12:02 25/08/2023

Thời điểm chín muồi để Việt Nam thương mại hóa 5G

Nhĩ Anh

Để triển khai 5G thành công cần yếu tố hạ tầng mạng lưới, trong đó có giấy phép, băng tần và sự sẵn sàng của hệ sinh thái thiết bị, các ứng dụng. Đây là thời điểm thuận lợi, chín muồi để có thể triển khai thương mại hóa 5G ở Việt Nam trong năm 2023 và đầu năm 2024...

Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “phát triển mạng 5G Make in Vietnam và cơ hội thúc đẩy thương mại hóa 5G” diễn ra ngày 25/8/2023. Ảnh: Việt Dũng.
Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “phát triển mạng 5G Make in Vietnam và cơ hội thúc đẩy thương mại hóa 5G” diễn ra ngày 25/8/2023. Ảnh: Việt Dũng.

Các chuyên gia, doanh nghiệp viễn thông, công nghệ đã nhấn mạnh điều này tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “phát triển mạng 5G Make in Vietnam và cơ hội thúc đẩy thương mại hóa 5G” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 25/8/2023.

3 YẾU TỐ CỐT LÕI ĐỂ TRIỂN KHAI 5G THÀNH CÔNG

5G được xác định là hạ tầng quan trọng cho thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phục vụ nhu cầu kết nối IoT, phát triển thông minh. 

Hiện nay, công nghệ 5G đang phát triển rất mạnh mẽ trên thế giới với 247 nhà mạng tại khoảng 100 quốc gia đã triển khai và khoảng 270 nhà mạng khác đang đầu tư chuẩn bị đưa công nghệ 5G đến với người dùng. Dự kiến, đến hết năm 2023 sẽ có thêm 30 thị trường tham gia vào sân chơi 5G.

Đến nay, số thuê bao 5G đã phát triển khá nhanh so với các mạng 3G, 4G trước đó. Trên toàn thế giới số thuê bao đã đạt hơn 1 tỷ thuê bao và dự báo sẽ đạt 3 tỷ thuê bao trong 3 năm tới.

 
Ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến- Điện tử Việt Nam.
Ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến- Điện tử Việt Nam.

"So với 97 nước đã triển khai thương mại 5G thì Việt Nam có thể nói là hơi chậm. Trong khu vực Đông Nam Á, nhiều nước như Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia… cũng đã triển khai 5G. Tuy nhiên, nếu so với yêu cầu có ứng dụng, thiết bị giá thành hợp lý, có người dùng và đạt hiệu quả kinh tế thì điều này là hoàn toàn phù hợp.

Để đồng bộ với sự phát triển, việc thúc đẩy 5G là cần thiết. Hầu hết các ý kiến đều khẳng định, đây là thời điểm thuận lợi, chín muồi để có thể triển khai thương mại hóa 5G ở Việt Nam trong năm 2023 và đầu năm 2024".

Theo Báo cáo kinh tế di động khu vực châu Á- Thái Bình Dương (APAC) 2023 của Hiệp hội hệ thống thông tin di động toàn cầu (GSMA) vừa được công bố, mạng 5G dự kiến sẽ chiếm 41% kết nối di động tại khu vực vào năm 2030 với khoảng 1,4 tỷ kết nối. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi việc giá của thiết bị 5G giảm, mạng lưới mở rộng nhanh chóng ở nhiều quốc gia...

Đặc biệt, đến năm 2030, 5G sẽ bổ sung thêm hơn 133 tỷ USD cho nền kinh tế khu vực. Các ngành dịch vụ (42%) và sản xuất (34%) sẽ là những lĩnh vực hưởng lợi nhất từ 5G, nhờ các ứng dụng trong các thành phố thông minh, nhà máy thông minh và lưới điện thông minh.

Ở Việt Nam, tháng 5/2019, cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam đã được thiết lập và đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện thành công cuộc gọi điện thoại công nghệ 5G.

Đến tháng 1/2020, Tập đoàn Viettel đã thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị do chính Viettel sản xuất, đưa Việt Nam vào nhóm nước dẫn đầu thế giới trong việc triển khai mạng 5G trên các thiết bị do doanh nghiệp trong nước tự sản xuất nghiệm 5G.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã cấp phép triển khai thử nghiệm 5G cho 3 nhà mạng (Viettel, VNPT, MobiFone) tại 40 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Cơ quan quản lý khuyến khích các doanh nghiệp thử nghiệm các ứng dụng của 5G, đánh giá nhu cầu của thị trường và phương án kỹ thuật để xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả nhất khi được cấp phép chính thức.

Theo ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến- Điện tử Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông, so với 97 nước đã triển khai thương mại 5G thì Việt Nam có thể nói là hơi chậm. Trong khu vực Đông Nam Á, nhiều nước như Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia… cũng đã triển khai 5G. Tuy nhiên, nếu so với yêu cầu có ứng dụng, thiết bị giá thành hợp lý, có người dùng và đạt hiệu quả kinh tế thì điều này là hoàn toàn phù hợp.

Để đồng bộ với sự phát triển, việc thúc đẩy 5G là cần thiết. Hầu hết các ý kiến đều khẳng định, đây là thời điểm thuận lợi, chín muồi để có thể triển khai thương mại hóa 5G ở Việt Nam trong năm 2023 và đầu năm 2024.

Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Lào và Campuchia, cho rằng để triển khai 5G thành công ở Việt Nam phải hội tụ đủ 3 yếu tố trong đó có hạ tầng mạng lưới, trong đó có giấy phép, băng tần và sự sẵn sàng của hệ sinh thái thiết bị, các ứng dụng.

MÔ HÌNH HẠ TẦNG 5G CHO NHÀ MẠNG VIỆT NAM

Liên quan đến triển khai thương mại hóa 5G, hiện nay trên thế giới đang có 2 mô hình 5G được triển khai là 5G phụ thuộc NSA (Non StandAlone) và 5G độc lập SA (StandAlone). Trong đó số đông các nhà mạng triển khai mô hình “5G phụ thuộc” NSA- là mô hình sử dụng chung hạ tầng mạng truy nhập và mạng lõi sẵn có của mạng 4G, qua đó tận dụng thiết bị, vùng phủ hiện có, giúp giảm chi phí và rút ngắn thời gian triển, nhưng nhược điểm là chưa giải quyết được yêu cầu độ trễ cực thấp và đáp ứng số lượng kết nối đồng thời cực lớn trong cùng một phạm vi.

Ngược lại, với mô hình 5G SA độc lập là mô hình hình 5G thực thụ, tách bạch hoàn toàn hệ với hệ thống mạng 4G, và đúng nghĩa tốc độ siêu cao và độ trễ cực thấp.

 
Ông Lê Bá Tân, Giám đốc Kỹ thuật, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).
Ông Lê Bá Tân, Giám đốc Kỹ thuật, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

"Về lâu dài, xu thế sử dụng hạ tầng độc lập SA sẽ ngày càng phổ biến nếu nhu cầu đòi hỏi lớn của các ứng dụng như nhà máy thông minh, IoT phát triển bùng nổ. Hiện nay, sau giai đoạn triển khai mạng 5G phụ thuộc Non SA, các nhà mạng trên thế giới bắt đầu chuyển đổi sang triển khai SA vào những khu vực có dịch vụ nhu cầu đòi hỏi SA.

Mạng 5G của Viettel sẽ đi theo hướng kết hợp cả 2 mô hình kiến trúc SA và Non SA theo nhu cầu khách hàng, phù hợp với thực tế phát triển, đòi hỏi của thị trường". 

Với nhà mạng Việt Nam, ông Lê Bá Tân, Giám đốc Kỹ thuật, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), cho biết việc sử dụng hạ tầng 5G phụ thuộc vào mạng 4G sẽ phù hợp và mang lại lợi ích với một số trường hợp như triển khai nhanh, phủ tốt hơn so với mạng 5G độc lập.

Theo nhà mạng, nhu cầu sử dụng và trải nghiệm của người dùng không có sự khác biệt lớn giữa mạng 5G độc lập và mạng phụ thuộc. Do đó, phần lớn các nhà mạng trên thế giới khi triển khai phục vụ nhu cầu kết nối con người với những hành vi sử dụng thông thường, việc ứng dụng mạng 5G phụ thuộc mang lại lợi ích, hiệu quả nhanh.

Tuy nhiên, công nghệ độc lập SA lại giúp giải quyết một số tiêu chí đòi hỏi kết nối mật độ siêu lớn, độ trễ siêu thấp. Đặc biệt với mô hình độc lập SA, trên cùng mạng 5G, nhà cung cấp có thể cắt lớp dịch vụ, đáp ứng nhu cầu khác nhau của đối tượng sử dụng với chất lượng cao.

Theo ông Tân, về lâu dài, xu thế sử dụng hạ tầng độc lập SA sẽ ngày càng phổ biến nếu nhu cầu đòi hỏi lớn của các ứng dụng như nhà máy thông minh, IoT phát triển bùng nổ. Hiện nay, sau giai đoạn triển khai mạng 5G phụ thuộc Non SA, các nhà mạng trên thế giới bắt đầu chuyển đổi sang triển khai SA vào những khu vực có dịch vụ nhu cầu đòi hỏi SA.

Mạng 5G của Viettel sẽ đi theo hướng kết hợp cả 2 mô hình kiến trúc SA và Non SA theo nhu cầu khách hàng, phù hợp với thực tế phát triển, đòi hỏi của thị trường. Theo đó, SA sẽ triển khai ở nơi có dịch vụ nhu cầu như xe tự lái, dịch vụ IoT, dịch vụ thông minh…, đáp ứng các nhu cầu cá thể hóa. Trên mạng lưới của Viettel đã triển khai SA ngay từ thời điểm thử nghiệm mạng 5G (như tại Hà Nam, Hà Nội, Đà Nẵng…).

Nhà mạng sẽ đầu tư mạng lõi 5G độc lập để đảm bảo có mạng 5G SA ở mọi nơi, mọi chỗ cần thiết phải triển khai. Hiện nay các thiết bị đầu cuối hỗ trợ SA vẫn còn rất hạn chế. Đồng thời sẽ triển khai Non SA ở những khu vực chỉ có nhu cầu hành vi kết nối bình thường của con người. Theo xu thế trong tương lai sẽ hướng đến triển khai mô hình SA mạnh mẽ hơn.

Chia sẻ quan điểm này, ông Hoan cho rằng qua 4 thế hệ di động, đến 5G, ý tưởng đã có sự thay đổi. Do đó trong quá trình phát triển, các hệ sinh thái SA và Non SA vẫn phát triển, không nhà mạng nào lựa chọn ngay SA và cũng không bỏ hẳn Non SA.

Tất nhiên, nếu chỉ sử dụng mô hình phụ thuộc Non SA sẽ không thể thực hiện được hết các ý tưởng phát triển của 5G. Muốn đạt được mục tiêu kết nối với độ trễ siêu thấp, độ chính xác siêu cao và mật độ IoT cực lớn thì phải ứng dụng SA, ông Hoan nói.