15:42 17/04/2023

Mức sống ngày càng giảm, kinh tế Nhật Bản trước nguy cơ tái trì trệ

An Huy

Do tiền lương tăng chậm hơn lạm phát, nền kinh tế Nhật Bản đối mặt với nguy cơ trì trệ giữa lúc áp lực thắt chặt chính sách tiền tệ ngày càng lớn...

Người bộ hành trên đường phố vào buổi sáng ở Tokyo, Nhật Bản, tháng 3/2023 - Ảnh: Bloomberg.
Người bộ hành trên đường phố vào buổi sáng ở Tokyo, Nhật Bản, tháng 3/2023 - Ảnh: Bloomberg.

Người lao động Nhật Bản vẫn chưa được được tăng lương tới mức đủ để bù lại sự tăng giá tiêu dùng. Điều này khiến mức sống của họ ngày càng giảm và đặt ra thách thức mới đối với vị Thống đốc mới của Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ).

Hãng tin CNN dẫn thống kê chính thức được Chính phủ Nhật Bản công bố mới đây cho thấy sau khi trừ đi lạm phát, tiền lương ở Nhật trong tháng 2 giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 11 liên tiếp tiền lương trừ đi lạm phát ở Nhật giảm, bất chấp một chiến dịch lớn do Thủ tướng Fumio Kishida khởi xướng nhằm tăng lương cho người lao động.

CUỘC ĐÀM PHÁN TIỀN LƯƠNG

Các chuyên gia kinh tế nói rằng vấn đề này có thể sẽ tiếp tục “ám” vị Thống đốc mới của BOJ, ông Kazuo Ueda - người mới nhậm chứ chưa đầy nửa tháng và đang đối mặt với sức ép phải dịch chuyển khỏi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo được theo đuổi bởi người tiền nhiệm Haruhiko Kuroda.

Với tỷ lệ lạm phát 3,1% trong tháng 1, cao hơn so với mục tiêu của BOJ là 2%, đây được xem là lúc BOJ nên chấm dứt chương trình kích cầu khổng lồ bằng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, giá cả tăng vượt mục tiêu ở Nhật Bản chủ yếu do chi phí nhập khẩu gia tăng thay vì nhu cầu mạnh tại thị trường nội địa. Điều đó có nghĩa là ông Ueda sẽ gặp khó khăn trong việc tăng lãi suất, nhất là trong bối cảnh mức sống của người dân không hề tăng.

Khi còn giữ cương vị người đứng đầu BOJ, ông Kurro là “kiến trúc sư trưởng” của các biện pháp kích cầu quyết liệt nhằm tạo ra cú huých cho nền kinh tế Nhật Bản sau nhiều thập kỷ nước này chìm trong tình trạng tăng trưởng trì trệ. Chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo với dấu ấm đậm nét của ông Kuroda đã bị chỉ trích là bóp méo thị trường, cho dù đã thành công trong việc làm suy yếu đồng Yên và thúc đẩy xuất khẩu.

Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực nào nhằm từ bỏ chính sách này cũng có thể gây thêm rắc rối nếu được thực hiện trong điều kiện không phù hợp.

Nếu ông Ueda thắt chặt chính sách tiền tệ trước khi nền kinh tế đạt tới sự tăng trưởng đủ mạnh và vững, hệ quả sẽ là nhu cầu giảm sút và tăng trưởng bị đốn gục. Đó là lý do tại sao tăng trưởng tiền lương mạnh là điều cần phải đạt được trước khi BOJ có thể tăng lãi suất - các chuyên gia kinh tế khuyến nghị.

“Sự trì trệ của tiền lương sẽ khiến cho ông Ueda không còn lựa chọn nào khác ngoài việc duy trì lãi suất chính sách ngắn hạn ở ngưỡng 0% trong những năm tới. Việc ông ấy sẽ làm trong những tháng sắp tới chỉ là làm sao để chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo được bền vững hơn mà thôi”, chuyên gia Shigeto Nagai - trưởng bộ phận kinh tế Nhật Bản tại công ty nghiên cứu Oxford Economics - nhận định.

Thủ tướng Kishida đã và đang hối thúc doanh nghiệp Nhật hỗ trợ người lao động thích ứng với chi phí sinh hoạt leo thang. Vấn đề tiền lương trì trệ có thể được cải thiện trong năm nay, vì các công ty ở Nhật đang hưởng ứng lời kêu gọi tăng lương để bù lạm phát.

Tháng trước, tổ chức công đoàn lớn nhất Nhật Bản Rengo cho biết hơn 800 nghiệp đoàn và chủ sử dụng lao động đã đạt một thoả thuận sơ bộ về tăng lương bình quân 3,8%. Đây sẽ là đợt tăng lương mạnh nhất ở Nhật Bản kể từ năm 2013, theo Rengo. Bảng lương mới dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng này - thời điểm bắt đầu năm tài khoá ở Nhật Bản.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng việc tăng lương này có thể mang lại hiệu ứng kinh tế vĩ mô tích cực, một số khác tỏ ra thận trọng. “Việc tăng lương công bố tại cuộc đàm phán lương mùa xuân là một khởi đầu tốt, nhưng còn quá sớm để nói về ảnh hưởng vĩ mô”, chuyên gia kinh tế trưởng Stefan Angrick của Moody’s Analytics ở Tokyo nhận định.

THẾ CÂN BẰNG MONG MANH

Cũng như ở các khu vực khác trên thế giới, lạm phát tăng đã trở thành một vấn đề nan giải ở Nhật Bản, dù nước này vốn dĩ có mức lạm phát thấp trong suốt nhiều thập kỷ. Ông Angrick lưu ý rằng lạm phát lõi, tức lạm phát không tính đến xăng dầu và lương thực-thực phẩm, ở Nhật Bản đã giảm xuống mức 3,1% trong tháng 2 từ 4,2% trong tháng 1 nhờ trợ giá năng lượng của Chính phủ dành cho các hộ gia đình.

Tỷ lệ lạm phát này vẫn còn thấp nếu so với ở Mỹ hay châu Âu, nhưng ở Nhật Bản, lạm phát như vậy đã đủ cao để khiến các hộ gia đình cảm thấy áp lực chi phí sinh hoạt, xét tới sự trì trệ của tiền lương - theo ông Angrick. Theo vị chuyên gia, mức tăng lương ở Nhật trong năm nay được cho là sẽ vượt những năm trước kia, nhưng mức tăng chưa chắc đã bắt kịp với lạm phát.

BOJ đã theo đuổi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo kể từ khi ông Kuroda lên cầm quyền ở BOJ 10 năm trước. Năm 2016, sau nhiều năm mà việc mạnh tay bơm tiền vào nền kinh tế thông qua mua trái phiếu không mang lại tác dụng đẩy giá cả tăng (trong khoảng thời gian lạm phát ở Nhật còn thấp dưới mục tiêu) như mong muốn của các nhà hoạch định chính sách, BOJ đã triển khai chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC). Trong chương trình này, BOJ mua vào một khối lượng trái phiếu theo mục tiêu nhằm đẩy lợi suất xuống, để vừa kích thích lạm phát tăng và vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo một phần của chính sách YCC, BOJ đặt mục tiêu một số lãi suất ngắn hạn ở mức siêu thấp là âm 0,1% và lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%. Tuy nhiên, khi giá cả leo thang và lãi suất ở các nền kinh tế khác tăng, BOJ đương đầu với sức ép ngày càng lớn trong việc phải từ bỏ chương trình này.

“BOJ đang bị kẹt giữa một bên là việc thị trường tài chính kỳ vọng sự xoay trục chính sách và một bên là việc nhận thấy rằng một sự rút lui quá sớm khỏi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo có thể làm trệch hướng nền kinh tế và bất kỳ hy vọng nào về đạt tới mục tiêu lạm phát 2% bền vững và do cầu kéo mà BOJ mong muốn”, ông Angrick lập luận trên CNN.

“Bên cạnh đó, lạm phát tiêu dùng đang cao hơn nhiều so với mục tiêu. Tất cả những điều này đòi hỏi sự điều hành chính sách và truyền đạt chính sách cẩn trọng”.

Tháng 12 năm ngoái, BOJ khiến thị trường tài chính toàn cầu “sốc nặng” khi cho phép lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng/giảm 0,5 điểm phần trăm quanh mức mục tiêu 0%.

Động thái này thổi bùng những đồn đoán rằng BOJ có thể đi theo hướng của các ngân hàng trung ương lớn khác, tức là cho phép lãi suất tăng cao hơn. Phản ứng của thị trường với động thái đó của BOJ cũng cho thấy nhất cử nhất động của ngân hàng trung ương này đều được dõi theo.