15:50 25/10/2021

Khu vực miền Trung có nguy cơ tiếp tục phải "gánh" bão

Chương Phượng

Hầu hết đất đai miền Trung đã bão hòa nước do mưa kéo dài nhiều ngay trong thời gian qua, trong khi áp thấp nhiệt đới trên biển Đông được dự báo sẽ tăng cấp lên thành bão hướng vào đất liền khu vực miền Trung trong vài ngày tới sẽ tiếp tục gây mưa lớn…

Cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, ngày 25/10/2021.
Cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, ngày 25/10/2021.

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài nhấn mạnh tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, ngày 25/10 và yêu cầu các địa phương phải sát sao kiểm tra toàn bộ khu vực dân cư có nguy cơ sạt lở để kịp thời sơ tán.

NGẬP LỤT Ở QUẢNG NAM, QUẢNG NGÃI

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, từ ngày 21/10 đến sáng 25/10, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 200-500mm, riêng tại Quảng Nam, Quảng Ngãi có lượng mưa phổ biến từ 400-600 mm.

Một số trạm mưa lớn hơn như: Tam Trà (Quảng Nam): 946 mm, hồ Phú Ninh (Quảng Nam): 695mm, Bình Khương (Quảng Ngãi): 859 mm, Trà Phú (Quảng Ngãi): 809 mm, Bình Tân (Quảng Ngãi): 802 mm.

 
Về nông nghiệp, có 162,39 ha lúa, ngô và 442,85 ha rau màu bị thiệt hại. Đối với chăn nuôi, nuôi trồng, có 2.811 con gia súc, gia cầm bị chết; 152,5 ha thủy sản bị thiệt hại.

Theo báo cáo, tình hình thiệt hại do mưa lũ trong 3 ngày vừa qua đã khiến 1 người chết và 3 người mất tích ở Quảng Ngãi.

Về giao thông và thủy lợi: 2.564m kênh mương bị sạt lở; 3 công trình thủy lợi, 12 công trình nước sạch bị hư hỏng; 28 đập dâng bị bồi lấp, sạt lở 160m bờ sông.

Đường Quốc lộ số 34 vị trí bị sạt lở tại Quảng Ngãi với tổng khối lượng sạt lở 3.754m3; 5.500m2 mặt đường bị hư hỏng. Đường tỉnh, huyện, xã ở các tỉnh Nam Trung Bộ có 95 vị trí bị sạt lở với tổng khối lượng sạt lở 6.123m3.

Về tình hình ngập lụt: Tại Quảng Nam có 5.373 nhà bị ngập thuộc các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Phú Ninh; thành phố Tam Kỳ và Hội An với mức ngập từ 0,3-1,0m). Tại Quảng Ngãi có 11.038 nhà bị ngập thuộc huyện Bình Sơn (có mức ngập từ 05-0,7m).

Hàng chục nghìn hộ dân ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành và TP Quảng Ngãi bị ngập sâu. UBND huyện Bình Sơn đã tổ chức sơ tán gần 700 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu ở vùng trũng thấp ven sông các xã Bình Minh, Bình Chương, Bình Chương, Bình Thuận, Bình Tân Phú... đến nơi ở an toàn.

Tại thị xã Đức Phổ, mực nước lũ trên sông Trà Câu đã vượt báo động 3 hơn 0,5 m. Địa phương này dự tính, nếu nước lũ tiếp tục dâng cao thêm 0,5 m nữa thì địa phương tổ chức sơ tán khoảng 400 hộ dân.

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các ngành, địa phương lập ban chỉ huy tiền phương để chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ; dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết ít nhất 7-10 ngày.

Mưa lớn kéo dài cũng khiến nhiều nơi ở vùng trũng Quảng Nam ngập sâu. Chưa hết, nhiều hồ thủy điện, thủy lợi xả lũ càng khiến vùng đồng bằng hạ du thêm ngập. Đặc biệt, nước trên thượng nguồn đổ về lớn khiến hàng trăm ngồi nhà ở rốn lũ xã Tam Đàn (huyện Phú Ninh) chìm trong biển nước, nhiều ngôi nhà bị ngập sâu từ 0,5 đến 1,5m, khiến người dân phải hối hả di dời tài sản chạy lũ trong những ngày vừa qua.

ỨNG PHÓ VỚI ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI SẮP THÀNH BÃO

Tại cuộc họp ngày 25/10, ông Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết sáng 25/10, áp thấp nhiệt đới cách đảo Song Tử Tây khoảng 110km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 7 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão ở khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển Bình Định đến Bình Thuận khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. 

“Đây là cơn bão di chuyển nhanh. Dự báo, mưa trọng tâm từ Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với lượng mưa phổ biến từ 100-300m. Sau đó, mưa sẽ dịch dần lên phía Bắc, trọng tâm từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế với lượng mưa từ ngày 27-30/10, từ 200-350mm, có nơi trên 400mm”, ông Lâm nhận định, đồng thời cảnh báo, sạt lở, lũ quét sẽ còn tiếp diễn ở Nam Trung bộ trong những ngày tới.

 
"Ở trên đất liền, không chỉ chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua mà còn chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ sắp tới, do đó, đề nghị cần đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực ngập lụt".
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai

Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng cho hay, hiện đã kiểm đếm, hướng dẫn 49.191 phương tiện/261.324 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đã tổ chức sơ tán 2.149 hộ/7.076 khẩu ở các khu vực bị ngập sâu và vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn (Quảng Nam 779 hộ/2.535 khẩu; Quảng Ngãi 1.370 hộ/4.541khẩu).

Chỉ đạo tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và Tổng cục Thủy sản căn cứ tình hình thức tiễn để thông tin cho bà con. Lực lượng biên phòng tăng cường bắn pháo hiệu để không chỉ cảnh báo cho tàu thuyền trên biển mà còn ở ven bờ để nâng cao ý thức phòng chống bão của bà con.

Ông Trần Quang Hoài yêu cầu ngành giao thông cần kiểm soát hệ thống giao thông, không chỉ ở quốc lộ mà còn ở các tuyến tỉnh lộ và huyện lộ. Về vấn đề này, cần có sự tham mưu để ngành giao thông có công điện chỉ đạo sâu sát, cụ thể.

“Hiện nay, đất đã bão hòa nước, do vậy, cần kiểm tra toàn bộ khu vực dân cư có nguy cơ sạt lở để kịp thời sơ tán”, ông Hoài nhấn mạnh. Đồng thời, đề nghị dừng tất cả các công trình đang thi công, nhất là việc thi công các nhà máy thủy điện, điện gió,…,chỉ trừ các bộ phận đang sửa chữa, khắc phục sạt lở đất ở ngành giao thông.

Ngoài ra, ông Hoài yêu cầu với các hồ thủy điện, phải theo dõi chặt chẽ, đề nghị Bộ Công Thương vận hành đúng quy trình. Khi vận hành xả lũ phải có thông tin kịp thời cho hạ du để bà con sơ tán kịp thời.