05:24 23/05/2015

Lùi Luật Biểu tình: “Cần có lời giải thích với cử tri”

Nguyễn Lê

Theo đại biểu Lê Minh Thông, cái khó là phải bảo đảm được vấn đề dân chủ, nhưng cũng phải bảo đảm an toàn an ninh quốc gia

Đại biểu - luật sư Trương Trọng Nghĩa đề nghị phải có lời giải thích với cử tri khi dự án Luật Biểu tình tiếp tục xin lùi - Ảnh: Minh Thúy.<br>
Đại biểu - luật sư Trương Trọng Nghĩa đề nghị phải có lời giải thích với cử tri khi dự án Luật Biểu tình tiếp tục xin lùi - Ảnh: Minh Thúy.<br>
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về chương trình xây dựng luật sáng 22/5, đại biểu - luật sư Trương Trọng Nghĩa sốt ruột khi dự án Luật Biểu tình lại thêm một lần xin lùi.

“Cả trăm nước người ta có luật về biểu tình rồi, chả nhẽ Việt Nam lạc hậu như thế, cần có lời giải thích với cử tri”, ông Nghĩa nói.

Như VnEconomy đã đưa tin, dự án Luật Biểu tình được Chính phủ đề nghị lùi thời gian trình từ chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội chỉ cho lùi thời gian trình dự án Luật Biểu tình từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa 13 này.

“Nếu được thì kỳ họp thứ 10 trình, kỳ họp Quốc hội thứ 11 thông qua là tốt nhất”, đại biểu Nghĩa phát biểu.

Nhắc lại đề nghị trước đây là có thể  huy động đoàn luật sư tham gia xây dựng luật này, ông Nghĩa cho rằng: “Chính phủ không cần ôm hết, và vì ôm hết nên lần này mới không làm kịp”.

Ông phân tích thêm, nếu không có luật mà dùng nghị định quy định quyền công dân là vi hiến. Vị đại biểu này cũng đề nghị Ủy ban Tư pháp của Quốc hội rà soát xem đang có những nghị định nào hạn chế quyền con người, quyền công dân thì đề nghị bãi bỏ. Nếu dùng nghị định sau Hiến pháp 2013 thì là vi hiến, vi hiến thì không sử dụng, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Cùng đề cập việc Luật Biểu tình tiếp tục bị lùi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đại biểu Lê Minh Thông nói, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam xây dựng luật này. Qua rất nhiều phiên họp của Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị đẩy nhanh làm luật này, Chính phủ đã quyết tâm làm. Tuy nhiên vì nhiều lý do nên chưa thể xem xét ở kỳ họp này. Nhưng chắc chắc phải được làm trong khóa này.

Nhấn mạnh việc lần đầu làm luật về biểu tình, cái khó - theo ông Thông - là phải bảo đảm được vấn đề dân chủ, nhưng cũng phải bảo đảm an toàn an ninh quốc gia. Vì vậy, lùi để cân nhắc kỹ, làm thế nào để tạo điều kiện cho dân thể hiện được ý kiến của mình một cách văn minh, dân chủ, nhưng phải bảo đảm được ổn định xã hội.

“Cần phải nghiên cứu công phu, toàn diện hơn để bảo đảm luật ra là có hành lang pháp lý để thực hiện được quyền tự do, dân chủ cao nhất của người dân, nhưng cũng phải tôn trọng sự ổn định xã hội”, đại biểu Thông bày tỏ quan điểm.

Ông Thông cũng đề nghị cần ưu tiên đẩy nhanh những luật liên quan đến hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; thúc đẩy kinh tế tư nhân. Trong khi đó, những luật chưa cần phải làm ngay có thể lùi lại như trợ giúp pháp lý, sửa luật nhà ở, sửa luật cán bộ công chức..., vì hoặc chưa cần thiết, hoặc luật cũ vẫn còn dư địa để thực hiện.

Nhìn cả chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2015 - 2016, một số vị đại biểu băn khoăn khi chưa thấy dự án luật về tiền lương tối thiểu, trong khi đòi hỏi từ cuộc sống là rất bức thiết.

Từ điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội, nhiều vị đại biểu “đòi” Quốc hội phải lên tiếng mạnh mẽ về thực tế luật ban hành ra rồi để đó, hoặc ban hành chưa kịp thực hiện đã phải sửa.