11:19 22/11/2023

“Miếng bánh” thương mại điện tử ngày càng lớn nhưng doanh nghiệp bưu chính nội đối diện cạnh tranh quyết liệt

Thu Minh

Mặc dù quy mô Thương mại điện tử ngày càng tăng nhưng các công ty chuyển phát nội địa sẽ phải đối mặt với rủi ro tiếp tục bị giảm thị phần trong lĩnh vực chuyển phát...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

VDSC vừa có báo cáo cập nhật triển vọng ngành bưu chính với điểm nhấn sự phát triển mạnh của Thương mại điện tử mở ra cơ hội cho ngành bưu chính.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với tác động của công nghệ số đã thúc đẩy thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu. Theo Allied Market Research, doanh thu thương mại điện tử toàn cầu đạt 15,7 nghìn tỷ USD trong năm 2022, với tốc độ tăng trưởng kép đạt 22% trong giai đoạn từ 2019 - 2022.

Quy mô thị trường tăng nhanh của thương mại điện tử đến từ sự phát triển của việc áp dụng rộng rãi các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng đã cho phép người tiêu dùng có thể mua sắm mọi lúc, mọi nơi thay đổi thói quen tiêu dùng từ truyền thống sang các kênh trực tuyến.

DỊCH VỤ CHUYỂN PHÁT TẠI VIỆT NAM ĐANG CHUYỂN MÌNH

Nhằm bắt kịp với xu hướng mới, các doanh nghiệp bưu chính có bước đổi mới từ giao hàng truyền thống (thư, báo) sang phát triển dịch vụ hậu cần (chuyển phát và kho vận).

Theo số liệu thống kê hết năm 2021 của Bộ TT&TT, doanh thu và sản lượng chuyển phát cho TMĐT lần lượt chiếm tỷ trọng 49% (+5 pps YoY) và 73% (+13 pps YoY) toàn ngành bưu chính (hình 2&3). Sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của TMĐT là động lực tăng trưởng của ngành bưu chính trong những năm gần đây.

Với đặc điểm là ngành có rào cản gia nhập thấp, số lượng doanh nghiệp bưu chính đã tăng từ 410 vào năm 2018 lên hơn 800 vào năm 2022 bởi sức hút từ việc nhu cầu vận chuyển tăng nhanh khi TMĐT bùng nổ tại Việt Nam. Điều này làm môi trường cạnh tranh trong ngành ngày càng gay gắt.

Trong những năm qua, các công ty bưu chính nội địa đối mặt với làn sóng nhượng quyền, đầu tư gián tiếp mở rộng thị trường của các công ty chuyển phát xuyên biên giới. Các doanh nghiệp có vốn nước ngoài không ngừng mở rộng đại lý nhượng quyền, đầu tư hạ tầng, giảm giá vận chuyển dưới giá thành, tăng chiết khấu, khuyến mại để cạnh tranh giành thị phần.

Nhóm các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, nhượng quyền thương mại phát triển mạnh trong năm qua gồm: BEST Express, J&T Express, Kerry Express, Shopee Express, Lazada Express, Giao hàng tiết kiệm (GHTK), Giao hàng nhanh (GHN), Ninjavan, Ahamove… Ngay cả những công ty nội địa có tiềm lực về tài chính, công nghệ như VN Post, EMS, VTP cũng bị giảm đáng kể thị phần trong những năm qua.

“Miếng bánh” thương mại điện tử ngày càng lớn nhưng doanh nghiệp bưu chính nội đối diện cạnh tranh quyết liệt - Ảnh 1

Hiện nay, các công ty bưu chính có xu hướng hoàn tất chuỗi giá trị bằng cách tập trung đầu tư trung tâm khai thác (Sorting center, Fulfillment center) với công nghệ hiện đại. Giao hàng tiết kiệm đang là đơn vị dẫn đầu về quy mô và số lượng trung tâm chia chọn, đi đầu trong việc đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại với công suất phân loại hàng hóa là 12.000 bưu kiện/giờ. Mặc dù, VTP không phải là đơn vị tiên phong, nhưng công ty đang sở hữu trung tâm logistics với công nghệ hiện đại bậc nhất cả nước, với nhiều tính năng vượt trội.

TRIỂN VỌNG NÀO CHO NHÓM BƯU CHÍNH NỘI ĐỊA?

Dư địa tăng trưởng dồi dào nhờ “song hành” cùng lĩnh vực TMĐT. Theo dự phóng của Allied Market Research, thị trường bưu chính chuyển phát Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kép 24% trong giai đoạn 2022 – 2030 và ước tính đạt 115 nghìn tỷ đồng vào năm 2030. Động lực tăng trưởng đến từ nhu cầu cao trong việc vận chuyển hàng hóa TMĐT.

Tiềm năng của hoạt động TMĐT đến từ: Việt Nam là một trong số các quốc gia có số lượng người mua sắm trực tuyến cao nhất Đông Nam Á; Việt Nam sở hữu dân số trẻ có tỷ lệ sử dụng thiết bị thông minh, internet ở mức cao.

Theo kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu Việt Nam sẽ có tỷ lệ người dân mua sắm trực tuyến đạt 55% với mức chi tiêu trung bình 600 USD/năm vào năm 2025. Qua đó, quy mô thị trường TMĐT sẽ đạt 23 tỷ USD vào năm 2025, tương đương với tốc độ tăng trưởng kép 23% trong giai đoạn 2022 – 2025.

Sự tăng trưởng của TMĐT xuyên biên giới cùng với quá trình toàn cầu hóa giúp quá trình mua hàng từ các website quốc tế, thanh toán thuận tiện hơn, dẫn đến số lượng nhập khẩu bưu kiện quốc tế tăng lên, từ đó thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ chuyển phát nhanh trong nước.

Trong Q3/2023, tổng quy mô thị trường sàn TMĐT đạt 63 nghỉn tỷ VNĐ (+54% YoY), ước tính chiếm tỷ trọng 40 - 45% tổng doanh thu TMĐT tại Việt Nam. Ba sàn TMĐT lớn nhất là Shopee, TikTok Shop, Lazada, sở hữu thị phần tương ứng là 69%, 16% và 16%.

Nhưng cơ hội giành cho công ty chuyển phát nội địa sẽ không dễ dàng. Xu hướng cạnh tranh trong ngành bưu chính vẫn còn dai dẳng, các công ty dường không chỉ cạnh tranh về giá trong chuyển phát, mà còn tập trung phát triển công nghệ, tăng trải nghiệm của người dùng (nhà cung cấp, khách hàng).

VDSC cho rằng, dù cho nhu cầu về chuyển phát và kho vận tăng nhanh trong những năm tới, nhưng sân chơi sẽ không còn nhiều cơ hội cho những doanh nghiệp có quy mô nhỏ do thiếu tiềm lực về tài chính và chạy đua công nghệ.

“Miếng bánh” thương mại điện tử ngày càng lớn nhưng doanh nghiệp bưu chính nội đối diện cạnh tranh quyết liệt - Ảnh 2

Nhìn chung, mặc dù quy mô TMĐT ngày càng tăng nhưng các công ty chuyển phát nội địa sẽ phải đối mặt với rủi ro tiếp tục bị giảm thị phần trong lĩnh vực chuyển phát TMĐT bởi vì thực tế tại các sàn TMĐT lớn ở Việt Nam  Shopee, Lazada đã sở hữu kho hàng hóa và đơn vị vận chuyển riêng (Shopee express, Lazada express); TikTop Shop hiện cũng đang có năm đơn vị vận chuyển cung cấp dịch vụ.

VDSC cho rằng, cơ hội để các doanh nghiệp bưu chính nội địa gia nhập trở thành đơn vị vận chuyển cho các sàn TMĐT là rất khó khăn. Thay vào đó, triển vọng giành cho nhóm công ty bưu chính nội địa sẽ dồi dào hơn khi tập trung vào cung cấp dịch vụ kho vận (3PL) và vận chuyển cho nhóm doanh nghiệp sản xuất/thương mại chưa hoàn thiện chuỗi giá trị logistics hoặc các Shop online trên các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook.