc, kỷ luật quản lý đầu tư, gây hậu quả lớn cho ngân sách, nền kinh tế. Câu hỏi có việc “xử lý cho qua” như đối với trường hợp “đại công trường Hà Giang” trước đây không cũng được ông Tâm gửi đến Bộ trưởng Vinh cùng văn bản chất vấn đó.

Tuy nhiên, đến kỳ họp thứ Năm vừa qua, ông Tâm thêm một lần đã gửi nguyên văn nội dung này qua văn bản đến Bộ trưởng Vinh với lời cảm ơn Bộ trưởng ngay sau kỳ họp thứ tư đã có văn bản phản hồi. Nhưng, “các vấn đề trong chất vấn của tôi vẫn chưa được giải quyết và Bộ trưởng có hứa sẽ thông báo kết quả khi giải quyết xong. Vì vậy, xin Bộ trưởng cho biết đã triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc tham mưu giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản như thế nào? Kết quả giải quyết những vấn đề tôi đã nêu trong chất vấn lần trước ra sao?", ông Tâm viết.

Gửi chất vấn khá sớm (trước ngày 10/6) song chờ đợi đến tận phiên bế mạc kỳ họp vào chiều 21/6, ông Tâm vẫn chưa nhận được văn bản trả lời. Và sáng 8/7, tức sau khi kết thúc kỳ họp thứ 5 gần 20 ngày, đại biểu Tâm cho biết ông vẫn đang mong văn bản trả lời của Bộ trưởng Vinh và quan trọng hơn là vẫn đang chờ kết quả xử lý những vấn đề ông đã nêu trong chất vấn từ hơn nửa năm trước.
 
Hơn nửa năm, Thủ tướng hai lần ra chỉ thị xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Chỉ thị nào cũng đều đưa ra những yêu cầu cụ thể về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm liên quan đến việc phát sinh nợ. Nhưng  ở cả Quốc hội và hội đồng nhân dân, những câu chất vấn cụ thể mới chỉ nhận được hồi đáp chung chung như thế.

Trong khi đó, ở chỉ thị số 14 ngày 28/6 vừa qua, Thủ tướng đã lưu ý trong năm 2013 và các năm tới, thu ngân sách nhà nước dự báo tiếp tục khó khăn, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ khó có thể đáp ứng được nhu cầu đầu tư để hoàn thành các dự án dở dang của các bộ, ngành, địa phương.

Và thêm một lần, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan (gắn với trách nhiệm cá nhân) trong việc để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong thời gian qua. Đồng thời phải tự cân đối các nguồn vốn để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.

Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan thanh tra tổ chức công bố công khai các kết luận thanh tra, kiểm tra, đồng thời đề xuất với Chính phủ có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ.

Nếu yêu cầu này được thực hiện nghiêm, chắc hẳn đại biểu Tâm cũng không phải quá chờ đợi câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan được Thủ tướng giao trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc thực hiện chỉ thị 14 nói trên.