09:00 12/04/2022

Hiu hắt cơ chế Sandbox tại Việt Nam

Thủy Diệu

Trong giai đoạn 2016-2021 Việt Nam mới chỉ có hai cơ chế thí điểm có cách tiếp cận tương tự như một Sandbox (khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới) là taxi công nghệ và Mobile Money. Đến nay, các Sandbox vẫn “vắng bóng” tại Việt Nam dù khái niệm này được nói ra rả nhiều năm qua...

Mobile Money là một trong hai cơ chế thí điểm có cách tiếp cận tương tự như một Sandbox. Đến nay, các Sandbox vẫn “vắng bóng” tại Việt Nam.
Mobile Money là một trong hai cơ chế thí điểm có cách tiếp cận tương tự như một Sandbox. Đến nay, các Sandbox vẫn “vắng bóng” tại Việt Nam.

Trong báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cách đây ít hôm, một phần nội dung về không gian thử nghiệm pháp lý Sandbox đã được đề cập tới. Cơ quan này cho rằng cơ chế thử nghiệm được coi là công cụ hữu ích để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thông qua việc cho phép cơ quan quản lý được quan sát sản phẩm, dịch vụ mới trong môi trường thực được giới hạn. Dù vậy, cơ chế thử nghiệm không phải là công cụ cho mọi vấn đề phát sinh từ công nghệ.

“Các sản phẩm, dịch vụ mới ứng dụng công nghệ không phải lúc nào cũng vi phạm các quy định pháp luật hay bị cấm bởi pháp luật. Đôi khi chỉ là do mới nên luật pháp chưa có quy định phù hợp nhằm định dạng sản phẩm, dịch vụ đó”, báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021” nhấn mạnh, như hàm ý “được làm những gì pháp luật không cấm”.

CƠ CHẾ THÍ ĐIỂM VẪN CÓ NHỮNG HẠN CHẾ LỚN

Ở hai thí điểm nói đến ở trên, Đề án 24 cho các doanh nghiệp công nghệ trong ngành vận tải bằng xe hơi là một cơ chế thí điểm được ban hành theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT64. Theo đó, doanh nghiệp công nghệ được tham gia vào hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng thông qua việc cung cấp ứng dụng kết nối giữa tài xế và người dùng.

 
"Sandbox được xem gần nhất hiện nay là dự thảo nghị định về Fintech thì vẫn đang “trên bàn làm việc” và chưa biết khi nào sẽ được ban hành"
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông.

Đề án 24 đã mở ra không gian pháp lý cho mô hình kinh doanh này vì tại thời điểm đó, Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP đều không dự liệu trước tình huống này. Vận tải bằng xe hợp đồng khi đó đơn giản chỉ là sự thỏa thuận, giao kết trực tiếp giữa đơn vị vận tải và người dùng và sử dụng văn bản giấy và cơ chế thí điểm dành cho tiền điện tử (Mobile Money), theo Quyết định số 316/QĐTTg. Theo đó, doanh nghiệp viễn thông được cung cấp dịch vụ thanh toán cho người sử dụng thông qua tài khoản viễn thông – lĩnh vực trước đây chỉ do các tổ chức tín dụng cung cấp theo Luật Các tổ chức tín dụng.

Các cơ chế thí điểm đã bước đầu có cách tiếp cận tương tự như một Sandbox, với mục đích nhằm tháo gỡ khó khăn từ các quy định pháp luật. Tuy nhiên, cơ chế thí điểm này lại không có tính áp dụng chung, vì chỉ các doanh nghiệp có đề án được chấp thuận mới được tham gia cơ chế; chịu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước: các cơ chế đều đặt ra các yêu cầu cụ thể với doanh nghiệp tham gia thí điểm và quy định trách nhiệm giám sát cụ thể cho các cơ quan nhà nước liên quan; có cơ chế tổng kết thí điểm: cả hai cơ chế đều có quy định về tổng kết, đánh giá các biện pháp quản lý với mục đích đề xuất ban hành chính sách quản lý cụ thể.

Ví dụ như Đề án 24 sau đó đã được tổng kết, nghiên cứu hoàn thiện chính sách và ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP. Tuy vậy, theo VCCI, cơ chế thí điểm vẫn có những điểm hạn chế lớn.

Thứ nhất, cơ chế thí điểm khó có thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Đặc điểm của các mô hình kinh doanh mới là số lượng không hề nhỏ và xuất hiện càng nhiều theo sự phát triển của công nghệ, kéo theo đó là nhu cầu tham gia thử nghiệm rất lớn. Phạm vi của cơ chế thí điểm cũng rất hẹp, chỉ áp dụng cho một loại sản phẩm, dịch vụ cụ thể (taxi công nghệ, tiền di động Mobile Money).

Thứ hai, cơ chế thí điểm không có cơ chế ban hành rõ ràng. Xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, ý tưởng về việc ban hành cơ chế thí điểm có thể đến từ đề xuất của chính doanh nghiệp. Tuy vậy, việc xử lý đề xuất của doanh nghiệp và chuyển thành cơ chế thí điểm hoặc từ chối đề xuất đó lại không rõ ràng. Vì vậy, có một số quan ngại về tính công bằng giữa các nhóm doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp.

Thứ ba, cơ chế thí điểm không thực sự “miễn trừ” quy định của pháp luật.
Ý tưởng của việc xây dựng Sandbox là cho phép doanh nghiệp được miễn thực hiện những nghĩa vụ nhất định. VCCI cho rằng nhìn vào các cơ chế thí điểm đã có, dường như các cơ chế này đang cố tạo ra không gian bổ sung bên cạnh các quy định sẵn có, thay vì “phá bỏ” các quy định này. Các hạn chế này đã cản trở cơ chế thí điểm trở thành một Sandbox, do đó khó có khả năng nhân rộng đáp ứng mục tiêu hỗ trợ đổi mới sáng tạo.

BAO GIỜ SANDBOX MỚI CÓ Ở VIỆT NAM?

Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông, cho rằng ở Việt Nam vẫn chưa có một Sandbox đúng nghĩa. Sandbox được xem gần nhất hiện nay là dự thảo nghị định về Fintech thì vẫn đang “trên bàn làm việc” và chưa biết khi nào sẽ được ban hành.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông.

Theo ông Đồng, Sandbox ở đây là thí điểm pháp lý, thí điểm các quy định cho một lĩnh vực để các doanh nghiệp được hoạt động trong lĩnh vực như thế với một số điều kiện nhằm kiểm soát rủi ro. Mục đích của Sandbox là kiểm soát rủi ro. Thứ nhất là rủi ro với người dùng. Ví dụ như dịch vụ P2P (cho vay ngang hàng), người dùng chưa lường trước hết được những rủi ro về công cụ tài chính này nên phải đề ra một loạt dự kiến rủi ro như thế nào và biện pháp quản lý rủi ro ra sao.

Thứ hai là rủi ro cho hệ thống. Như P2P ở đây rủi ro là hệ thống tài chính ngân hàng, và khi xảy ra vấn đề thì nó phải được kiểm soát rủi ro mang tính hệ thống như thế nào. “Việt Nam chưa có một cơ chế (Sandbox) nào như thế”, ông Đồng nhấn mạnh và cho biết “thế giới đã đi được 10 năm (về Sandbox)”, còn trong khu vực, các nước như Indonesia, Thái Lan, Singapore… đều đã có các Sandbox.

Trong báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021 của VCCI, phần về Sandbox cũng đánh giá việc ban hành cơ chế thử nghiệm ở Việt Nam dường như “chậm” hơn so với các nước khác. Trên thế giới, 73 Sandbox đã được thông báo thiết lập trong lĩnh vực Fintech tính đến tháng 8 năm 2020. Tại khu vực Đông Nam Á đã có sáu nước đã thiết lập Sandbox, gồm: Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines.

Vì sao đến giờ Việt Nam vẫn chưa có Sandbox dù vấn đề này đã được bàn thảo từ nhiều năm nay? Câu hỏi này chỉ có người trong cuộc mới có câu trả lời chính xác. Còn theo một số chuyên gia, lý do đầu tiên Việt Nam chưa có Sandbox là bởi đây là lĩnh vực mới chưa có tiền lệ. Nhưng thứ hai, quan trọng hơn, là bản thân những đơn vị xây dựng Sandbox cũng ngại rủi ro cho chính mình.

Theo VCCI, việc Việt Nam chưa có bất kỳ cơ chế thử nghiệm (theo đúng nghĩa) được ban hành đã gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, đó là tốn rất nhiều thời gian và chi phí. Một số doanh nghiệp cho biết phải thay đổi cách thức vận hành mô hình kinh doanh để có thể triển khai sản phẩm, dịch vụ, chẳng hạn, thay vì có thể tự mình triển khai, doanh nghiệp phải thông qua một hoặc nhiều đơn vị khác đã có trên thị trường. Việc này thường tốn nhiều chi phí, mất thời gian, làm chậm quá trình mở rộng ra thị trường.

Tiếp đến là sao nhãng khỏi công việc chính. Thay vì có thể tập trung sức lực vào cải thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh, doanh nghiệp lại mất nhiều thời gian với các vấn đề pháp lý chỉ để đưa sản phẩm ra thị trường. Cuối cùng, thiếu hấp dẫn với các nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp cho biết các vướng mắc pháp lý cản trở việc triển khai và mở rộng sản phẩm, khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp. Hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt các nhà đầu tư có thể bị ảnh hưởng và gặp khó khăn trong việc kêu gọi vốn cho các vòng sau.

Ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng việc chưa có Sandbox không chỉ ảnh hưởng chung đến môi trường kinh doanh của Việt Nam, gây khó khăn cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, mà còn làm thiệt hại, ảnh hưởng tới người tiêu dùng. “Ví dụ như dịch vụ P2P, các app mọc như nấm, lừa đảo các kiểu… và ai là người lãnh hậu quả lừa đảo, là người dùng, khách hàng chứ ai”, ông Đồng quả quyết.