07:16 03/06/2014

Malaysia thúc giục hoàn tất bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông

Diệp Vũ

Lời kêu gọi trên được Thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak, đưa ra hôm qua (2/6)

Thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak.
Thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak.
Malaysia thúc giục nhanh chóng hoàn tất bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau khi Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Theo tờ Wall Street Journal, lời kêu gọi trên được Thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak, đưa ra hôm qua (2/6) sau hội nghị an ninh Shangri-La diễn ra đầy căng thẳng vào cuối tuần tại Singapore. Tại sự kiện này, các nhà lãnh đạo châu Á và Mỹ đã đứng về phía Việt Nam, lên án mạnh mẽ các hành vi gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông.

Hôm qua, Malaysia khai mạc một hội nghị an ninh riêng, kéo dài 3 ngày, với bài phát biểu dẫn đề của Thủ tướng Najib. Bài phát biểu này được đọc trước các đại biểu tham dự hội nghị bởi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia, ông Admad Zahid Hamidi. Trong bài phát biểu, nhà lãnh đạo Malaysia nhấn mạnh, việc duy trì đàm phán và hành động để đạt tới COC là “những bước đi đúng hướng”.

“Các cuộc đàm phán này cần phải được hoàn tất trong tương lai rất gần”, bài phát biểu có đoạn viết.

Theo các nhà tổ chức của hội nghị an ninh nói trên, Thủ tướng Najib đang trên đường trở về từ Trung Quốc. Chuyến đi này của ông Najib là một phần trong các hoạt động kỷ niệm kéo dài suốt năm 2014 nhằm đánh dấu 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Vào năm 2002, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc ký kết một bản tuyên bố chung không ràng buộc về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), đặt mục tiêu thiết lập một bộ quy tắc ứng xử về sau. Trong tuyên bố chung, các nước tham gia cam kết “tự kiềm chế trong các hoạt động có thể làm phức tạp hóa hoặc leo thang tranh chấp”, và tránh các hành động gây hấn chẳng hạn như việc xây dựng trên các hòn đảo tranh chấp.

ASEAN và Trung Quốc đã liên tục nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được COC để kiểm soát hành vi của các bên trên biển Đông. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào trong ASEAN cũng có tranh chấp trên biển Đông, nên những nỗ lực đạt tới COC phần nào bị cản trở.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ biển Đông, đặt mình vào tranh chấp với Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei, và Đài Loan. Tiến trình ngoại giao càng trở nên cấp bách khi Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự đang lên của nước này để tìm cách khẳng định tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Hành vi và thái độ hung hăng của Trung Quốc đang đe dọa một trong những tuyến đường biển huyết mạch của thế giới.

“Tôi quan ngại sâu sắc trước những biện pháp mà các bên liên quan áp dụng để khẳng định chủ quyền được công bố. Cho dù các biện pháp đó có nhỏ ra sao, thì cách làm như vậy sẽ chỉ làm phức tạp thêm tình hình và không đem lại lợi ích cho bất kỳ bên nào trong dài hạn”, bài phát biểu của ông Najib viết.

Đến nay, Malaysia vẫn kiềm chế đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, một đối tác thương mại lớn. Mối quan hệ giữa hai nước đã chịu sức ép kể từ khi chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines biến mất hôm 8/3 cùng 239 hành khách, chủ yếu là khách du lịch Trung Quốc.