10:00 16/03/2015

Luật Biểu tình: Điệp khúc lùi và lùi

Nguyễn Lê

Cuối năm 2015, Luật Biểu tinh sẽ chưa được ban hành như nghị quyết của Quốc hội

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị chỉ cho lùi thời gian trình dự án Luật Biểu tình từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11 (đầu năm 2016).<br>
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị chỉ cho lùi thời gian trình dự án Luật Biểu tình từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11 (đầu năm 2016).<br>
Chính phủ đề nghị lùi đến nhiệm kỳ Quốc hội sau, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chỉ đồng ý lùi đến kỳ họp cuối của khóa này, Luật Biểu tình lại tiếp tục điệp khúc lùi và lùi.

Sáng 16/3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2016.

Lý do xin lùi từ Luật Biểu tình từ kỳ họp thứ 9 giữa năm nay đến tận kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa 14, theo ông Cường, là do có một số nội dung phát sinh cần đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng, và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Dù nhấn mạnh là đã bị lùi quá nhiều lần và nợ dân quá lâu về vấn đề này, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - cơ quan thẩm tra tờ trình của Chính phủ - ông Phan Trung Lý cho biết ủy ban này đề nghị chỉ cho lùi thời gian trình dự án Luật Biểu tình từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11 (đầu năm 2016).

Nếu như vậy, cuối năm 2015, Luật Biểu tình sẽ chưa được ban hành như nghị quyết của Quốc hội.

Ngoài dự án Luật Biểu tình, Chính phủ còn đề lùi Luật Về hội từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa 13 sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa 14. Lý do là vì trong quá trình xây dựng dự án luật này phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cần được nghiên cứu kỹ.
 
Dự án luật này có điều chỉnh tất cả các tổ chức chính trị - xã hội được xác định theo quy định tại khoản 2 điều 9 của Hiến pháp năm 2013 như Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh... và các tổ chức chính trị - xã hội do cơ quan có thẩm quyền của Đảng xác định như Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam hay không, cơ quan thẩm tra băn khoăn.

"Hiện nay, các hội phát triển rất đa dạng, phong phú, có quy mô, phạm vi hoạt động khác nhau và được điều chỉnh bằng nhiều văn bản khác nhau, do vậy việc pháp điển và nâng các quy định của pháp luật hiện hành để đưa vào dự thảo luật cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng", Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh.

Ủy ban Pháp luật không đồng tình và đề nghị giữ thời hạn trình tại kỳ họp thứ 10 theo đúng nghị quyết của Quốc hội.

Cơ quan thẩm tra cũng không gật đầu với đề nghị bổ sung ba dự án Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân và Luật Nhà ở vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2015. Ba luật này vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2014) đến nay chưa có hiệu lực thi hành, ông Lý nhấn mạnh.

Bên cạnh các dự án luật xin lùi, Chính phủ xin đẩy nhanh tiến độ lên chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 là Luật Khí tượng thủy văn. Nghị quyết của Quốc hội về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn cũng được Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình 2015.

Tán thành đề nghị này song Ủy ban Pháp luật lưu ý là hiện nay, đề án cơ chế kiểm soát thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn đang trong giai đoạn xây dựng, hoàn chỉnh. Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị xem xét việc ban hành văn bản quy định về vấn đề này khi xem xét việc sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng hoặc đưa nội dung này vào dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).  

Góp ý toàn thể chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng có những dự án luật cấp bách đã không được đưa vào chương trình. Ông Khoa đề nghị quan tâm đến hai dự án luật rất lớn là Luật Quốc phòng và Luật An ninh quốc gia. "Luật Quốc phòng rất nhiều điểm đã không còn phù hợp Hiến pháp", ông Khoa nhấn mạnh.

"Luật Biểu tình, Luật về hội dù rất khó nhưng nợ dân quá lâu rồi, đừng có lùi", Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng góp ý.

"Đề nghị tập trung các dự án luật đã có trong chương trình, Luật Biểu tình và Luật về hội dây dưa là tự mình làm khó cho mình", Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu.

"Hiến pháp yêu cầu làm thì phải làm, Luật Biểu tình, Luật Về Hội là những luật cần thiết, phải tập trung làm", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận, các dự án luật đã đưa vào chương trình năm 2015 là phải cố gắng làm cho bằng được, nhất là các dự án luật bảo đảm thi hành Hiến pháp, bảo đảm quyền con người và quyền công dân.

Luật Biểu tình, Luật Về hội, Luật Báo chí sửa đổi đã điều chỉnh đi điều chỉnh lại, cố gắng bố trí vào 2015 để cho ý kiến và thông qua vào kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa 13, ông Lưu yêu cầu.