21:04 15/09/2010

Luật Thủ đô: Đề xuất hạn chế cư trú ở nội thành

Nguyễn Lê

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô với nhiều lời "phê" về cơ chế đặc thù

Hà Nội đang phải chịu sức ép lớn về nhập cư.
Hà Nội đang phải chịu sức ép lớn về nhập cư.
Hơn một lần “lỡ hẹn” mới được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều nay (15/9), song dự thảo Luật Thủ đô vẫn bị  “phê” ở khá nhiều nội dung.

Điều khiến nhiều vị Ủy viên Thường vụ Quốc hội băn khoăn hơn cả là vẫn chưa rõ cơ chế đặc thù cho Hà Nội là gì. Trong khi đó, mục tiêu ban hành luật là xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho xây dựng, phát triển Thủ đô.

Bên cạnh đó, vấn đề quản lý dân cư, chính sách cơ chế tài chính…tại dự luật cũng chưa thuyết phục được cơ quan thẩm tra dự án luật.

Chưa rõ cơ chế đặc thù

Đa số nội dung tại bản báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủ đô dài 14 trang của Ủy ban Pháp luật nhận được sự đồng tình của nhiều vị Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo luật quy định 20 chính sách, cơ chế đặc thù phục vụ cho việc xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đô thị và xây dựng chính quyền. Trong số 20 chính sách, cơ chế đặc thù này có một số chính sách, cơ chế đặc thù hoàn toàn mới và một số chính sách, cơ chế đặc thù khác so với Pháp lệnh Thủ đô.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra chỉ ra rằng, một số quy định trong dự thảo luật dường như được xây dựng theo mô hình chính quyền tự quản (có sự phân quyền của trung ương cho địa phương), như việc xác định: Thủ đô là “đơn vị hành chính đặc biệt” hay danh hiệu “Công dân danh dự Thủ đô”.

Nhất là quy định “trường hợp có sự khác nhau giữa các quy định về chính sách đặc thù trong Chương II của luật này với quy định của các luật khác có liên quan thì áp dụng các quy định của luật này”…

Việc đặt ra các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô phải bảo đảm không trái với Hiến pháp, không tạo ra một thiết chế độc lập, thiếu sự gắn kết về nghĩa vụ, trách nhiệm của Thủ đô với Trung ương và với các địa phương khác, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh.

Tán thành cần có một số cơ chế, chính sách đặc thù, song Ủy ban Pháp luật cho rằng hầu hết các cơ chế mới chưa phản ánh được tính đặc thù cho riêng Hà Nội. Nhiều mục tiêu đề ra đều có thể áp dụng được đối với tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng nếu tạo cơ chế đặc thù cho Hà Nội thì không nên rộng như thế này mà chỉ nên đặt ra có vấn đề gì khác, chưa có quy định thì quy định vào đây.

“Nhiều nội dung nếu thay Hà Nội bằng Hà Giang thì cũng được. Những điều này nên bỏ đi, cái gì đặc thù thì đưa vào, đừng tham, càng tham càng phá vỡ đặc thù”, Chủ nhiệm Hiển bày tỏ. Cũng theo ông Hiển, đã là cơ chế đặc thù thì có thời hạn thôi chứ không thể đặc thù mãi mãi được.

Trưởng ban Dân Nguyện Trần Thế Vượng “chê” nhiều nội dung trong dự luật chung chung như nghị quyết, chỉ đề ra mục tiêu để phấn đấu. Ví như Hà Nội phải là trung tâm giáo dục hàng đầu của cả nước. “Thế nhỡ anh không thành hàng đầu thì làm sao, mà thực tế giáo dục Hà Nội có hàng đầu đâu”.

Mổ xẻ một số nội dung khác, ông Vượng so sánh, Đà Nẵng có khi còn văn minh hơn Hà Nội mà đâu có cần có luật về Đà Nẵng.

Không thể quản cư trú bằng hành chính

Liên quan đến quản lý dân cư, dự thảo luật quy định “Chính phủ ban hành quy định về điều kiện cư trú ở nội thành phù hợp với quản lý dân cư với quy mô, mật độ cơ cấu hợp lý theo quy hoạch chung của Thủ đô”.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, quá trình xây dựng dự án luật cũng có một số ý kiến băn khoăn liệu việc đặt thêm các điều kiện hạn chế cư trú ở khu vực nội thành có trái với quy định tại Điều 68 của Hiến pháp hay không.

Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng quy định như dự thảo luật là cần thiết và hợp lý vì phù hợp với chủ trương của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, đã được Pháp lệnh quy định và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tờ trình của Chính phủ cũng nêu thực trạng những năm gần đây, Hà Nội đang phải chịu áp lực ngày một tăng do tình trạng quá đông dân cư ở Thủ đô đã gây sức ép về kinh tế, xã hội, đặc biệt là bài toán việc làm cho người lao động, tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng.

Dù thế, cơ quan thẩm tra vẫn đề nghị cân nhắc quy định này vì một thời gian dài trước đây đã áp dụng biện pháp hành chính nhằm hạn chế di dân tự do vào các thành phố lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội.  Nhưng “các biện pháp này không những không đem lại hiệu quả mà còn phát sinh các hệ lụy khác như vấn đề giáo dục, an sinh xã hội, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm…”.

Theo quan điểm của Ủy ban Pháp luật, giải pháp cho quản lý dân cư ở Thủ đô là phải quản lý theo quy hoạch, tức là dùng các giải pháp về kinh tế - xã hội như di dời các bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất ra ngoại thành, xây dựng hệ thống giao thông kết nối.

“Không nên dùng biện pháp hành chính để điều chỉnh và quản lý dân cư, bởi quyền mưu sinh và quyền mưu cầu hạnh phúc, trong đó có việc di dân từ những nơi khó khăn đến những vùng có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi hơn là một quy luật của sự phát triển. Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc sử dụng biện pháp hành chính để hạn chế là không thành công”, Chủ nhiệm Thuận nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền lại phân tích, nếu tất cả dồn về nội thành thì sức ép rất lớn, nên cần có quy định điều kiện cư trú dân cư ở nội thành.

Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh giải thích, nếu cứ theo luật cư trú thì không “chạy theo” được tốc độ tăng dân số cơ học. Luật Thủ đô ngoài các quy định chung thì có những cái đặc thù, chắc chắn phải có điểm khác với các luật khác chứ nếu phải phù hợp với các luật khác thì không thể tìm được cơ chế đặc thù, ông Khanh nói.

Căn cứ nào thu phí gấp 3, xử phạt gấp 5?

Theo quy định của dự thảo luật, Thủ đô có thể áp dụng mức xử phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong khu vực nội thành cao hơn, nhưng không quá 5 lần so với mức xử phạt áp dụng chung cho cả nước trong lĩnh vực văn hóa, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải và cư trú.

Dự thảo luật cũng quy định hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định mức thu phí trong nội thành cao hơn, nhưng không quá 3 lần so với mức thu áp dụng chung cho cả nước trong lĩnh vực môi trường, giao thông vận tải…”.

Trong quá trình thẩm tra, nhiều ý kiến cho rằng cần xác định rõ mục đích của việc tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trên địa bàn Hà Nội nhằm mục đích gì? Vì sao mức xử phạt đề nghị tăng tối đa 5 lần trong khi mức thu phí đề nghị tăng tối đa 3 lần? Căn cứ để đưa ra mức thu, mức phạt này là gì?

Ủy ban Pháp luật cho rằng cần cân nhắc, xem xét kỹ về hậu quả quy định trên. Bởi, việc nâng mức thu phí cao hơn tại nội đô Hà Nội so với quy định chung chưa xác định rõ mục đích của việc nâng phí, việc sử dụng nguồn thu tăng thêm, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thụ hưởng nguồn thu phí.

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận cảnh báo, rằng đây là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ hơn và cũng cần lường trước những bức xúc trong xã hội có thể xảy ra khi doanh nghiệp, người dân phải chịu các chi phí tăng thêm”.

Hơn nữa, hiện nay, người dân tại Thủ đô đang phải chịu nhiều khoản lệ phí cao hơn nơi khác, ví như lệ phí trước bạ ô tô dưới 10 chỗ là 12% (quy định chung 10%), lệ phí cấp biển số xe máy gấp đôi tỉnh, thành khác, gấp 10 – 40 lần so với khu vực nông thôn…

Trước nhiều ý kiến trái chiều, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng, cần phải có luật Thủ đô, “không có khó quản lý lắm”. Đánh giá đây là dự án luật khó, Chủ tịch lưu ý cần phải quan tâm đến thực tiễn, xác định đặc thù của Thủ đô là gì để đưa vào luật cho khả thi.

Theo Chủ tịch, Hà Nội phải là đô thị loại đặc biệt, vì thế cơ chế đặc thù phải để thực hiện được điều này.