13:48 14/06/2019

Lợi nhuận cắm dốc, sếp Sông Đà vẫn nhận lương hơn 600 triệu một năm

KIỀU LINH

Kết thúc năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà chỉ đạt vỏn vẹn 27,4 tỷ đồng. Trong khi năm liền kề trước đó, lợi nhuận ghi nhận ở mức 168,3 tỷ đồng

Tổng công ty Sông Đà.
Tổng công ty Sông Đà.

Theo thông tin từ Tổng công ty Sông Đà, năm 2018, tổng doanh thu công ty mẹ đạt 2.186 tỷ đồng, đạt 91% so với kế hoạch năm, giảm 18,2% so với năm 2017. Lợi nhuận trước thuế đạt vỏn vẹn 27,4 tỷ đồng, chỉ đạt 13% so với kế hoạch đề ra và giảm 84% so với năm 2017. Trước đó, năm 2017, Tổng công ty Sông Đà ghi nhận doanh thu đạt 2.674 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 168,3 tỷ đồng.

Tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 0,05%; tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản (ROA) đạt 0,01%. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,81 lần, trong khi năm 2017 hệ số này là 2,72 lần.

Lý giải về tình hình kinh doanh sa sút, ban lãnh đạo công ty cho biết, nguyên nhân do sản lượng không đạt kế hoạch. Bên cạnh đó, lợi nhuận không đạt kế hoạch do Tổng công ty Sông Đà chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 6/4/2018, theo Nghị định 126 của Chính phủ quy định không được đánh giá lại các khoản đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp tại thời điểm bàn giao tài chính.

Vì vậy, Tổng công ty thực hiện trích lập dự phòng với số tiền 239 tỷ đồng trong đó trích lập dự phòng đầu tư tài chính 179,9 tỷ đồng và dự phòng phải thu khó đòi 59,1 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2018. Do đó, đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 của Công ty mẹ Tổng công ty.

Về tiền lương, thù lao của Ban lãnh đạo Tổng Công ty Sông Đà, theo Nghị quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị nhận 52,7 triệu đồng/tháng, tương ứng với 632 triệu đồng một năm. Ngoài ra, 4 thành viên Hội đồng quản trị mỗi người được nhận 45,9 triệu đồng/tháng, tương đương với 550 triệu đồng một năm. Trong khi đó, thù lao của Trưởng Ban Kiểm soát và 2 thành viên lần lượt là 30,6 và 25,5 triệu đồng/người mỗi tháng.

Sang năm 2019, Tổng công ty Sông Đà đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 100 tỷ đồng, trong đó, 50 tỷ đồng nộp nhà nước và kế hoạch đầu tư 15 tỷ đồng.

Tổng công ty cũng giữ nguyên tiền lương, thù lao cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát như năm 2018.

Tổng công ty Sông Đà tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước được thành lập từ năm 1961. Năm 2018, Tổng công ty Sông Đà đã chính thức chuyển đổi từ mô hình doanh nghiệp nhà nước sang mô hình công ty cổ phần: Tổng công ty Sông Đà – Công ty cổ phần.

Mặc dù sở hữu nhiều khu đất vàng nhưng tình hình kinh doanh công ty không mấy khả quan, công ty còn có hàng nghìn tỷ nợ chưa thu hồi được.

Một báo cáo của Kiểm toán Nhà nước mới công bố hồi đầu năm 2019 cho thấy, tổng công ty đang quản lý, sử dụng 46 khu đất với tổng diện tích hơn 64,3 triệu m2, trong đó có 44 khu đất được giao để tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng làm trụ sở, văn phòng làm việc của Tổng công ty và các đơn vị phụ thuộc. Ngoài ra còn có 2 khu đất được giao để thực hiện dự án khu dân cư.

Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt tồn tại như Tổng công ty chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý để thuê khu đất diện tích 2.193m2 tại phường Nam Khê, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Hồ sơ pháp lý của khu đất này còn thiếu quyết định cho thuê đất, hợp đồng thuê đất, quyết định phê duyệt giá… nên từ năm 2006 đến nay công ty tạm nộp tiền thuê đất theo mức giá thuê tạm tích 10.500 đồng/m2.

Bên cạnh đó, Sông Đà cũng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với các khu đất diện tích 2.163m2 tại khu đô thị Văn Khê, phường La Khê, Quận Hà Đông, Hà Nội…

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, tính đến 31/12/2017, Tổng Công ty Sông Đà và các công ty có liên quan có dư nợ phải thu 10.786 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn là 1.907 tỷ đồng. Trong số nợ quá hạn, tới 16% là nợ khó thu đòi, tương đương 305 tỷ đồng. Công tác thu hồi nợ còn nhiều hạn chế và khó khăn do các công trình xây lắp thi công kéo dài qua nhiều năm, chậm quyết toán hoặc chậm thanh toán, chủ yếu là các công trình do Tổng Công ty làm nhà thầu chính.