08:17 15/09/2010

“Mổ xẻ” vấn đề nợ công của Việt Nam

Nguyên Thảo

Nhiều vấn đề về nợ công được đề cập tại hội thảo “Nợ công - kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”

Tất cả các nước phát triển đều công khai các khoản nợ công của mình. Đấy là cách làm có trách nhiệm với nhân dân, những người chủ của đất nước cũng là các con nợ của các khoản nợ công.
Tất cả các nước phát triển đều công khai các khoản nợ công của mình. Đấy là cách làm có trách nhiệm với nhân dân, những người chủ của đất nước cũng là các con nợ của các khoản nợ công.
“Nợ công - kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” là chủ đề cuộc hội thảo được Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức tại Hà Nội trọn ngày hôm nay (15/9).

Hồi giữa năm nay, ủy ban này từng đưa ra cảnh báo “mức dư nợ Chính phủ và nợ quốc gia tăng sát mức trần cho phép, điều hành ngân sách và đảm bảo an ninh tài chính trong năm 2010 sẽ gặp nhiều khó khăn hơn năm 2009”.

Ngay sau đó, quản lý nợ công đã trở thành vấn đề “nóng bỏng” trên nghị trường tại kỳ họp Quốc hội thứ bảy (tháng 6/2010). Dù sự lo lắng có phần giảm bớt, khi hơn một lần trên diễn đàn Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính khẳng định “không có khoản nợ nào đến hạn mà không trả được, không có nợ quá hạn và nợ xấu”. Song, câu hỏi liệu Việt Nam đã tính đúng và tính đủ nợ công hay chưa, những bất cập đang tồn tại trong quản lý tài chính công sẽ được khắc phục như thế nào… dường như vẫn là nỗi băn khoăn không nhỏ.

Với sự có mặt của nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, nhiều nội dung liên quan đến những băn khoăn nói trên sẽ được “mổ xẻ” tại 8 chuyên đề của hội thảo.

Mở đầu, thực trạng nợ công và các vấn đề về quản lý nợ công tại Việt Nam sẽ được ông Hoàng Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) trình bày.

TS. Alex Warren-Rodríguez, Kinh tế trưởng của UNDP tại Việt Nam sẽ xuất hiện ở chuyên đề thứ hai: khủng hoảng nợ công của một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Chuyên đề 3 về cách tính nợ công theo thông lệ quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam do TS. Benedict Bingham, Đại diện thường trú cao cấp của IMF tại Việt Nam phụ trách.

Bà Keiko Kubota, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đem đến hội thảo chuyên đề tiếp theo về vai trò giám sát của Quốc hội để đảm bảo tính bền vững của nợ công.

Những vấn đề đặt ra đối với tình hình quản lý và giám sát tài chính công ở Việt Nam là chuyên đề thứ 5 được trình bày bởi TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Ông Hồ Quang Minh, Vụ trưởng Vụ Tài chính đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đem đến hội thảo những vấn đề đặt ra đối với việc quản lý và giám sát ODA tại Việt Nam. TS. Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cũng sẽ đăng đàn với "những vấn đề đặt ra đối với bảo lãnh nợ cho doanh nghiệp".

Chuyên đề cuối cùng về khuôn khổ pháp lý trong việc ký kết vay nợ nước ngoài – nhữngbất cập và đề xuất, kiến nghị sửa đổi sẽ được TS. Hoàng Phước Hiệp,Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp” đề cập.

Tổng quan về quản lý nợ công Việt Nam được trình bày tại hội thảo đã khẳng định những kết quả đạt được trong công tác này. Đó là đáp ứng được nhu cầu bổ sung vốn cho đầu tư phát triển và cân đối ngân sách Nhà nước. Vốn vay Chính phủ chiếm khoảng 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước khoảng 5% GDP (năm 2009 là 6,9%).

Nợ công vẫn đang trong giới hạn an toàn, phần lớn các khoản vay nước ngoài của Chính phủ có kỳ hạn dài, lãi suất cố định và ưu đãi. Hình thức huy động vốn ngày càng đa dạng và linh hoạt. Thể chế chính sách dần được hoàn thiện, công tác quản lý nợ ngày càng tốt hơn, dần tiếp cận thông lệ quốc tế.

Những tồn tại cơ bản được chỉ ra là thị trường trái phiếu trong nước phát triển còn hạn chế. Công tác huy động vốn ODA còn thụ động, nhiều khoản vay ODA còn gắn với những ràng buộc làm tăng chi phí đầu vào.

Cạnh đó, phân bổ vốn vay còn dàn trải; chủ trương huy động và sử dụng vốn cần gắn kết hơn với ngưỡng an toàn nợ. Hiệu quả sử dụng vốn vay chưa cao, chưa được quản lý giám sát chặt chẽ.
 
Các chỉ tiêu nợ trong tầm kiểm soát nhưng một số rủi ro thị trường cần được tính toán đo lường chính xác hơn; rủi ro tín dụng chưa được phản ánh trong phí cho vay lại và phí bảo lãnh của Chính phủ. Cơ chế cảnh báo sớm còn hạn chế và quyền hạn quản lý của các cơ quan còn chồng chéo; năng lực cán bộ cần được cải thiện…

VnEconomy sẽ tiếp tục cập nhật thông tin và những phân tích, bình luận xung quanh hội thảo này.