06:00 23/03/2023

Dân số già bùng nổ, Trung Quốc trước nguy cơ "thập kỷ lạc lối" như Nhật Bản

Ngọc Trang

"Thập kỷ lạc lối" của Nhật Bản với tăng trưởng kinh tế đi ngang và giảm phát bắt đầu xảy ra sau khi bong bóng thị trường bất động sản vỡ vào năm 1991. Nguyên nhân một phần là sự bùng phát dân số già - điều đang xảy ra tại Trung Quốc hiện nay...

Hệ thống hưu trí Trung Quốc ngày càng đối mặt áp lực lớn khi số lượng người về hưu gia tăng - Ảnh: Getty Images
Hệ thống hưu trí Trung Quốc ngày càng đối mặt áp lực lớn khi số lượng người về hưu gia tăng - Ảnh: Getty Images

Nằm bên bờ sông Dương Tử và biển Hoàng Hải, thành phố Nam Thông của Trung Quốc có nhiều cư dân cao tuổi đến nỗi thoạt nhìn nhiều người tưởng đây là một cộng đồng hưu trí.

Tại đây, người cao tuổi làm bảo vệ tại ở các nhà máy, vận hành các cửa hàng tạp hóa, rửa bát đĩa, phục vụ bàn tại nhà hàng, làm những công việc nặng nhọc trên các cánh đồng hạt hải hay những việc tương tự khác.

Nam Thông hiện là thành phố có dân số già nhất tại Trung Quốc. Theo Điều tra dân số quốc gia năm 2020 của nước này, người trên 60 tuổi chiếm tới 30% trong tổng số 7,7 triệu dân của Nam Thông, gần gấp đôi so với mức trung bình 18,7% của cả nước.

Được biết đến là nơi khai sinh nền công nghiệp hóa hiện đại của Trung Quốc, nơi có những nhà máy dệt đầu tiên của nước này vào những năm 1890, thời hoàng kim của Nam Thông bắt đầu lụi tàn vào những năm 1990 khi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở thành phố Tô Châu và Thượng Hải lân cận, thu hút người dân địa phương rời đi. Giờ đây, Nam Thông đang già đi nhanh chóng.

Theo tờ báo Nikkei Asia, Nam Thông không chỉ là cánh cửa sổ nhìn về quá khứ của Trung Quốc mà còn là cho thấy tương lai của quốc gia đông dân nhất thế giới. Theo các dự báo chính thức của nước này, tình trạng nhân khẩu học của cả Trung Quốc sẽ giống như Nam Thông lúc này vào năm 2035 nếu xu hướng hiện tại vẫn tiếp diễn. Tại đây, nhiều trường học đã đóng cửa hoặc sáp nhập. Còn các hiệu thuốc hiện bán tã người lớn nhiều hơn tã trẻ em.

Tại quận Rudong của Nam Thông, xu hướng già hóa thậm chí diễn ra nghiêm trọng hơn khi có tới 39% dân số trên 60 tuổi.

"Người trẻ không thích kiểu lao động cực nhọc này", ông Wang Qiao nói khi đang dọn bàn tại một quán ăn ở Rudong cùng đồng nghiệp của mình, cả hai đều đã gần 80 tuổi. “Họ thích làm việc ở những thành phố lớn”.

CÙNG GIÀ HÓA NHƯNG TRUNG QUỐC "KÉM MAY MẮN" HƠN NHẬT BẢN

Theo dự báo của Chính phủ Trung Quốc, tới năm 2035, nước này có khoảng 400 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm khoảng 30% dân số. Tỷ lệ giữa người trẻ và người già được dự báo sẽ ngày càng trở nên mất cân bằng khi số ca tử vong năm 2022 đã lần đầu tiên vượt số ca sinh kể từ năm 1961.

Tháng 1/2023, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã xác nhận dự báo của các học giả và các nhà kinh tế rằng dân số của Trung Quốc đã giảm xuống trong năm 2022, cụ thể giảm 850.000 người xuống còn 1,412 tỷ người.

Lần cuối cùng dân số nước này giảm so với năm trước đó là vào năm 1961 khi nước này trải qua nạn đói. Nhưng đó là sự suy giảm dân số tạm thời trong ngắn hạn. Còn hiện tại, sự suy giảm được dự báo sẽ kéo dài, khó có thể đảo ngược và là hệ quả của “chính sách một con” để kìm hãm đà sinh suốt hơn 3 thập kỷ. Theo các nhà phân tích, dựa trên kinh nghiệm từ các quốc gia khác, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chịu tác động sâu rộng do tình hình nhân khẩu học này.

Với dân số suy giảm trong năm 2022, Trung Quốc gia nhập câu lạc bộ các nền kinh tế lớn tại châu Á chịu chung xu hướng này. Nhật Bản và Hàn Quốc hiện là những quốc gia già hóa dân số nhất thế giới, trong đó Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất toàn cầu. Singapore, Thái Lan và Đài Loan cũng là những nền kinh tế đang chứng kiến dân số suy giảm. Trong khi đó, Việt Nam, Philippines và nhiều quốc gia khác đang chứng kiến tốc độ tăng dân số giảm sút.

Ở những quốc gia may mắn nhất, tình trạng già hóa xảy ra khi đất nước đang ở trạng thái tương đối thịnh vượng, đồng nghĩa rằng người cao tuổi có thể hưởng cuộc sống về hưu thoải mái. Ví dụ điển hình là Nhật Bản, nơi đạt mức thu nhập trung bình thuộc top đầu thế giới trước khi dân số bắt đầu già hóa.

“Nhật Bản già sau khi giàu”, bà Lauren Johnston, phó giáo sư của Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Sydney. "Vì vậy, ở đây có một thế hệ sau chiến tranh, hay những người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh cổ điển (baby boomer), sống một cuộc sống thoải mái ở mỗi giai đoạn của cuộc đời".

Tuy nhiên, Trung Quốc lại khác, "kém may mắn" hơn. Nước này sẽ phải đối mặt với vấn đề dân số trong bối cảnh kinh tế rất khác. Đó là Trung QUốc chưa phải quốc gia có thu nhập cao. Và sự suy giảm dân số có thể kéo tụt tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc khi dân số về hưu khổng lồ sẽ tiêu tốn một phần nguồn lực lớn hơn bao giờ hết. Một số nhà phân tích dự báo rằng Trung Quốc đang hướng tới thảm họa khi lực lượng lao động suy giảm hơn nữa, trong khi các quỹ hưu trí cạn thiệt và hệ thống y tế bị quá tải.

Trên thực tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang ngày càng lo lắng về tình trạng tỷ lệ sinh giảm. Tỷ lệ sinh của nước này đã giảm xuống dưới 1,1 trong năm 2022, trong khi tỷ lệ cần thiết để duy trì dân số là 2,1.

Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con bằng hỗ trợ tiền mặt và ngày nghỉ chăm con - Ảnh: Getty Images
Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con bằng hỗ trợ tiền mặt và ngày nghỉ chăm con - Ảnh: Getty Images

“Tổng tỷ suất sinh là 1,3 hoặc thấp hơn là điều chúng ta không muốn thấy. Chúng tôi tin rằng nếu tỷ lệ sinh duy trì ở mức 1,5-1,6 sẽ có lợi hơn cho sự phát triển của nền kinh tế và xã hội”, Zhai Zhenwu, Chủ tịch Hiệp hội Dân số Trung Quốc, cơ quan chịu sự giám sát của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, nói trong một cuộc phỏng vấn vào năm ngoái.

Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải dự báo dân số Trung Quốc có thể giảm xuống chỉ còn 587 triệu người vào năm 2100, chưa bằng một nửa so với hiện nay. Điều này đồng nghĩa cứ 100 người trong độ tuổi lao động ở nước này thì sẽ có 120 người già cần hỗ trợ.

TỰ NÉM ĐÁ VÀO CHÂN MÌNH

Theo các nhà phân tích, “quả bom” nhân khẩu học hiện tại mà Trung Quốc gánh chịu bắt nguồn từ chính quốc gia này. Tình trạng thiếu trẻ em hiện nay là hậu quả hơn 3 thập kỷ áp đặt “chính sách một con”, tức mỗi gia đình chỉ được sinh một con, từ năm 1980 đến 2016. Song song với việc cải cách kinh tế, chính sách này được đưa ra nhằm hạn chế quy mô nhưng nâng cao “chất lượng” của dân số.

“Kiểm soát sự tăng trưởng dân số một cách có kế hoạch sẽ có lợi cho sự phát triển của nền kinh tế quốc gia”, Thủ tướng Trung Quốc khi đó là ông Hoa Quốc Phong phát biểu vào năm 1978, đồng thời công bố mục tiêu đưa tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của nước này xuống dưới 1% vào năm 1981. Trung Quốc cuối cùng đã đạt được tỷ lệ đó vào năm 1998, sau vô số ca phá thai và triệt sản bắt buộc.

Chính sách một con đã gây thiệt hại cho nhiều gia đình Trung Quốc. Nhưng điều đáng nói là giờ đây, tỷ lệ sinh tại Trung Quốc đang giảm - mà không cần chính sách một con - tương tự như ở nhiều nền dân chủ trên thế giới, như một tác dụng phụ của sự tăng trưởng kinh tế, tuổi thọ tăng lên, dân số có quyền tự do hơn và phụ nữ được tiếp cận giáo dục tốt hơn.

Năm 2016, chính sách một con được nới lỏng, cho phép các gia đình sinh hai con và tới năm 2020 được điều chỉnh thành cho phép sinh ba con. Nhưng dù có sự thay đổi như vậy, hết hết các cặp vợ chồng vẫn lựa chọn sinh một con và tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên của nước này vẫn tiếp tục giảm.

Bên cạnh đó, nhiều cặp vợ chồng cũng đang hoãn việc sinh con lại. Theo đó, độ tuổi sinh đẻ trung bình tại Trung Quốc đã tăng thêm gần 3 năm, từ 26,1 năm 2000 lên 28,8 năm 2021.

Bất ổn kinh tế cũng là một nhân tố khiến tỷ lệ sinh ở Trung Quốc giảm. Người trẻ nước này không muốn kết hôn do chi phí sinh hoạt gia đình cao hơn và do ly hôn ngày càng khó khăn do thay đổi về pháp lý. Ít kết hôn dẫn tới ít sinh con hơn. Các giá trị gia đình truyền thống lâu đời ở Trung Quốc vẫn kỳ thị những bà mẹ đơn thân và những đứa con ngoài giá thú, do đó việc có con ngoài giá thú vẫn vẫn tương đối hạn chế. Theo một cuộc khảo sát năm 2016 của Đại học Bắc Kinh, trong số các ca sinh của phụ nữ sinh từ năm 1980 đến 1989, chỉ 1,2% là ngoài giá thú. Tỷ lệ thực tế có thể cao hơn do các ca sinh của các bà mẹ chưa lập gia đình thường không được đăng ký.

Không chỉ vậy, các chính sách chống dịch Covid-19 hà khắc của Trung Quốc cũng vào thực trạng này, kéo dài sự bất ổn và làm chậm tăng trưởng kinh tế. Năm ngoái, khi Thượng Hải bị phong tỏa vào tháng 5, cụm từ "thế hệ cuối cùng" đã lan truyền nhanh chóng, cho thấy thâm trạng vô vọng và thờ ơ góp phần làm giảm tỷ lệ sinh ở nước này.

"THẬP KỶ LẠC LỐI" KIỂU NHẬT BẢN

Dựa trên thực tế đã thấy tại một số xã hội tương tự Trung Quốc, như Nhật Bản, sự suy giảm dân số của nước này sẽ sớm ảnh hưởng tới hệ thống kinh tế. Tại Nhật, vấn đề dân số gây ra tình trạng thiếu lao động, dân số suy giảm, lĩnh vực sản xuất suy thoái, thâm hụt tài khóa lớn hơn và lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, mối quan ngại ngay lúc này là tác động tới nhu cầu nhà ở.

Độ tuổi sinh đẻ trung bình tại Trung Quốc đã tăng thêm gần 3 năm, từ 26,1 năm 2000 lên 28,8 năm 2021 - Ảnh: Reuters
Độ tuổi sinh đẻ trung bình tại Trung Quốc đã tăng thêm gần 3 năm, từ 26,1 năm 2000 lên 28,8 năm 2021 - Ảnh: Reuters

"Thập kỷ lạc lối" của Nhật Bản với tăng trưởng kinh tế đi ngang và giảm phát bắt đầu xảy ra sau khi bong bóng thị trường bất động sản vỡ vào năm 1991. Nguyên nhân một phần là sự bùng phát dân số già. Tình trạng thừa cung bất động sản đột ngột xuất hiện khi nhu cầu giảm.

Theo các chuyên gia, độ trễ về sự già hóa dân số giữa Nhật Bản và Trung Quốc chỉ là khoảng 15-20 năm. Dân số trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc bắt đầu giảm vào năm 2015 so với năm 1995 ở Nhật Bản. Còn sự suy giảm dân số bắt đầu xảy ra ở Trung Quốc vào năm 2022 so với năm 2008 ở Nhật Bản.

Ở thời điểm dân số bắt đầu giảm, độ tuổi trung bình của dân số Nhật Bản là 37, bằng với độ tuổi trung bình của dân số Trung Quốc vào năm 2020.

“Cấu trúc dân số của Trung Quốc hiện nay tương tự như của Nhật Bản vào khoảng năm 1990, khi Nhật bước vào thời kỳ suy thoái dài hạn”, ông Chi Hung Kwan, thành viên cao cấp tại Viện nghiên cứu thị trường vốn Nomura, chỉ ra.

Trung Quốc đang đối mặt các thách thức tương tự như của Nhật, với dân số trong độ tuổi lao động trong dài hạn giảm xuống và chi phí an sinh xã hội tăng mạnh. Tuy nhiên, theo ông Randall Jones, thành viên Trung tâm Kinh tế và Kinh doanh Nhật Bản thuộc Đại học Columbia, tình hình có thể trở nên khó khăn hơn đối với Trung Quốc - quốc gia không sở hữu hệ thống an sinh tốt như của Nhật Bản.

"Tôi không lo nhiều về khía cạnh tài chính mà về tình trạng nghèo đói của người cao tuổi. Trung Quốc sẽ xử lý tình trạng nghèo đói ngày càng gia tăng ở người già như thế nào”, ông nói.

Tại Trung Quốc, nhiều người về hưu đang sống dựa vào tiền hưu trí sau nhiều năm làm việc với mức lương thấp.

Trong khi đó, hệ thống hưu trí ở Trung Quốc không đồng đều khi chính quyền các tỉnh nghèo nhận tiền từ các khu vực giàu có hơn. Hệ thống trả lương tại nước này theo kiểu lực lượng lao động đang làm việc chịu trách nhiệm trả tiền lương hưu cho những người đã về hưu. Quá trình đô thị hóa và dòng lao động nhập cư đổ về các thành phố lớn để tìm cơ hội việc làm đồng nghĩa các chính quyền nông thôn có ít người lao động đóng tiền cho các chương trình hưu trí của địa phương.

Trong một báo cáo năm 2019, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã cảnh báo rằng quỹ hưu trí của nước này sẽ cạn kiệt hoàn toàn vào năm 2035.

Tình thế bấp bênh càng được nhấn mạnh khi một cuộc biểu tình hiếm hoi của những người về hưu đã nổ ra tại trung tâm thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc vào tháng trước. Hàng trăm người về hưu đã đổ xuống đường và yêu cầu thay đổi một chính sách bảo hiểm y tế của chính phủ đã khiến tiền chi trả bảo hiểm của họ bị giảm xuống.