19:47 07/02/2007

Mua bán cổ phiếu đã giảm nhiệt

Hồng Kỳ

Phiên giao dịch ngày 7/2 trên sàn chứng khoán Tp.HCM đã chứng kiến sự “giằng co” về giá của các cổ phiếu

Khối đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lượng cầu khi mua vào 1,8 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ - Ảnh: Việt Tuấn.
Khối đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lượng cầu khi mua vào 1,8 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ - Ảnh: Việt Tuấn.
Phiên giao dịch ngày 7/2 trên sàn chứng khoán Tp.HCM đã chứng kiến sự “giằng co” về giá của các cổ phiếu.

Điều này được thể hiện qua sự biến động của VN-Index, giảm nhẹ trong đợt khớp lệnh 1 và 2, tăng trở lại trong đợt khớp lệnh cuối cùng. Kết quả của sự biến động giá cổ phiếu là tổng khối lượng giao dịch sụt giảm nhẹ so với phiên trước.

Theo kết quả thống kê của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, giao dịch trên sàn chứng khoán Tp.HCM có phần giảm nhiệt đi đôi chút. Không còn chu kỳ kéo giá ào ạt như trước, tuy nhiên bên bán cũng không muốn “bán non” số cổ phiếu vừa mua cách đây không lâu nên tìm cách “trì hoãn”, tạo ra sự “giằng co” về giá của các cổ phiếu cũng như sự cân bằng về lượng cung cầu.

Tổng cầu có 9.225 lệnh đặt mua 14,7 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ (-0,8%) trong khi tổng cung có 7.332 lệnh đặt bán 14,4 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ (+16%).

Kết quả, có khoảng 7,6 triệu cổ phiếu khớp lệnh và 376.970cổ phiếu được thoả thuận, với giá trị đạt 875 tỷ đồng. Kết thúc phiên có 66/107 cổ phiếu tăng giá, 14 cổ phiếu đứng giá và 27 cổ phiếu giảm giá. Chỉ số VN-Index tăng nhẹ 4,37 điểm (+0,4%), đóng cửa ở mức 1.095,75 điểm.

Có lẽ do tác động từ thông tin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận xét P/E quá cao, cổ phiếu HBC giảm 3.000 đồng, PVD và VIP giữ giá. Trong số blue-chips có GMD tiếp tục giảm 8.000 đồng. Cổ phiếu Điện PPC và Khu công nghiệp ITA giảm sàn.

Các cổ phiếu khác như TDH, GMD, KDC, SAM, DHG, PPC cũng giảm với mức giảm từ 5.000 - 9.000 đồng/cổ phiếu. Nhóm giảm từ 1.000 - 3.500 đồng lần lượt là CII, HBC, NKD, ABT, GIL, TAC, TCT, VID, LGC, TMC, GMC và MHC.

Nhóm blue-chips vẫn tăng nhưng không tăng “nóng” như phiên trước. FPT tăng thêm 10.000 đồng lên 635.000 đồng, SJS thêm 20.000 đồng, đạt 422.000 đồng, VNM tăng 8.000 đồng lên 200.000 đồng, STB tăng 2.000 đồng lên 100.000 đồng.

Bốn cổ phiếu của 4 công ty lớn nhất sàn niêm yết Tp.HCM về vốn điều lệ là PPC, STB, VNM và VSH là những mã có số lượng giao dịch lớn nhất sàn. Cụ thể STB dẫn dầu với 881.820cổ phiếu khớp lệnh, PPC với 527.350cổ phiếu, VNM có hơn 384.400 cổ phiếu và VSH có 30.325 cổ phiếu được chuyển nhượng.

Trong số này, chỉ riêng PPC giảm 5.000 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu còn lại đều tăng. Cộng thêm với sự tăng giá của FPT, SJS đã kéo VN-Index “leo dốc”, mặc dù sự “leo dốc” này hơi khó khăn.

Khối đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lượng cầu khi mua vào 1,8 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, tương đương 303 tỷ đồng (35% thị trường). Các mã được mua nhiều là VNM, PPC, VSH, CII, PVD, SAM, FPT, VIP, KDC...

Ngược lại, khối nước ngoài cũng bán ra 607.00 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, tương đương 73 tỷ đồng giá trị. Các mã được bán nhiều là PPC, VSH, IMP, TDH, PGC, ITA...

Hai chứng chỉ quỹ biến động không nhiều. BF1 tiếp tục đứng giá ở mức 14.100đ với hơn 605.000 đơn vị chuyển nhượng, còn VF1 giảm 100 đồng xuống 42.300 đồng với gần 370.000 chứng chỉ giao dịch. Tổng giá trị khớp lệnh chứng chỉ quỹ trong ngày đạt 24 tỷ đồng.

Ngoài ra, thị trường có thêm 12 mã trái phiếu được giao dịch trong đó có trái phiếu Vietcombank giá trung bình 208.830 đồng. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường trong ngày đạt 975 tỷ đồng.

Tại sàn Hà Nội, HASTC-Index tăng 3,8 điểm, đóng cửa đạt 346,42 điểm. Cả phiên có hơn 3 triệu cổ phiếu khớp lệnh, giá trị đạt 277 tỷ đồng.