21:06 28/10/2022

Mạnh dạn thử nghiệm cơ chế sandbox

Anh Nhi

Thiếu nền tảng pháp lý quan trọng trong lĩnh vực fintech và kinh tế tuần hoàn làm gia tăng lo ngại về những rủi ro, hệ lụy tiêu cực có thể phát sinh…

Áp dụng cơ chế thử nghiệm sandbox nhằm đưa sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo hoặc một cơ chế, chính sách sớm đi vào hoạt động thực tế.
Áp dụng cơ chế thử nghiệm sandbox nhằm đưa sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo hoặc một cơ chế, chính sách sớm đi vào hoạt động thực tế.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh như vậy tại Báo cáo “Nghiên cứu về kinh nghiệm xây dựng và thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách ở một số lĩnh vực và khả năng áp dụng ở Việt Nam” được phát hành ngày 28/10 trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế/Tăng trưởng xanh do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tài trợ.

CƠ CHẾ THỬ NGHIỆM VẪN “TRÊN GIẤY”

Báo cáo chỉ ra rằng dù Việt Nam đang tích cực tìm kiếm những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế với việc đưa ra nhiều định hướng và nỗ lực nhằm tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng cho đến giờ, Việt Nam vẫn chưa đưa ra được khung pháp lý phù hợp, dù chỉ ở quy mô thử nghiệm cho hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng cho dù rất nhiều ứng dụng fintech đã được áp dụng rộng rãi trong đời sống.

Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, mặc dù Việt Nam đã phần nào có tư duy và bắt tay vào nghiên cứu xây dựng các cơ chế thử nghiệm (sandbox), tuy nhiên, quá trình đưa cơ chế thử nghiệm vào thực tiễn đời sống còn khá chậm so với kỳ vọng.

Ngân hàng Nhà nước đã có những bước đầu ý tưởng về xây dựng cơ chế thử nghiệm từ năm 2017. Chính phủ cũng thể hiện sự ủng hộ với cơ chế thử nghiệm cho fintech bằng việc ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 6/9/2021 thông qua đề nghị xây dựng nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp (CIEM), dù Dự thảo Nghị định fintech của Việt Nam được thiết kế bài bản, đầy đủ các nội dung, theo mô hình cấp phép được sử dụng ở nhiều quốc gia và có tham vấn công khai các cơ quan chức năng, bộ ngành, cộng đồng doanh nghiệp… nhưng việc ban hành Nghị định vẫn bị trì hoãn.

“Có thể do lo ngại về việc phải sửa nhiều nội dung quy định liên quan để bảo đảm Nghị định thực sự có hiệu quả như mong muốn hay về những rủi ro, hệ lụy tiêu cực có thể phát sinh nên Nghị định chưa được ban hành. Song tư duy “cầu toàn” sẽ làm cơ chế thử nghiệm khó khả thi và có thể ảnh hưởng đến việc hiện thực hóa lợi nhuận và lợi ích cho các doanh nghiệp fintech và người dùng trong nước”, ông Dương nhấn mạnh.

Quá trình xây dựng Dự thảo nghị định fintech của Việt Nam.
Quá trình xây dựng Dự thảo nghị định fintech của Việt Nam.

Tương tự, dù nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng như Vinamilk, Trang trại Ngũ Thường Mekong Hậu Giang… song khung chính sách về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vẫn chưa được hoàn thiện. Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và dự kiến trình Chính phủ vào quý 1/2023.

CHỜ ĐỢI SẼ BỊ MUỘN

Thực tế cho thấy, cơ chế sandbox không phải là một cách tiếp cận mới. Trên thế giới đã có rất nhiều quốc gia áp dụng.

Năm 2016, lần đầu tiên cơ chế thử nghiệm được giới thiệu ở Anh, sau đó lan tỏa ra nhiều quốc gia khác như Pháp, Thụy Điển, Hòa Kỳ, Singapore… Đến năm 2020, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), đã có 57 quốc gia đã và đang áp dụng cơ chế thử nghiệm sandbox và có 73 loại cơ chế thử nghiệm cho các công ty fintech.

“Nếu mạnh dạn tiếp thu có chọn lọc, phù hợp từ các nước, Việt Nam có thể sớm phát huy một số tác động tích cực của các mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực tài chính, kinh tế tuần hoàn, qua đó tạo thêm không gian và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, bà Minh nêu quan điểm.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng cơ chế thử nghiệm cần vừa làm vừa hoàn thiện chính sách để từ đó tìm ra điểm cân bằng giữa việc xây dựng các quy định quản lý chặt chẽ với thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

“Đây là một cách tiếp cận mới, hiện đại, trong khi vẫn đạt được mục tiêu và yêu cầu quản lý, thay vì chờ đợi đến khi các nước khác đã thực hiện xong rồi mới rút kinh nghiệm và tiếp thu. Lúc đó sẽ muộn”, ông Dương khẳng định.

Mô hình kinh tế tuần hoàn đang được nhiều doanh nghiệp dụng.
Mô hình kinh tế tuần hoàn đang được nhiều doanh nghiệp dụng.

Vì vậy, nhóm nghiên cứu của CIEM đề nghị tư duy chính sách cần đặt lợi ích của người tiêu dùng và cộng đồng lên ưu tiên hàng đầu khi xây dựng sandbox. Cần tránh tư duy sandbox là bắt buộc và cần tránh phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp tham gia sandbox và các doanh nghiệp không tham gia sandbox. Đặc biệt, cần thường xuyên thay đổi, nâng cấp sandbox để phù hợp với thực tiễn triển khai và cần có cơ chế xử lý tranh chấp và khiếu nại hiệu quả.  

“Sandbox có thể có nhiều mục đích khác nhau, nhưng mục đích phổ biến nhất là nhằm đưa sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo hoặc một cơ chế, chính sách sớm đi vào hoạt động thực tế. Việc xác định đúng mục tiêu sẽ giúp cơ quan quản lý xây dựng được mô hình cơ chế thử nghiệm sandbox phù hợp”, ông Dương nhấn mạnh.