19:38 07/10/2021

Lao động ngành tài chính, ngân hàng không bị giảm lương vì Covid-19

Phúc Minh

Đa số các doanh nghiệp trong mảng tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và công nghệ thông tin không cắt giảm nhân sự, giữ nguyên lương và phúc lợi, mặc dù đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin được Navigos Search - tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự cho biết trong báo cáo “Thị trường lao động trong làn sóng Covid thứ 4: Thực trạng và hướng đi” vừa phát hành dựa trên ý kiến của 400 doanh nghiệp và 1.200 người tìm việc.

Theo thống kê của khảo sát, khoảng 49,9% doanh nghiệp không cắt giảm nhân sự và giữ nguyên lương, phúc lợi như trước khi đại dịch xảy ra. Đồng thời, có khoảng 11,6% doanh nghiệp tiếp tục gia tăng tuyển dụng trong thời điểm này.

3% doanh nghiệp đã tạm thời dừng hoạt động; 9,4% doanh nghiệp đã chọn cắt giảm nhân sự và cắt giảm lương, 7,3% đã cắt giảm nhân sự nhưng vẫn giữ nguyên lương, phúc lợi trước khi đại dịch xảy ra, và 18,9% chọn cắt giảm lương và phúc lợi nhằm giảm chi phí cho nguồn nhân lực hằng tháng cũng như thu nhỏ lại quy mô doanh nghiệp.

Mặc dù đối mặt với cơn bão Covid-19 lần thứ tư, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn cố gắng duy trì hoạt động và nguồn nhân lực của mình.

Dữ liệu của khảo sát cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn cam kết đảm bảo số lượng người lao động, mức lương và các chế độ phúc lợi trong đợt dịch kéo dài lần này, chủ yếu từ nhóm doanh nghiệp ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin và xuất nhập khẩu.

Về hoạt động tuyển dụng, theo khảo sát, mức độ tăng trưởng về tuyển dụng tại các doanh nghiệp trong thời gian này tại Hà Nội có tỷ lệ cao hơn TP.HCM, lần lượt là 50% và 45,2%.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin có quy mô từ 101 – 300 nhân lực có sự tăng trưởng lớn nhất về tuyển dụng nhân sự. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tại Hà Nội có quy mô 10-50 nhân lực và 101-300 nhân lực còn chú trọng tăng tuyển nhân sự cho các vị trí kinh doanh/bán hàng.

Trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi Covid - 19, nhiều doanh nghiệp có xu hướng giữ chân các nhân sự có thâm niên hoặc các nhân sự đang giữ các vị trí cấp trung và cấp cao. Đối với các nhân sự là thực tập sinh và sinh viên mới ra trường, tỷ lệ cắt giảm các vị trí này là 40,5%, tỷ lệ này ở nhân viên có ít kinh nghiệm lên đến 42,3%.

Xét theo nhóm ngành, nhà hàng, du lịch, khách sạn, giáo dục – đào tạo thuộc nhóm ngành nghề dừng hoạt động nhiều nhất, có khoảng 3% doanh nghiệp phải dừng hoạt động bởi ảnh hưởng của Covid-19 lần thứ tư. Trong đó, khoảng 25% doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực này có quy mô nhân lực từ 10-50 người đến 301-500 người đã dừng hoạt động.

Ngoài các ngành được nêu trên thì 16,7% thuộc ngành xây dựng/kiến trúc, 16,7% là doanh nghiệp chuyên gia công/chế biến/ sản xuất (quy mô 301-500 người), đang chịu ảnh hưởng nặng nề để có thể tiếp tục hoạt động trong thời gian này.

Với quyết định dừng hoạt động này, có thể thị trường tuyển dụng trong các lĩnh vực kể trên sẽ có nhiều biến động hơn và buộc doanh nghiệp phải nhanh chóng đưa ra biện pháp để tiếp cận và thích nghi để có thể quay trở lại thị trường tuyển dụng.

Về kế hoạch tuyển dụng của doanh nghiệp sau khi quay trở lại hoạt động bình thường, có 56,7% doanh nghiệp cho biết sẽ tuyển dụng ngay lập tức. Ngoài ra, khoảng 17,5% chưa thể ra đươc quyết định ngay lập tức liệu họ có thể tuyển dụng trở lại hay không.

Bên cạnh đó, cũng có các doanh nghiệp cần thêm thời gian từ nửa tháng đến sau 6 tháng mới có thể tiếp tục tuyển dụng trở lại. Các con số này cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn cần sự phục hồi để có thể quay trở lại thị trường lao động.

Tuy nhiên, cũng có đến 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát sẽ tuyển nhân viên hoàn toàn mới. Mặc dù vậy, vẫn có khoảng gần 37% doanh nghiệp ưu tiên tuyển những người đã từng làm việc ở công ty sau đó mới tuyển người mới và 16,2% doanh nghiệp sẽ tuyển những người đã từng làm việc tại công ty ngay trước khi dịch bệnh xảy ra.

Trước những thách thức đặt ra, báo cáo khuyến nghị đây cũng là lúc doanh nghiệp nên có sự linh hoạt trong quá trình làm việc, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp đang tái định hình và ở giai đoạn hồi phục hậu Covid-19. Một số chính sách linh hoạt bao gồm: chế độ làm việc linh hoạt – linh hoạt trong quá trình làm việc, giao tiếp và tiếp nhận thông tin.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phát triển nguồn nhân lực theo định hướng mới ngay cả trong thời gian giãn cách hay ở hậu Covid-19. Sau khi nền kinh tế hồi phục, nhiều ngành sẽ bắt đầu tiến vào giai đoạn hồi phục, đây cũng là lúc doanh nghiệp săn đón nhân tài với chính sách phúc lợi và mức lương khác nhau.