09:59 07/03/2024

Mỗi tháng có 300.000 thuê bao điện thoại “cục gạch” nhập mạng

Nhĩ Anh

Sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông và các nhà mạng thực hiện "siết", chặn không cho nhập mạng với điện thoại 2G Only (điện thoại "cục gạch") nhập lậu không hợp quy từ ngày 1/3, sẽ làm giảm nhanh điện thoại 2G tại Việt Nam. Qua 3 ngày đã có khoảng 5,4 nghìn máy thuê bao 2G Only không được hòa mạng...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thông tin tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, cho biết theo số liệu thống kê từ tháng 9/2023, Việt Nam còn khoảng 15 triệu thuê bao 2G đang hoạt động. Hiện, các nhà mạng đã đưa ra lộ trình để tắt sóng 2G.

BA NGÀY CHẶN 5.400 ĐIỆN THOẠI "CỤC GẠCH" 2G NHẬP MẠNG

Tuy nhiên, theo thống kê, mỗi tháng số lượng thuê bao 2G chỉ giảm khoảng 1%/tháng. Qua theo dõi có nhiều nguyên nhân nhưng theo ông Nhã, nguyên nhân cơ bản là do lượng thuê bao chỉ có thiết bị đầu cuối 2G (2G only) vẫn tiếp tục được hòa mạng với tỷ lệ cao, khoảng 300.000 điện thoại. Điều này làm cho số lượng thuê bao 2G chưa giảm nhanh như kỳ vọng.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn thông đã cùng các nhà mạng xây dựng cơ sở dữ liệu, rà soát và yêu cầu tất cả các thuê bao 2G Only (điện thoại “cục gạch” không hợp quy từ sau 1/3/2024 không được hòa mạng mới.

Ông Nhã cho biết, qua 3 ngày theo dõi đã có khoảng 5,4 nghìn máy thuê bao 2G Only không hợp quy chuẩn đã không được hòa mạng.

 
Ông Nguyễn Phong Nhã: "Việc yêu cầu chặn điện thoại 2G chưa hợp quy kết nối mạng mới từ ngày 1/3 sẽ làm giảm nhanh điện thoại 2G tại Việt Nam".
Ông Nguyễn Phong Nhã: "Việc yêu cầu chặn điện thoại 2G chưa hợp quy kết nối mạng mới từ ngày 1/3 sẽ làm giảm nhanh điện thoại 2G tại Việt Nam".

Với việc triển khai Thông tư 43/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về Quy chuẩn thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất yêu cầu các thiết bị đầu cuối 2G Only sẽ không được hòa mạng, các thuê bao 2G sẽ giảm nhanh.

Từ ngày 1/7/2021, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất buộc các thiết bị di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên. Việc yêu cầu chặn điện thoại 2G chưa hợp quy kết nối mạng mới từ ngày 1/3 sẽ làm giảm nhanh điện thoại 2G tại Việt Nam.

Tuy nhiên, những điện thoại 4G sử dụng phím bấm có ưu điểm pin lâu, nhu cầu sử dụng của người dùng máy với các tính năng đơn giản, chỉ có nhu cầu nghe gọi vẫn được nhập mạng và sử dụng bình thường, ông Nhã thông tin.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ cùng với các nhà mạng rà soát lại kế hoạch, đánh giá thực trạng và xem xét các giải pháp truyền thông, hỗ trợ cước, chuyển đổi các thuê bao 2G sang 4G, sử dụng nguồn vốn từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích và nguồn vốn hỗ trợ từ các địa phương… để giúp người dân chuyển đổi sang smartphone.

Việc chuyển điện thoại 2G sang điện thoại thông minh không chỉ thực hiện mục tiêu dừng công nghệ 2G mà còn đáp ứng nhu cầu sử dụng các tính năng hiện đại, thông minh của người dùng, đưa người dân lên môi trường số.

5G LÀ CƠ HỘI ĐỂ CÁC NHÀ MẠNG MỞ RỘNG KHÔNG GIAN KINH DOANH

Về vấn đề thương mại hóa 5G, đại diện Cục Viễn thông cho biết, mạng 5G đã được các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam thử nghiệm trong nhiều năm. Theo xu hướng, doanh thu của dịch vụ viễn thông truyền thống có xu hướng ngày càng giảm. Trong khi đó hiện nay đã xuất hiện nhiều dịch OTT thay thế dịch vụ viễn thông truyền thống (nghe gọi, nhắn tin) và phát triển rất nhanh. Do đó, nhu cầu về tốc độ, chất lượng mạng, những dịch vụ mới cần được nâng cấp.

Ngoài ra, điều quan trọng là hạ tầng luôn phải đi trước để từ đó có các dịch vụ đi kèm. Khi tham vấn về việc triển khai mạng 5G sau thử nghiệm, các doanh nghiệp đều mong muốn triển khai mạng 5G.

 
Theo kế hoạch, việc tổ chức đấu giá các băng tần 2600 MHz và 3700 MHz cho thông tin di động IMT (dự kiến diễn ra vào các ngày 8/3; 14/3 và 19/3/2024).

Với những ưu thế về lưu lượng lớn, độ trễ thấp, mật độ cao của mạng 5G là cơ hội để các nhà mạng triển khai mạng tại nhiều những khu công nghiệp, khu đông dân cư, có mật độ thiết bị đầu cuối cao, những nơi lưu lượng 4G không đáp ứng được nhu cầu của người dùng.

Đây cũng là cơ hội để các nhà mạng mở rộng không gian kinh doanh, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

Chia sẻ về việc đấu giá băng tần 5G sắp tới cũng như mức độ quan tâm của các doanh nghiệp, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện nhận xét, hiện nay, nhìn chung trên thế giới, việc phát triển 5G là xu hướng tất yếu của các nhà mạng. Tổ chức GSMA dự báo chung cho thị trường toàn cầu, đến năm 2028 số lượng kết nối 5G sẽ lớn hơn số kết nối 4G. Đến năm 2030, số lượng kết nối 5G sẽ chiếm khoảng 56% tổng số kết nối di động.

Ở trong nước, Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 40 Mb/s cho mạng 4G và 100 Mb/s cho mạng 5G. Đến năm 2030, mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số. Để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp rất cần có thêm các băng tần để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đặc biệt, hiện tại, công nghệ 5G đã phát triển chín muồi, thiết bị phổ biến và giá thành hạ so với giai đoạn 2-3 năm trước. Các nhà mạng tại Việt Nam sau một thời gian thử nghiệm đã sẵn sàng cho việc thương mại hóa 5G.

Do vậy, Cục Tần số vô tuyến điện cho rằng thời điểm hiện tại việc tổ chức đấu giá băng tần cho 5G là kịp thời và đáp ứng sự quan tâm của doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, việc tổ chức đấu giá các băng tần 2600 MHz và 3700 MHz cho thông tin di động IMT (dự kiến diễn ra vào các ngày 8/3; 14/3 và 19/3/2024).