Tuyển dụng việc làm tại TP.HCM khởi sắc sau giãn cách
Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, dự kiến trong quý 4/2021, thành phố cần khoảng 43.600 - 56.800 việc làm, nhiều doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại…
Theo đó, xu hướng nhu cầu nhân lực tăng ở lao động bán thời gian và tập trung ở các nhóm nghề như: Kinh doanh - thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; công nghệ thông tin; cơ khí - tự động hóa; vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng; du lịch - nhà hàng - khách sạn; dệt may - giày da…
Nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo của quý 4/2021 chiếm tỷ lệ 87,19% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng ở trình độ đại học trở lên chiếm tỷ lệ 21,07%; cao đẳng 19,81%; trung cấp 26,35%; sơ cấp 19,96%. Nhu cầu tuyển dụng ở lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ khá thấp với 12,81% tổng nhu cầu nhân lực.
Theo ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, ngay khi thành phố nới lỏng giãn cách, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu kế hoạch chuẩn bị hoạt động trở lại.
Đây cũng là thời điểm cuối năm, là khung thời gian quan trọng để các doanh nghiệp nỗ lực nâng cao hiệu quả năng suất và hoàn thành các đơn hàng, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng trước, trong dịp lễ, Tết và sau giãn cách xã hội.
“Tuy nhiên, do một số lượng lớn người lao động về quê ồ ạt trước thời điểm địa phương có hoạt động kiểm soát di chuyển, đặt ra việc sắp xếp lại nhân sự, lao động tại doanh nghiệp là một vấn đề trọng yếu. Để duy trì hoạt động, nhiều doanh nghiệp cũng chủ động lập kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới, liên lạc nhân sự cũ đang tạm nghỉ; xây dựng nhiều chế độ ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút người lao động yên tâm quay trở lại làm việc”, ông Triết thông tin.
Theo ông Triết, cùng với những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, tăng cường công tác tiêm ngừa vaccine Covid-19 và sự hỗ trợ của thành phố trong việc chuẩn bị phương án đón người lao động ở các tỉnh, thành phố thuận tiện, an toàn quay trở lại làm việc, dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động trong những tháng cuối năm 2021 sẽ có nhiều khả quan hơn, kỳ vọng thị trường lao động thành phố từng bước phục hồi và sớm khởi sắc trở lại.
Theo Trung tâm, trong 9 tháng năm 2021, Trung tâm đã thực hiện khảo sát nhu cầu nhân lực của gần 57.000 lượt doanh nghiệp với 135.855 chỗ làm việc. Trong đó, nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm tỷ lệ 81,61% tổng nhu cầu nhân lực; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 18,26%; khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,12%. Nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm của thành phố chiếm 72,24% tổng nhu cầu nhân lực.
Nhu cầu tuyển dụng ở lao động qua đào tạo chiếm 85,73% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, trình độ đại học trở lên chiếm 20,76%, cao đẳng chiếm 20,80%, trung cấp chiếm 29,17%, sơ cấp chiếm 15,00%, lao động chưa qua đào tạo chiếm 14,27%.
Để bảo đảm nguồn nhân lực sau khi mở cửa, tại tọa đàm trực tuyến “Nguồn nhân lực lao động cho TP.HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch” vừa diễn ra, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng cho rằng, cần tăng cường tiêm vaccine để sản xuất an toàn, thu hút lao động quay trở lại làm việc.
Tuy nhiên, việc tiêm vaccine phải gắn liền với việc cấp chứng nhận thẻ xanh để mỗi người lao động đã được tiêm phải được cấp mã di chuyển an toàn. Có như vậy thị trường lao động mới được lưu thông trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Theo ông Bình, hiện nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng rất lớn, nên cần chủ động tuyển dụng và động viên người lao động quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, khi người lao động quay trở lại, doanh nghiệp cần có chính sách hỗ trợ trong bối cảnh họ đã cạn kiệt sau nhiều tháng nghỉ làm.
Về phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu các chính sách để tham mưu tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng nhằm khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư.
Bộ cũng sẽ chỉ đạo các trường đào tạo, cả nhà nước và tư nhân tập trung đào tạo lao động để cung cấp lao động cho nhu cầu của doanh nghiệp, với mong muốn làm sao để khai thông chuỗi cung ứng lao động, không chỉ lao động phục vụ trong nước mà cả lao động đi làm việc ở nước ngoài.