Miền Trung chủ động ứng phó bão số 9
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu cơn bão số 9, ngày và đêm 19/12, khu vực các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa có mưa to, nhiều nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 250mm...
Hồi 4 giờ sáng ngày 19/12, vị trí tâm bão ở khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, cách Bình Định - Phú Yên khoảng 270 Km về phía Đông; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (165-185km/giờ), giật trên cấp 17, bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250 Km tính từ tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển ngoài khơi Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có gió mạnh dần lên cấp 7-8, sau tăng lên cấp 9-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 14; sóng biển cao từ 6-8m; biển động dữ dội; ở vùng biển ven bờ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 13; sóng biển cao từ 4-6m; biển động dữ dội.
Số liệu từ Trạm quan trắc đảo Lý Sơn, cho biết do ảnh hưởng của bão số 9 kết hợp với không khí lạnh từ tối qua 18/12 tại đảo Lý Sơn đã ghi nhận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8.
Cũng theo dự báo mặc dù quỹ đạo bão không vào đất liền nhưng đây là cơn bão rất mạnh khi ở gần đất liền vẫn còn ở cấp 12 nên ảnh hưởng đến đất liền vẫn tương đương với cấp 8 - 9, phạm vi ảnh hưởng rộng, cường độ bão lớn; có thể gây nguy cơ cao đối với người và các phương tiện tàu cá, lồng bè nuôi trồng thủy sản và các phương tiện vận tải sông biển…
Để chủ động đối phó sức tàn phá của bão có thể gây ra, các đơn vị, địa phương các tỉnh miền Trung từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa đã và đang khẩn trương huy động phương tiện, lực lượng kêu gọi tàu thuyền ngoài khơi hướng dẫn về nơi trú ẩn an toàn tại các âu thuyền trú bão.
Ông Lê Trường Lưu, Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, cho biết tỉnh đã yêu cầu các địa phương sẵn sàng các phương án ứng phó, tăng cường công tác dự báo để có biện pháp ứng phó với mọi tình huống; lên phương án di dời dân các vùng xung yếu, đặc biệt là các xã ven biển đến nơi an toàn trước 17 giờ ngày 19/12. Đến nay, Thừa Thiên - Huế đã có hơn 2.000 phương tiện với 11.300 lao động làm nghề thủy sản vào bờ tránh trú an toàn.
Các lực lượng bộ đội Biên phòng, công an, giao thông vận tải…tại Đà Nẵng cũng đã triển khai nhiều phương án phòng chống bão số 9. Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, cho biết tính đến 14 giờ ngày 18/12, có 1.696 phương tiện đánh bắt thủy sản của các tỉnh miền Trung đã neo đậu an toàn tại các âu thuyền, vịnh kín gió trên địa bàn của quận.
Riêng tại Âu thuyền Thọ Quang (một trong những âu thuyền tránh bão lớn nhất của miền Trung) đã có 1.310 phương tiện vào tránh bão an toàn; số còn lại được hướng dẫn neo đậu tại khu vực biển Mân Thái, Cồn Ma và sông Hàn; 20 lồng bè nuôi trồng thủy sản tại khu vực bán đảo Sơn Trà cũng đã được chằng néo chắc chắn.
Do ảnh hưởng hoàn lưu của bão, khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa sẽ có mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 100-250 mm, có nơi trên 300 mm, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ các vùng trũng, thấp ven sông.
Quân khu 5 cũng đã lập các đoàn công tác, huy động lực lượng chỉ huy phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành miền Trung triển khai các phương án phòng chống bão số 9; sẵn sàng phương tiện di dời dân ở các vùng xung yếu đến nơi an toàn; chuẩn bị vật tư, nhân lực cùng với lực lượng của các tỉnh nhằm ứng phó kịp thời với các tình huống, hạn chế thiệt hại tính mạng và tài sản của nhân dân.
Tỉnh Quảng Ngãi đã có 5.720 tàu với hơn 35.000 lao động và 51 lồng bè nuôi trồng thủy sản được neo chằng, neo đậu tại các cảng và bến đậu trên địa bàn. Đồng thời tỉnh cũng đã sơ tán 54 hộ dân xã Nghĩa An, Nghĩa Phú (TP Quảng Ngãi) đến nơi tránh bão an toàn và đang triển khai kế hoạch di dời, sơ tán dân ở 22 xã của huyện đảo Lý Sơn trước 11 giờ sáng 19/12. Các huyện Mộ Đức, Bình Sơn, Đức Phổ cũng đang chuẩn bị sẵn sàng khi mưa lớn xảy ra gây ngập úng sẽ di dời dân ở những vùng trũng thấp đến nơi an toàn.