13:25 18/04/2022

Mặc phong toả, GDP quý 1 Trung Quốc tăng mạnh hơn dự báo

Điệp Vũ

Nền kinh tế Trung Quốc tăng mạnh hơn dự báo trong quý 1 vừa qua, bất chấp ảnh hưởng bất lợi của các đợt phong toả chống dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương trong tháng 3...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.

Số liệu chính thức do Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố sáng 18/4 cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng 4,8% trong 3 tháng đầu năm, vượt xa mức dự báo tăng 4,4% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Ngoài ra, mức tăng này cũng cao hơn mức tăng 4% đạt được trong quý 4/2021.

Đầu tư tài sản cố định trong quý tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mức dự báo tăng 8,5%. Sản lượng công nghiệp tháng 3 tăng 5%, vượt dự báo tăng 4,5%.

Tuy nhiên, doanh thu bán lẻ tháng 3 giảm 3,5%, sâu hơn mức giảm 1,6% mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Từ đầu tháng 3, Trung Quốc đương đầu với đợt bùng dịch Covid-19 tệ nhất từ khi Sars-CoV2 trở thành đại dịch vào đầu năm 2020. Nhưng lần này, kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng, còn trong quý 1/2020, nền kinh tế Trung Quốc giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

“Chúng ta cần nhận thức rằng với môi trường trong nước và quốc tế ngày càng trở nên phức tạp và bấp bênh, sự phát triển kinh tế cũng đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức”, tuyên bố của NBS có đoạn viết.

Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị của Trung Quốc trong tháng 3 tăng lên mức 5,8%, từ mức 5,5% trong tháng 2. Tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ từ 16-24 tuổi vẫn ở mức cao 16%.

So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu bán lẻ quý 1 tăng 3,3%. Tuy nhiên, doanh thu bán lẻ các nhóm hàng may mặc, ô tô và đồ nội thất đồng loạt giảm trong quý.

Mức giảm doanh thu mạnh nhất trong tháng 3 thuộc về nhóm trang sức, tụt 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đó là nhóm ăn uống với mức giảm 16,4%, và nhóm may mặc-giày dép với mức giảm 12,7%.

“Chúng ta cần phối hợp các nỗ lực ngăn chặn và kiểm soát Covid, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, đưa ổn định kinh tế thành ưu tiên lớn nhất, thúc đẩy tiến bộ song song với đảm bảo ổn định, và đưa nhiệm vụ đảm bảo ổn định tăng trưởng lên vị trị cao hơn nữa”, tuyên bố của NBS có đoạn.

Các số liệu kinh tế tháng 1 và tháng 2 của Trung Quốc đều tốt hơn kỳ vọng, nhưng số liệu tháng 3 bắt đầu phản ánh ảnh hưởng của phong toả và hạn chế đi lại tại những trung tâm kinh tế như Thượng Hải.

Xuất khẩu, một đầu tàu của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, tăng 14,7% trong tháng 3, mức tăng mạnh hơn dự báo. Tuy nhiên, nhập khẩu bất ngờ suy giảm, với mức giảm 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái – theo dữ liệu công bố vào tuần trước.

Quyết tâm theo đuổi chiến lược zero Covid (không Covid) của Chính phủ Trung Quốc đang đặt ra thách thức lớn với nền kinh tế nước này. Phong toả đang gây tắc nghẽn các tuyến đường bộ quan trọng và cảng biển của Trung Quốc, nhiều người lao động bị mắc kẹt, nhiều nhà máy bị gián đoạn hoạt động - tất cả đều làm trầm trọng thêm các nút thắt trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các hàng hoá từ ô tô điện tới điện thoại iPhone.

Nhận thức rõ ảnh hưởng tiêu cực của chiến lược chống dịch hà khắc đối với tăng trưởng, Bắc Kinh đã và đang triển khai đồng loạt nhiều biện pháp để giảm bớt những tác động đó.

Hôm thứ Sáu tuần trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tuyên bố sẽ cắt giảm dự trữ bắt buộc lần đầu tiên từ đầu năm đến nay, theo đó giải phóng lượng thanh khoản 530 tỷ Nhân dân tệ, tương đương hơn 83 tỷ USD, trong hệ thống tài chính.

Đây là động thái không nằm ngoài dự báo sau khi Hội đồng Nhà nước Trung Quốc hôm thứ Tư tuyên bố rằng các công cụ chính sách tiền tệ, bao gồm giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, sẽ được sử dụng đúng lúc. Tuy nhiên, mức cắt giảm dự trữ bắt buộc mà PBoC đưa ra ít hơn kỳ vọng.

“Tôi thấy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ tăng chi tiêu tài khoá và tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Các biện pháp này có thể hỗ trợ tăng trưởng GDP”, nhà phân tích Macron Sun của MUFG phát biểu.

Từ đầu năm, Chính phủ Trung Quốc đã công bố thêm các biện pháp kích thích tài khoá, bao gồm tăng phát hành trái phiếu địa phương để huy động vốn cho các dự án hạ tầng, giảm thuế cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, giới phân tích không chắc liệu các biện pháp kể trên có thể giúp ngăn chặn sự giảm tốc kinh tế trong ngắn hạn, bởi các nhà máy và doanh nghiệp Trung Quốc đang chật vật và người tiêu dùng tiếp tục thận trọng với chi tiêu. Nếu PBOC nới lỏng mạnh hơn, các dòng vốn có thể tháo chạy khỏi Trung Quốc, đặt ra sức ép lớn đối với thị trường tài chính nước này.

Trung Quốc đã hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế về mức khoản 5,5% trong năm nay, nhưng giới phân tích rằng mục tiêu này là khó đạt được nếu không có các biện pháp kích thích quyết liệt hơn.