Mùa chia cổ tức, giá cổ phiếu được đẩy lên cao
Hai phiên giao dịch liên tiếp, chỉ số giá chứng khoán tại hai thị trường niêm yết đều tăng mạnh. Thị trường bắt đầu có dấu hiệu tăng giá trở lại
Hai phiên giao dịch liên tiếp, chỉ số giá chứng khoán tại hai thị trường niêm yết đều tăng mạnh. Thị trường bắt đầu có dấu hiệu tăng giá trở lại.
Đặc biệt, kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 4/1, chỉ số VN-Index của sàn Tp.HCM đã đạt mức 788,82 điểm, tăng 31,11 điểm (4,11%), mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 652 tỷ đồng.
Sự lên giá gần như đồng loạt của các cổ phiếu niêm yết trong phiên giao dịch này đã gần như chấm dứt thời gian chờ đợi ngắn ngủi vừa qua. Theo giới chuyên môn, một trong những lý do đó là việc các thông tin hấp dẫn về kết quả kinh doanh từ các tổ chức niêm yết đã bắt đầu được tung ra.
Với mức cổ tức ngất ngưởng 60%/năm của năm 2006, giá giao dịch của cổ phiếu HRC của Công ty Cổ phần Cao su Hòa Bình tiếp tục được đẩy lên kịch trần 179.000 đồng/cổ phiếu. Điều đáng nói là lượng bán ra bao nhiêu được thị trường vét sạch đến đó.
Như vậy, sau 7 phiên giao dịch tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM tính từ ngày giao dịch đầu tiên 26/12/2006, HRC chỉ có một phiên đứng giá, còn lại 5 phiên tăng trần. Giá cổ phiếu HRC vẫn được dự báo tăng tiếp cho đến ngày giao dịch không hưởng quyền 10/01/2007.
Cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank cũng đã tăng lên mức 76.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này (nếu tính cả phần 10% cổ phiếu thưởng) thì đã vượt mức giá giao dịch đầu tiên của cổ phiếu này tại sàn Tp.HCM.
Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khiến cho giá STB tăng nhanh trong thời gian này là do thông tin Ngân hàng Sacombank sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông với mức 15%.
Trường hợp của cổ phiếu VFC của Công ty Cổ phần Vinafco, giá cổ phiếu tăng trong vài phiên gần đây là do thông tin về việc phát hành thêm cổ phiếu. Theo phương án vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp vào chiều ngày 4/1/2007, tổng số lượng cổ phiếu phát hành thêm của Vinafco là 1.200.000 cổ phiếu, trong đó số lượng cổ phiếu phát hành cho các cổ đông hiện hữu: 557.570 cổ phiếu theo hình thức thực hiện quyền với tỷ lệ 10:1, số lượng cổ phiếu phát hành cho các đối tác chiến lược: 642.430 cổ phiếu theo hình thức chào bán riêng lẻ.
Tại sàn Tp.HCM, ngoại trừ 15 loại cổ phiếu giảm giá, 10 loại đứng giá, hơn 80 loại cổ phiếu còn lại đều tăng giá và tăng giá trần.
Giá giao dịch của hai loại chứng chỉ quỹ là VF1 và BF1 cũng tăng lên mức trần và sát trần, đạt giá trị giao dịch hơn 23 tỷ đồng. Riêng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài thì cũng gia tăng mạnh. Những cổ phiếu mà nhóm này mua nhiều nhất như: FPT, PVD, RAL, GMD,...
Tại thị trường niêm yết Hà Nội, cầu chứng khoán đột ngột tăng mạnh trong phiên giao dịch 287 ngày 04/01/2007. Theo thống kê của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, lượng cổ phiếu đặt mua đạt tới 88 triệu cổ phiếu (tăng 57,08% so với phiên trước). Trong khi đó, tổng khối lượng đặt bán toàn thị trường là 2,96 triệu cổ phiếu.
Trong số 87 loại cổ phiếu đang giao dịch tập trung tại đây, có tới 43 cổ phiếu tăng giá, tuy nhiên tăng mạnh nhất lại là các cổ phiếu thuộc lĩnh vực tài chính - ngân hàng và bảo hiểm như ACB, BMI, BVS, HPC, SSI, VNR.
Trong đó, BMI có giá tăng kịch trần với mức tăng 12.400 đồng/cổ phiếu, SSI tăng 14.700 đồng/cổ phiếu, VNR tăng 4.600 đồng/cổ phiếu, ACB tăng 2.500 đồng/cổ phiếu, BVS tăng 1.200 đồng/cổ phiếu, HPC tăng 1.000 đồng/cổ phiếu.
Các cổ phiếu thuộc các nhóm ngành xây dựng, cơ khí, điện lực cũng đồng loạt tăng giá. Chỉ số HASTC - Index tiếp tục tăng phiên thứ 2 liên tiếp với mức tăng khá mạnh 11,68 điểm (4,74%), đạt 258,05 điểm. Tổng giá trị giao dịch của sàn Hà Nội đạt 197,22 tỷ đồng, tăng 55,94% so với phiên trước.
Cùng với xu hướng tăng trưởng của thị trường, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng khá sôi động trong phiên này. Những cổ phiếu được nhóm này mua vào nhiều nhất là BCC, BTS, BVS, PPC, SSI và TBC với tổng khối lượng mua vào 470.400 cổ phiếu, trong khi họ chỉ thực hiện bán ra cổ phiếu BMI và SSI với khối lượng nhỏ (8.000 cổ phiếu).